| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà với một vạn lá đơn kêu oan

Thứ Sáu 16/05/2008 , 10:00 (GMT+7)

“Lượt gửi đơn thứ 570, lượt gửi đơn thứ 571, lượt thứ 572…”. Mỗi lần gửi đơn, bà lại ghi vào góc những lá đơn như vậy...Chỉ có điều càng gửi đơn bà càng vô vọng.

Dân bị cướp trắng đất, chính quyền nhắm mắt...

Mỗi lượt đơn là trên dưới hai chục lá đơn. Cho đến nay, tổng cộng trên một vạn tờ đơn, không kể mỗi tờ đơn là hàng chục trang tài liệu kèm theo, đã được gửi và không biết sẽ còn phải gửi bao nhiêu lượt đơn nữa. Mỗi lá đơn với tài liệu kèm theo dầy nửa cm. Một đợt gửi trung bình mười lăm lá, vị chi 7,5cm. Ngót sáu trăm lượt đơn, số đơn xếp chồng lên nhau ước tới trên 4 mét trong khi bà chỉ cao 1m54.

Trọng lượng đơn còn nặng hơn cả cái cơ thể đã quắt queo, héo hắt đi vì đau khổ, vì oan ức của bà. Mỗi lần viết đơn là một lần thuê đánh máy rồi phô tô. Một lượt đơn đánh máy bình quân 5 trang, hết 15 ngàn, thêm tiền phô tô chục ngàn nữa. Lại còn tiền tem. Gần 600 lượt gửi đơn, tính ra mất cả chục triệu đồng. Và với gần 600 lượt đơn ấy, bà đã phải hết lên huyện, lên tỉnh, lên TW rồi lại lộn từ TW về tỉnh, về huyện…hàng trăm vòng. Tấm thân còm cõi của bà đã phải kéo lê tới hàng vạn ki lô mét, tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhưng bà chỉ nhận được sự im lặng, thờ ơ…

Bà Nguyễn Thị Quý bên lượt đơn mới

Người đàn bà đó là Nguyễn Thị Quý, ở thôn Kