Ngày 3/7, Trường Đại học Cửu Long tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gợi mở những vấn đề để Trường Đại học Cửu Long phát huy đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Hồ Thảo.
Phát biểu tại hội nghị về giáo dục đại học, ông Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gợi mở 7 định hướng trọng tâm nhằm giúp các trường đại học tiếp tục đổi mới, thích ứng và phát huy vai trò trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo đó, các trường cần chủ động tiếp cận tư duy mới, xác định lại vai trò không chỉ là nơi đào tạo nhân lực mà còn là trung tâm kiến tạo tri thức và thiết kế tương lai. Mô hình quản trị cần đổi mới theo hướng hiện đại, linh hoạt, gắn với trách nhiệm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm.
Cùng với đó, chuyển đổi số phải được triển khai toàn diện, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và quản lý. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng kinh phí nghiên cứu được nhấn mạnh là yêu cầu cấp thiết, tránh lệ thuộc vào cơ chế xin – cho.
Ông Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị các trường tăng cường liên kết vùng, xây dựng mạng lưới phối hợp với doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù hỗ trợ các trường ngoài công lập có năng lực nghiên cứu, thí điểm đặt hàng nhiệm vụ gắn với thực tiễn địa phương.
Cuối cùng, cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hoạt động nhà trường, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương để nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học.

Sinh viên Trường Đại học Cửu Long thực hiện thí nghiệm tại Khoa Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hồ Thảo.
Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Lương Minh Cừ – Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho biết, nhà trường đã xác định chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là khâu đột phá chiến lược và đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030. Trường hiện đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm cho nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo chuyên đề về trí tuệ nhân tạo, y tế số, logistics vùng sông nước… nhằm phục vụ phát triển vùng và nhu cầu thực tiễn.
Trường Đại học Cửu Long hiện có hơn 1.000 giảng viên, trong đó gần 150 tiến sĩ, 50 giáo sư và phó giáo sư. Nhiều công trình nghiên cứu của Trường đã được ứng dụng thực tiễn như chọn giống lúa chịu mặn, AI trong y khoa, thiết bị phục vụ nông nghiệp và năng lượng tái tạo.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học, nhất là về thủ tục mời chuyên gia nước ngoài, thiếu trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, khó tiếp cận chính sách ưu đãi và cơ chế thanh toán chưa linh hoạt. Các trường ngoài công lập còn gặp khó trong thu hút nhân lực và thiếu cơ chế đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương - một trong những yếu tố quan trọng để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: “Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để tham mưu Trung ương hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là gắn với vùng, với khoa học công nghệ và xã hội số”.