
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình trồng sen của bà Nguyễn Thị Toàn ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Chủ của đầm sen rộng 8 ha
Việc thu hái sen bắt đầu từ 4h30 đến 6h sáng khi bông còn chúm chím, hoa chưa nở, hương mới thơm. Nằm ngoài khung giờ đó khi bông đã nở, hương đã tỏa ra thì không đủ tiêu chuẩn dùng để ướp trà. Bà Nguyễn Thị Toàn, ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, TP Hà Nội là chủ trang trại trồng tới 8 ha sen. Trung bình mỗi ngày bà thả trà vào 2.000-2.500 bông hoa sen rồi gói kín lại bảo quản lạnh; ngoài ra bà còn làm loại trà sen cao cấp hơn bằng cách ướp nhiều lần với gạo sen rồi đem sấy để giữ hương thơm được dài lâu:
“Trước đây tôi trồng sen loại sen mặt bằng chuyên để lấy hạt nhưng 4 năm nay đã chuyển hết sang sen hồ Tây đỏ chuyên để lấy hoa. Trồng sen để lấy hoa thì cứ nở ra là thu hái, không phải chờ đợi từ hoa sang có đài rồi nuôi hạt mất cả tháng, không phải lo chuột ăn mất hạt, không phải lo phơi phóng, bảo quản hạt nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu như 1m2 trồng sen hạt chỉ được 20 bông thì trồng sen hoa phải được 30-40 bông.
Hiện tôi đang bán hoa tươi với giá 3.000-4.000 đồng/bông, bán trà sen ướp bông với giá 20.000 đồng/bông, trà sen ướp gạo giá từ 5 triệu đồng/bông, tính ra tổng thu được khoảng 80-100 triệu đồng/ha, không cao nhưng vẫn hơn nhiều so với nuôi cá. Mong muốn của tôi là được mang hương hoa sen của xã Chuyên Mỹ ra ngoài thị trường quốc tế để nhiều người biết đến”.
Anh Vũ Hoàng Trung - Trạm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Xuyên cho biết sau sáp nhập huyện Phú Xuyên cũ đã thành 4 xã mới gồm Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Đại Xuyên và Phượng Dực và xã nào cũng có sen với tổng diện tích khoảng 100 ha. Tuy nhiên sen mới chỉ được trồng lẻ tẻ, bán tươi là chính chứ chưa được chế biến sâu, chưa xây dựng thành một chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Nguyễn Xuân Đại (giữa) kiểm tra sản phẩm trà sen của bà Nguyễn Thị Toàn ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Địa phương muốn phát triển cây sen bởi nhiều lý do: thứ nhất là tình trạng bỏ ruộng hoang vì nông dân chuyển dịch sang nghề khác mỗi lúc một nhiều. Trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũ có khoảng 200 ha ruộng hoang như vậy; thứ hai là cây sen rất gần gũi với đời sống nông thôn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Đầu tư cho mỗi 1 ha sen về giống, phân, công trồng ban đầu khoảng 70-80 triệu đồng trong khi đó lại thu được 4-5 năm, bình quân mỗi năm nếu chỉ tính riêng sen khoảng 80-100 triệu đồng, nếu như kết hợp thả cá sẽ được 150-200 triệu đồng, nếu như mở hoạt động du lịch thu hút được khách đến trải nghiệm sẽ còn thu được nhiều tiền hơn nữa; thứ ba là cây sen mang tính đa giá trị, không bỏ phí một bộ phận nào, lá dùng làm trà giảm mỡ máu, hoa dùng ướp trà, củ dùng ăn tươi hay làm bột, làm miến, hạt dùng chế biến thành nhiều món ăn đặc sản.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả từng thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị” trong đó lựa chọn 3 tỉnh, thành để xây dựng mô hình điểm là Hà Nội, Nghệ An và Đồng Tháp.
