| Hotline: 0983.970.780

Người thích... luận giải mùa vụ

Thứ Tư 11/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Cho dù đã nghỉ hưu về sống tại làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng) nhưng ông Nguyễn Văn Diêu vẫn được nhiều người quý mến...

Cho dù đã nghỉ hưu về sống tại làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng) nhưng ông Nguyễn Văn Diêu vẫn được nhiều người quý mến bởi cả đời vị kỹ sư canh nông này gắn bó với ruộng đồng và đã có rất nhiều đóng góp hữu ích cho ngành Nông nghiệp Quảng Trị.

Hiện nay thay vì hưởng thụ cuộc sống an nhàn, ông Diêu vẫn miệt mài tìm cách “giải mã” cơ cấu mùa vụ sản xuất nông nghiệp thông qua kinh nghiệm dân gian cũng như các câu văn trong sách cổ. Thật khó để tìm gặp được ông Diêu bởi phần lớn thời gian ông đều dành cho đồng áng và tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng cuối cùng tôi cũng may mắn được tiếp kiến ông trong buổi chiều xuân trời vương đầy nắng nhạt.

Trước đó, cứ mỗi lần thấy ông xuất hiện trên truyền hình ở chương trình khuyến nông của tỉnh, thú thật tôi chẳng mấy thiết tha để lắng nghe, nhưng khi được đối diện với ông Diêu, nghe ông luận giải về mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp tôi lấy làm kinh ngạc trước sự uyên thâm của tay kỹ sư canh nông được đào tạo bài bản này. Câu chuyện chỉ xoay canh những kinh nghiệm dân gian mà ông đã miệt mài đúc kết trong suốt 34 năm (từ năm 1975-2009). 

Ông cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài các yếu tố quan trọng như giống, phân bón, tưới tiêu, biện pháp thâm canh...để tăng năng suất cây trồng thì cách bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý luôn có tính quyết định đến năng suất cây trồng. Mùa vụ được bố trí hợp lý đối với từng loại cây trồng sẽ là chìa khoá quyết định sự thành bại. Từ xa xưa ông cha đã nói “Nhất thì-nhì thục” hoặc “Làm ruộng phải thì-đi buôn phải chuyến” (thì là thời) với mục đích nhắc nhở phải chú ý đặt mùa vụ lên hàng đầu và muốn xác định được mùa vụ đúng thì trước hết người nông dân phải hiểu đúng, hiểu tường tận điều kiện khí hậu, thời tiết tại địa phương mình để có thể khéo léo bố trí mùa vụ hợp lý nhằm tránh khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết để giành vụ mùa bội thu. 

Hầu hết các loại cây trồng đều phụ thuộc vào nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm...để sinh trưởng, phát triển. Chính từ sự phụ thuộc đó nên khi cây trồng bước vào thời kỳ phát dục mà gặp thời tiết bất lợi thì sẽ bị thất thu hoặc giảm năng suất. Có lẽ thấy được tầm quan trọng của việc bố trí cơ cấu mùa vụ nên ông cha ta đã đúc rút kinh nghiệm bằng nhiều câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc để truyền khẩu lại cho con cháu đời sau học hỏi. Những kinh nghiệm dân gian đó đã được chứng thực sự đúng đắn trong thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Trị nói riêng và nhiều tỉnh Bắc Trung bộ nói chung.

Đối với Quảng Trị, căn cứ vào vụ đông-xuân hàng năm cứ lấy cây lúa làm chuẩn theo kinh nghiệm dân gian thì khung an toàn nhất trong vụ là khoảng thời gian giữa tiết Thanh minh và Cốc vũ (từ tháng 4-5/5 dương lịch) điều đó được đúc kết bằng câu: “Lúa trổ Thanh minh thì vinh cả xã/Lúa trổ Cốc vũ no đủ mọi nhà/Lúa trổ lập hạ buồn bã xóm thôn”. Hoặc như câu “Làm mùa tháng 5/Xem trăng rằm tháng 8/Trăng sáng được ruộng sâu/Trăng lu được ruộng cạn”. Câu trên có nghĩa nếu trăng rằm tháng 8 mà sáng vằng vặc thì vụ đông-xuân (thu hoạch vào tháng 5 của năm sau) ít mưa nên ruộng sâu dễ làm, được mùa (ngược lại ruộng cạn thiếu nước cần chủ động bố trí nguồn nước tưới) nhưng nếu trăng mờ thì vụ đông-xuân năm đó mưa nhiều nên ruộng cạn dễ làm vì đủ nước (ruộng sâu phải chủ động việc tiêu úng). 

Muốn xem trăng rằm tháng 8 một cách chính xác thì phải xem từ sau 12 giờ đêm của ngày 14/8 (âm lịch) đến 12 giờ đêm của ngày 15/8 (âm lịch) và chia ra thành 3 giai đoạn gồm giai đoạn từ 12 giờ đêm ngày 14/8 (âm lịch) đến 4 giờ sáng ngày 15/8 (âm lịch) biểu thị cho thời kỳ đầu của vụ đông-xuân và nếu trăng sáng thì đầu vụ trời không mưa rất dễ dàng khi xuống vụ còn nếu trăng mờ thì đầu vụ trời mưa nhiều rất khó triển khai sản xuất vụ đông-xuân; giai đoạn sau 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm 15/8 (âm lịch) tương ứng với thời tiết giữa vụ; giai đoạn từ 9 giờ đến 12 giờ đêm 15/8 (âm lịch) ứng với cuối vụ nếu trăng mờ thì có lụt tiểu mãn, mưa nhiều nên thu hoạch vụ đông-xuân rất khó và có khi còn bị thất thu do thời tiết xấu. 

Hay như câu “Mồng chín tháng chín không mưa/Cha con bán cày, bán bừa mà ăn” có nghĩa là ngày 9/9 (âm lịch) mà trời không mưa thì vụ đông-xuân năm sau bị hạn rất khó sản xuất. “Sấm tháng 10 cày cươi (sân) mà cấy” có nghĩa nếu tháng 10 (âm lịch) có sấm thường xuyên thì vụ đông-xuân năm sau đầy đủ nước để gieo cấy. “Cửu nguyệt lôi thanh tứ nguyệt hàn” (tháng chín có sấm thì tháng tư năm sau vẫn còn rét). Từ câu này có thể xem xét, luận giải được diễn biến của các đợt rét như nếu sấm rơi vào ngày 1-10/9 (âm lịch) thì sẽ có rét muộn từ 4-10/4 (dương lịch) nên bố trí mùa vụ chậm hơn và cho lúa vụ đông-xuân trổ sau 10/4 (dương lịch) năm sau; nếu có sấm trong khoảng 11-20/9 (âm lịch) thì sẽ có rét vào 11-20/4 (dương lịch); nếu có sấm từ 21-30/9 (âm lịch) thì vụ đông-xuân năm sau không cần dịch mùa vụ chậm lại mà cứ làm sớm và bố trí cho lúa trổ trong khung Thanh minh năm sau là an toàn nhất.

 “Đói thì ăn sắn, ăn khoai/Đừng thấy lúa trổ giêng hai mà mừng” đó là câu khá đúng với vụ đông-xuân hàng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vì nếu vụ đông-xuân cho lúa trổ vào tháng 2 (âm lịch) rất dễ mất mùa vì gặp rét đậm, rét hại. Nếu Thanh minh nằm trong tháng 2 (âm lịch) thì nên chia ra làm 2 khoảng gồm nếu 5/4 (dương lịch) trùng với 25/2 (âm lịch) trở về sau ta cứ bố trí cho lúa trổ trong tiết Thanh minh (từ 5-20/4); nếu 5/4 (dương lịch) trùng từ 20/2 trở về trước thì phải dịch mùa vụ lùi lại 5-10 ngày để tránh rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến năng suất và tránh mất mùa.

Dừng câu chuyện để lần tìm trên giá sách sau đó mang xuống đặt lên bàn cả đồng sách đã ố vàng mà ông sưu tập, tham khảo, ông cho biết thêm: Ngoài việc tìm hiểu kinh nghiệm dân gian về thời tiết, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, ông còn tìm hiểu thêm qua sách cổ. Đối với vụ hè - thu hàng năm, sách của Lê Quý Đôn có nhiều câu rất hay như “Đông chí thiên trình vô nhật sắc/Lai niên hạ vũ cốc phong đăng”, có thể hiểu là ngày Đông chí mà bầu trời không có ánh sáng thì vụ hè - thu năm sau được mùa về ngũ cốc. “Gặp ngày Đông chí thuận tình khó coi/Trời tạnh mà không mặt trời/Thái bình thiên hạ nơi nơi thoả lòng” rồi “Thanh minh tiết nhược phùng phong nam chí/Bát thập nguyệt nông gia đại bội thu”, có nghĩa là ngày Thanh minh mà gió nam nhẹ cả buổi sáng thì vụ hè - thu mưa thuận gió hoà; nếu ngày Thanh minh có gió mùa Đông Bắc và mưa phùn thì lũ lụt sẽ đến sớm (lụt diễn ra trong tháng 9 (dương lịch)) vì thế cần phải bố trí gieo cấy vụ hè - thu càng sớm càng tốt.

Trong sách cổ của Trung Quốc cũng có rất nhiều câu hay nói về quan hệ giữa vũ trụ, con người trên cơ sở bài toán mở của dịch học căn cứ vị trí chuyển dịch trên cung hoàng đạo trong vũ trụ sẽ tạo ra những yếu tố ngoại cảnh liên quan đến sự sống trên trái đất như thời tiết, khí hậu, nhật thực, nguyệt thực...Dự báo tình hình thiên văn là để con người thích ứng với tự nhiên nhằm chủ động đối phó với tai hoạ do thời tiết, khí hậu gây ra như lụt bão, dịch bệnh, sâu rầy, chuột bọ. 

Những câu trong Kinh dịch gồm “Giáp Tý phong niên-Bính Tý hạn/Mậu Tý hoàng trùng-Canh Tý loạn/Duy hữu Nhâm Tý-Thuỷ thao thiên”. Những câu thơ này có tính dự báo thiên văn qua ngày Tý đầu tiên của tiết lập xuân hàng năm và có nghĩa là nếu gặp ngày Giáp Tý thì năm đó sản xuất nông nghiệp dễ dàng, mùa màng tốt, gia súc, gia cầm ít bệnh; nếu gặp ngày Bính Tý thì năm đó gặp hạn hán có khi kéo dài, sản xuất nông nghiệp khó do thiếu nước; nếu gặp ngày Mậu Tý thì sâu bệnh phá hoại nhiều; nếu gặp ngày Canh Tý thì sâu bệnh phá hại nhiều và đặc biệt là nạn chuột phá hoại mùa màng cùng nhiều loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm rất dễ bùng phát; nếu gặp ngày Nhâm Tý chắc chắn năm đó có lũ lụt to khó tránh khỏi.

Trước lúc chia tay, ông Diêu còn cho chúng tôi biết thêm: “Sắp tới mình sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu thêm về việc bố trí mùa vụ qua kinh nghiệm dân gian, sách cổ sau đó tập hợp lại thành cuốn sách nhỏ để bà con nông dân nào cần thì mình tặng họ. Không phải tất cả bản tin dự báo thời tiết lúc nào cũng hoàn toàn chính xác trong lúc đó kinh nghiệm dân gian, sách cổ mà ông bà mình từ xưa truyền lại đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ nên có xác suất đúng khá cao. Bây giờ nghỉ hưu rồi nên thời gian còn lại làm được gì cho bà con nông dân là mình làm”. Ông Diêu nói vậy rồi tiễn chúng tôi ra về. 

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đọc nhiều nhất