| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương chỉ còn tình thương để lại đời

Thứ Sáu 24/12/2021 , 11:26 (GMT+7)

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tác giả của những câu thơ quen thuộc thường được in trên các tờ lịch, vừa qua đời lúc 4h sáng nay 24/12 tại TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (1937-2021).

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (1937-2021).

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương sinh năm 1937 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là con gái của danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961, thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương Miên Trinh).

Có người cha là chủ soái Hương Bình Thi Xã nức tiếng xa gần, nên từ nhỏ nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã được cổ vũ gắn bó với chữ nghĩa. Không chỉ có tình cha con, họ còn có nghĩa thầy trò, như chính câu thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết “cha con ta là đôi tri kỷ/ chung bóng chung hình giữa nước non”.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tự hào về thân phụ: “Cha tôi là một cái bóng lớn đối với nhiều người, nhiều thế hệ, chứ đâu riêng gì tôi. Được nép dưới bóng cụ là phước báu. Những dịp thi hữu ghé chơi, cha tôi lại kêu tôi ngâm thơ của cha cho mọi người cùng nghe”.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng là một trong những nữ sĩ xứ Huế xuất hiện rất sớm trên văn đàn Việt Nam. Tập thơ đầu tiên có tên gọi “Đợi mùa trăng” của Tôn Nữ Hỷ Khương được phát hành vào năm 1964.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương qua nét vẽ Nguyễn Văn Hổ.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương qua nét vẽ Nguyễn Văn Hổ.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã xuất bản các tác phẩm “Mộng thanh bình” in năm1970, “Hồi ức về cha tôi – Ưng Bình Thúc Giạ Thị” in năm 1996, “Còn gặp nhau” in năm 1999, “Bâng khuâng tình khúc” in năm 2001, “Hãy cho nhau” in năm 2004, “Nước vẫn xanh dòng” in năm 2005, “Thơ tình và tình thơ” in năm 2006, “Thơ dâng cha mẹ” in năm 2007...

Một trong những bài thơ tâm đắc nhất của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là “Còn gặp nhau”. Hơn hai thập niên qua, bài thơ “Còn gặp nhau” được trích in trên rất nhiều tờ lịch. Thậm chí, ở nhiều cuộc thuyết giảng về đạo Phật, bài thơ “Còn gặp nhau” được truyền dạy như một phương châm xử thế với nhân gian.

Bài thơ “Còn gặp nhau” giản dị và thuần khiết, mộc mạc như ca dao. Bài thơ “Còn gặp nhau” gồm 7 khổ, mỗi khổ trình bày một nguồn cơn “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui”, “Còn gặp nhau thì hãy cứ thương”, “Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi”, “Còn gặp nhau thì hãy cứ cười”, “Còn gặp nhau thì hãy cứ chào”, “Còn gặp nhau thì hãy cứ say” và “Còn gặp nhau thì hãy cứ đi”.

Cuốn lịch xuân Nhâm Dần 2022 là món quà cuối cùng gửi lại nhân gian của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Cuốn lịch xuân Nhâm Dần 2022 là món quà cuối cùng gửi lại nhân gian của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Mặc dù tuổi cao sức yếu, thỉnh thoảng phải nhập viện, nhưng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vẫn không ngừng kết nối với mọi người. Mới đây, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã in một cuốn lịch Xuân Nhâm Dần 2022 để gửi tặng đồng nghiệp và bạn bè. Cuốn lịch ân tình ấy, có người vừa nhận được và có người chưa nhận được, thì nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã chìm vào hư vô.

Xuất thân danh gia vọng tộc và nếm trải không ít thăng trầm, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vẫn giữ được ánh mắt trong sáng và nụ cười đôn hậu: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời”.            

Xem thêm
16 tuyển thủ bóng bàn Việt Nam dự giải trẻ Đông Nam Á

16 tuyển thủ bóng bàn Việt Nam dự giải trẻ Đông Nam Á 2025 đã tập trung tại Hà Nội và lên đường dự giải vào ngày 16/4.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng đón 50.000 lượt du khách dịp lễ 30/4

Chiều 17/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.