Hướng canh tác hữu cơ kết hợp với du lịch
Anh Trung ấp ủ với tôi về mong muốn xây dựng thương hiệu và hình thành chuỗi sản phẩm chế biến từ sen của Phú Xuyên. HTX công nghệ cao Phú Xuyên được thành lập để hiện thực hóa mong muốn này với định hướng canh tác sen hữu cơ. Cũng bởi không dùng đến phân bón, thuốc BVTV hóa học nên giúp cho các sinh vật phù du, tép đồng trong đầm sen sinh sôi, nảy nở, trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho cá ở bên dưới, không phải dùng đến cám công nghiệp. Với mực nước thấp, lượng ô xi ít, trong đầm sen có thể thả những loại cá như nheo, chuối hoa, rô đồng, chạch…Khi trồng sen đi kèm phát triển du lịch thì không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh mà còn là bán các sản phẩm như hoa sen, trà sen, sữa sen và các món ăn từ sen như ngó sen xào, ngó sen nộm, chim bồ câu hầm hạt sen, gà hấp lá sen, củ sen ninh móng giò…hay các món ăn từ cá bắt dưới đầm sen.

Các món ăn chế biến từ sen. Ảnh: Vũ Hoàng Trung.
Bộ giống sen hiện nay khá phong phú gồm hồ Tây đỏ, hồ Tây trắng, sen Đồng Tháp, sen super, sen pink, sen quan âm, sen nghìn cánh, sen mây bay… Mỗi giống có một khung thời vụ khác nhau, một đặc điểm sinh học khác nhau, tùy theo mục đích mà trồng. Sen super rất sai hoa, mỗi m2 có thể cho tới 20-30 bông. Sen quan âm hoa to, gấp cánh được hay dùng kết thành lẵng. Sen nghìn cánh cũng được khách ưa chuộng. Sen hồ Tây dùng để ướp trà rất đượm hương, thay vì bán tươi 3.000-4.000 đồng/bông sau khi chế biến đã nâng giá trị lên thành 20.000-25.000 đồng. Sen mây bay hoa màu trắng, có lá rất ngon, không bị chát như sen hồ Tây hay sen ta dùng để sắc nước uống nên lá bán tươi cũng được 7.000-8.000 đồng/kg, nếu đem vào chế biến thành trà lá sen thì có thể tăng gấp đôi, gấp ba giá trị...
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, sen không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị môi trường sinh thái, văn hóa, du lịch. Thành phố cũng đang xem xét để ban hành nghị quyết về việc cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp với quy mô vừa phải, không vi phạm Luật đất đai để tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp phát triển trong đó có du lịch ở các đầm sen. Tuy nhiên những mô hình trồng sen ở Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn, tồn tại như: Diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa và hình thành được vùng trồng chuyên canh tập trung để xây dựng thương hiệu hoặc thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Nhiều nơi vẫn dùng giống sen truyền thống, năng suất thấp, ít hoa, hạt không đồng đều. Trên địa bàn thành phố chưa có nhiều cơ sở sản xuất giống uy tín. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu bán hoa tươi, ít chế biến. Giá cả bấp bệnh phụ thuộc vào mùa vụ và thương lái. Các sản phẩm từ sen chưa tiếp cận được kênh phân phối rộng.
Để tháo gỡ những vấn đề đó phải thực hiện đồng bộ những giải pháp: Nhân rộng mô hình khảo nghiệm giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để mở rộng mùa hoa sen từ tháng 4 đến tháng 11, tăng hiệu quả khai thác. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ sen, phát triển sản phẩm từ sen theo hướng chế biến sâu. Hình thành các trung tâm trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm sen gắn với du lịch và làng nghề. Tăng cường đầu tư hệ thống tưới tiêu, bảo vệ nguồn nước sạch cho đầm sen. Tổ chức các lễ hội, hội chợ chuyên đề về sen, hỗ trợ truyền thông và kết nối thị trường trong nước và quốc tế.
Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội