| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hướng bền vững

Thứ Hai 03/03/2025 , 20:57 (GMT+7)

Ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam vẫn duy trì vị thế quan trọng trên thị trường toàn cầu, chiếm 40% tổng sản lượng, gần 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu thế giới.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: X.A.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: X.A.

Sáng 3/3, tại TP.HCM, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức khai mạc Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam 2025 (VIPO 2025), với sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).

Hội nghị quy tụ sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, nông dân và đại diện chính quyền địa phương.

Trong đó, 51% khách tham dự là quốc tế từ các hiệp hội hàng đầu của Ấn Độ, Trung Quốc… và 40% là nhà mua hàng, hứa hẹn tạo nên sân chơi giao thương sôi động.

Sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành và mở rộng cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và gia vị.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, tạo nền tảng vững chắc cho việc trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và đặc biệt là cây hồ tiêu.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, diện tích trồng hồ tiêu đạt 110.500 ha với năng suất trung bình 26 tạ/ha, gấp đôi mức trung bình toàn cầu (12,7 tạ/ha) và sản lượng khoảng 200.000 tấn.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 1,32 tỷ USD. Đáng chú ý, diện tích trồng hồ tiêu chỉ bằng khoảng 15% diện tích cà phê và 12% diện tích cao su, nhưng lại đóng góp khoảng 23% giá trị xuất khẩu cà phê (5,6 tỷ USD) và hơn 38% giá trị xuất khẩu cao su (3,4 tỷ USD), mở ra tiềm năng phát triển lớn nếu ngành được khai thác đúng cách.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn dẫn đầu sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị khác như: quế (gần 200.000 ha, chiếm khoảng 20% diện tích trồng quế toàn cầu); hồi (55.000 ha, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc); các loại gia vị khác: gừng, nghệ,... phục vụ nhu cầu trong nước và nhiều thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quý Dương cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu về các loại gia vị tự nhiên, hữu cơ trên thế giới ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững và gia tăng giá trị nội địa.

Các doanh nghiệp hồ tiêu và gia vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm. Ảnh: X.A.

Các doanh nghiệp hồ tiêu và gia vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm. Ảnh: X.A.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA khẳng định, ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam vẫn duy trì vị thế quan trọng trên thị trường toàn cầu khi Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng sản lượng và gần 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, những biến động từ khí hậu, xung đột chính trị và chiến tranh thương mại cũng đặt ra yêu cầu quản trị rủi ro chặt chẽ cho chuỗi cung ứng ngành hàng.

VIPO 2025 sẽ diễn ra đến hết ngày 5/3 với các phiên thảo luận chuyên sâu về phát triển bền vững và quản trị rủi ro. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, thúc đẩy giao thương và khẳng định giá trị kinh tế của gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa VPSA và Hội Gia vị Trung Quốc. Ảnh: X.A.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa VPSA và Hội Gia vị Trung Quốc. Ảnh: X.A.

Dịp này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam và Hội Gia vị Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ trong việc hợp tác phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.

Ông Mike Liu, Chủ tịch Hội Gia vị Trung Quốc cho biết, trong sự kiện này, phía Trung Quốc có 20 doanh nghiệp tham gia để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Từ đó, cùng với Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đưa hồ tiêu nói riêng và gia vị Việt Nam nói chung ra thế giới.

Định hướng phát triển cây hồ tiêu đến năm 2030, diện tích điều chỉnh còn khoảng 80.000-100.000 ha, năng suất đạt 24 - 25 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 200 - 230 nghìn tấn.

Phấn đấu đến năm 2030, khoảng 40% diện tích trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; khoảng 40-50% diện tích trồng tiêu được cấp mã số vùng trồng gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Diện tích trồng tái canh và cải tạo giống bằng giống mới chất lượng cao khoảng 40-50%;

Phát triển các vùng trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn khác như VietGAP, GlobalGAP tại các vùng sản xuất trọng điểm như Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh khác như Lâm Đồng, Quảng Trị; Đến năm 2030, diện tích tiêu hữu cơ đạt 5.000 ha, chiếm 5% diện tích hồ tiêu.

Xem thêm
Giá xăng dầu trong nước 17/4/2025 tăng hay giảm sau phiên điều chỉnh?

Giá xăng dầu hôm nay 17/4/2025 ở trong nước tăng giảm như thế nào sau điều chỉnh lúc 15h? Giá xăng và giá dầu ngày 17/4 mới nhất là bao nhiêu?

Gian lận bảo hiểm thất nghiệp người lao động sẽ gặp rắc rối lớn

Nhiều lao động cố tình gian lận để hưởng trợ cấp thất nghiệp đang đối mặt nguy cơ bị thu hồi tiền, xử phạt hành chính và mất toàn bộ quyền lợi bảo hiểm.

Agribank ưu đãi tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Agribank đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.