| Hotline: 0983.970.780

Phó TGĐ Cty CP phân phối, bán lẻ VNF1 Nguyễn Xuân Hồng: Chuẩn bị sẵn 300 tấn gạo tiếp ứng dân

Thứ Sáu 07/11/2008 , 10:00 (GMT+7)

Đây là công ty đầu tiên tổ chức đưa xe lưu động đến những điểm bị ngập úng, chia cắt tại Hà Nội để bán lương thực cho dân. NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng xung quanh chủ trương này…

Đây là công ty đầu tiên tổ chức đưa xe lưu động đến những điểm bị ngập úng, chia cắt tại Hà Nội để bán lương thực cho dân. NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng xung quanh chủ trương này…

Xuất phát từ đâu mà DN mở đợt bán hàng lưu động này, thưa ông?

Sau khi mưa lớn gây úng ngập, chia cắt nhiều khu vực tại Hà Nội, Tổng công ty Lương thục miền Bắc đã yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố tham gia cung ứng lương thực để bình ổn thị trường, giúp đỡ nhân dân trong những thời điểm khó khăn. Ngoài 3 điểm bán cố định tại: Số 9 Nguyễn Cảnh Chân, số 101 Vạn Phúc và tại văn phòng công ty  số 27 đường Kim Liên mới, Công ty đã ngay lập tức tổ chức 6 xe lưu động đi bán gạo. Doanh số mỗi ngày chỉ trên 100 triệu, nhưng thực tế doanh số không nói lên điều gì, mà mong mỏi của chúng tôi là đưa được lương thực kịp thời đến những khu vực khó khăn.

Nếu với số gạo đó chúng tôi bán ở thị trường bên ngoài chắc chắn doanh số sẽ tốt hơn bởi chi phí bán hàng tại những nơi ngập úng cực kỳ lớn, thuê 1 chiếc xe lưu động là tiền triệu một ngày. Toàn bộ chuyên viên XNK, kinh doanh, văn phòng lên xe đi bán gạo hết. Nhiều cán bộ tâm sự trước đây chúng em làm ở DN nước ngoài, công ty tư nhân chưa bao giờ có khái niệm “vì nhân dân” lúc khó khăn như thế này. Lãnh đạo Tổng công ty cũng rất quan tâm chỉ đạo, luôn hỏi việc thu mua ra sao, có đứt đoạn gì không?

Thực tế người dân đã đón nhận việc này ra sao?

Nhân dân hết sức hưởng ứng, phấn khởi. Từ đầu tuần khi chúng tôi ra quân thì chỉ đến được một số điểm ngập nặng. Sau khi các báo, đài đưa tin về chủ trương của công ty, lãnh đạo UBND các phường bị chia cắt đồng loạt điện đến công ty yêu cầu mang hàng đến bán và các xe lưu động đã phải hoạt động liên tục trong những ngày qua.

Thực tế cũng nảy sinh những khó khăn. Bởi, khi chúng tôi đi vào những vùng chia cắt, tư thương đang được dịp bắt chẹt nhân dân, nên một số đối tượng ra gây sự, thậm chí cướp cả hàng của công ty. Ví như tại phường Đặng Tiến Đông, khi bà con đang mua hàng là một số tư thương ra chửi bới nhân viên bán hàng, giật cướp gạo với lý do họ bán hàng phải nộp phí, thuế. Chúng tôi đã phải nhờ chính quyền và công an phường ra bảo vệ xe bán hàng lưu động. Những vùng mất điện, ngoài bán gạo, công ty cũng tặng bà con mỗi người mua hàng một đôi nến. Bởi tại những khu vực này, lúc cao điểm giá một đôi nến lên tới 25.000 đồng. Khi chúng tôi triển khai tặng nến thì các điểm bán nến “chặt chém” người dân cũng buộc phải dẹp đi.

Theo ông, qua nhưng đợt phục vụ nhân dân như thế này có giúp công ty quảng bá thương hiệu của mình?

Chúng tôi thấy hai điều được. Thứ nhất là khi khó khăn nhất, DN đã đến được với bà con. Đến nay, những điểm ngập lụt đã bớt đi nhiều, nhưng vẫn có những điểm nóng về giá cả. Các loại gạo Bắc hương, Si dẻo…bán rất chạy vì giá cả thấp hơn hẳn thị trường tự do. Gaọ Si dẻo công ty chỉ bán 10.000 đồng/kg, nhưng bên ngoài giá hơn 11.000 đồng/kg. Thứ hai, nhiều người nghĩ lúc này chắc là chất lượng gạo xấu, nhưng thực tế công ty mang toàn gạo tốt đi. Bà con đều thấy gạo ngọn và mua ngay mặc dù các quầy tư thương đã bán trở lại rất nhiều. Điều này đã mang lại một hình ảnh rất tốt cho DN.

Vậy công ty có chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường không?

Rõ ràng tới đây, chúng tôi phải mở rộng thêm hệ thống phân phối để làm chủ thị trường. Theo chiến lược của công ty sẽ mở 53 cửa hàng tiện ích, đưa gạo vào 12 siêu thị để có thể “phủ kín” được thị trường Hà Nội. Chúng tôi có lượng dự trữ 300 tấn gạo, lúc nào cũng sẵn sàng tiếp ứng. Chủ động chuyển gạo từ kho dưới Nam Định lên Hà Nôi. Tổng công ty LT miền Bắc cũng chỉ đạo trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến, sẽ huy động ngay gạo từ các công ty thành viên quanh Hà Nội để đáp ứng nhu cầu. Hiện DN đang căng ra chuẩn bị phương án xem có mưa tiếp hay không?

Xin cám ơn ông!

Xem thêm

Bình luận mới nhất