
Nhạc sĩ Thế Hiển.
Nhạc sĩ Thế Hiển năm nay 68 tuổi. Vốn là ca sĩ của Đoàn ca nhạc Bông Sen TP.HCM, nhạc sĩ Thế Hiển chính thức bước sang lĩnh vực sáng tác khi ca khúc “Hát về anh” ra đời năm 1983 nhanh chóng được công chúng đón nhận: “Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao. Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ, nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ”.
40 năm trôi qua, ca khúc “Hát về anh” trở thành một tác phẩm được yêu thích ở đề tài ngợi ca những người chiến sĩ biên cương. Ca khúc “Hát về anh” được nhạc sĩ Thế Hiển sáng tác ở Quảng Ninh, lúc ông đang theo Đoàn ca nhạc Bông Sen đi phục vụ bộ đội biên giới phía Bắc.
Đã có rất nhiều ca sĩ biểu diễn “Hát về anh”, nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho giới mộ điệu vẫn là hình ảnh nhạc sĩ Thế Hiển vừa đàn vừa hát: “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường/ Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ/ Ðã có những hy sinh khó nói hết bằng lời/ Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy”.
Sau sự trẻ trung và sự ân tình của ca khúc “Hát về anh”, nhạc sĩ Thế Hiển tiếp tục có ca khúc “Nhánh lan rừng” viết năm 1987. Câu chuyện người chiến sĩ biên phòng lại xuất hiện, với một vẻ đẹp khác trong âm nhạc Thế Hiển “có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người qua phố phường đông vui”.
Nhờ ca khúc “Nhánh lan rừng” của nhạc sĩ Thế Hiển, mọi người hiểu thêm giá trị cuộc sống thanh bình: “Nhớ lúc chiến đấu, khi dừng chân bên bờ suối vắng/ Thấy nhánh lan rừng lá vẫn xanh trên cành cháy khô/ Gợi lên lời hát trong tâm tư người lính trẻ/ Gió mưa không phai tàn loài hoa trắng phong lan”.
Chỉ cần hai ca khúc “Hát về anh” và “Nhánh lan rừng”, nhạc sĩ Thế Hiển đã được xưng tụng là “người lính không mặc áo lính”. Thế nhưng, nhạc sĩ Thế Hiển không dừng lại trong sự tự mãn hạn hẹp, ông vẫn dành cho những chiến sĩ biên phòng những giai điệu mới từ tâm hồn mình.

Tập sách nhạc "Hát về anh - Nhánh lan rừng" của nhạc sĩ Thế Hiển.
Tập sách “Hát về anh – Nhánh lan rừng” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành, đã chứng minh nhạc sĩ Thế Hiển còn nhiều ca khúc rung động nữa về người lính như “Chiều xuân trên biên cương”, “Chiến sĩ biên phòng hành khúc”, “Đường tuần tra biên giới”, “Tiếng hát biên phòng trên đảo Thạnh An”...
Ngoài những sáng tác về người lính nơi “rừng âm u, mây núi mênh mông/ ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy”, nhạc sĩ Thế Hiển cũng đã 6 lần đi cùng các đoàn công tác đến quần đảo Trường Sa và viết hàng chục ca khúc về lực lượng hải quân. Có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu như “Vỏ ốc biển”, “Hành khúc chiến sĩ tàu ngầm”, “Lính đảo Trường Sa”, “Khúc hát tự hào HQ 561”...
Nhạc sĩ Thế Hiển là một người sôi nổi và cũng rất đa tình. Ông đang hạnh phúc bên người vợ thứ tư ở xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong. Với nhạc sĩ Thế Hiển, âm nhạc và tình yêu thực sự mang đến cho ông những đam mê bất tận.
Bên cạnh cảm hứng “xin hát mãi về anh, người chiến sĩ biên cương”, nhạc sĩ Thế Hiển cũng thành công ở nhiều đề tài khác. Không tính các loại địa phương ca hay doanh nghiệp ca, thì nhạc sĩ Thế Hiển đã có vài ca khúc lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Ví dụ, mảng ca khúc thiếu nhi, ông vừa có sáng tác “Nhong nhong nhong” vui nhộn “nhong nhong nhong cha làm con ngựa, để cho con vui tiếng cười”, lại vừa có sáng tác “Dấu chấm hỏi” day dứt “Tại sao sinh em trong cuộc đời, mà sao không cho em tình người/ Tại sao em lang thang lạc loài, em nào có tội gì đâu/ Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường/ Tuổi thơ em bơ vơ đầu đường, xin từng hạt cơm rơi, xin từng hạt cơm rơi”.