| Hotline: 0983.970.780

Những hành động nhỏ cho một tương lai lớn không rác thải nhựa

Chủ Nhật 01/06/2025 , 08:22 (GMT+7)

Chống ô nhiễm nhựa cần sự đồng lòng từ người dân, doanh nghiệp đến chính quyền. Hành động nhỏ hôm nay sẽ làm nên một tương lai không rác thải.

“Cuộc chiến với rác thải nhựa không thể thành công bằng nỗ lực đơn lẻ”, đó là thông điệp của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi tới Lễ hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới. Thông điệp của người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường gửi tới từng người dân, từng doanh nghiệp, từng cấp chính quyền, rằng: đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau bước vào một hành trình mới, hành trình cải tạo lại môi trường sống khỏi vấn đề ô nhiễm nhựa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi tới thông điệp: Cuộc chiến với rác thải nhựa không thể thành công bằng nỗ lực đơn lẻ. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi tới thông điệp: Cuộc chiến với rác thải nhựa không thể thành công bằng nỗ lực đơn lẻ. Ảnh: Khương Trung.

Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra rằng, mỗi năm, thế giới thải ra hàng trăm triệu tấn nhựa. Rất nhiều trong số đó không bao giờ biến mất, mà chỉ len lỏi vào đất, nước, không khí và cả cơ thể chúng ta. Việt Nam, với đường bờ biển dài, sản xuất tiêu dùng tăng trưởng nhanh cũng đang chịu sức ép không nhỏ từ loại chất thải này.

Vậy đâu là những giải pháp để tìm ra những hướng đi mới chống ô nhiễm nhựa?

Từ năm 2020, với Luật Bảo vệ môi trường, Việt Nam đã chọn cho mình một cách đi mới. Không còn chỉ là thu gom, xử lý bằng những giải pháp lạc hậu, cách làm mệt mỏi và tốn kém mà là chủ động phòng ngừa, tái sử dụng, tái chế và thiết kế sinh thái ngay từ đầu.

Một trong những điểm nhấn của bước ngoặt này chính là cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Doanh nghiệp giờ đây không chỉ làm ra sản phẩm mà họ còn phải có trách nhiệm đến cùng với những gì mình tạo ra.

Rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự chuyển hướng này không đơn giản, nhưng nó đáng giá. Bởi chỉ khi sản phẩm được thiết kế để không trở thành rác, khi vòng đời của vật liệu được kéo dài bằng tái chế, và khi hành vi tiêu dùng được điều chỉnh bằng chính sách, chúng ta mới có thể thực sự xoay chuyển cục diện.

Và điều đáng mừng là, những thay đổi ấy đang bắt đầu hiện hữu tại nhiều doanh nghiệp, địa phương và một số cộng đồng. Nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn, “chợ dân sinh xanh”, và các khu đô thị không rác thải nhựa. Các doanh nghiệp đã bước đầu nghiên cứu, áp dụng vật liệu sinh học và bao bì tái chế, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tại Quảng Ninh, chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” và “Cô Tô không nhựa” đã ghi dấu ấn với việc thay thế hơn 98% phao xốp một loại rác nguy hiểm trên biển bằng phao nhựa HDPE thân thiện hơn. Những hành động như vậy, dù ở cấp địa phương, lại có sức lan tỏa rất lớn.

Nhưng cũng từ những câu chuyện ấy, ta thấy rõ một điều: không ai có thể đơn độc trong hành trình này. Nhà nước không thể làm thay nếu doanh nghiệp vẫn sản xuất nhựa dùng một lần không kiểm soát. Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu người tiêu dùng không lựa chọn xanh. Người dân không thể thay đổi nếu không được tiếp cận thông tin, hỗ trợ từ chính quyền và tự thay đổi các ứng xử với nhựa sử dụng một lần. Mỗi mắt xích phải vận hành, cỗ máy chung mới chuyển động.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa không phải những hoạt động, phong trào, chương trình trong một sớm một chiều. Đó là một hành trình dài hơi, hành trình kiến tạo một nền văn hóa tiêu dùng có trách nhiệm, một mô hình sản xuất bền vững, và một hệ sinh thái chính sách biết lắng nghe, điều chỉnh và thích nghi.

Nếu hôm nay, chúng ta còn có thể lựa chọn, thì hãy lựa chọn cách ứng xử mạnh mẽ với nhựa sử dụng một lần. Nếu có thể thay đổi một thói quen như mang theo túi vải khi đi chợ, nói không với ống hút nhựa, thì hãy làm ngay.

Nếu là doanh nghiệp, hãy nghĩ về một dòng sản phẩm mới, nơi “xanh” không chỉ là màu sắc mà là cam kết. Bởi tương lai không tự nhiên mà có, tương lai là thứ được tạo nên từ từng hành động nhỏ hôm nay.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường gửi tới thông điệp rằng: Chống ô nhiễm nhựa phải là hành động đồng bộ, là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ môi trường sống, gìn giữ hành tinh xanh cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

Chúng ta hãy cùng nhau, bắt đầu từ những điều giản dị nhất, vì một Việt Nam không rác thải nhựa. Vì những dòng sông trong xanh, những bãi biển không còn chai lọ trôi dạt, và vì thế hệ mai sau có thể tự hào nói rằng, ngày hôm nay chúng ta đã gìn giữ cho hành tinh xanh và sạch hơn.

Ngày 1/6 tại Quảng Ninh, Lễ Mít tinh trọng thể hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) và phát động Tháng hành động vì Môi trường năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức; Báo Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị thực hiện.

Sự kiện năm nay mang chủ đề toàn cầu "Chống ô nhiễm nhựa" (Beat Plastic Pollution), do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Khả năng xuất hiện một cơn bão hướng vào Biển Đông

Một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Philippines có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển vào Biển Đông trong 2-3 ngày tới, gây thời tiết xấu trên biển.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất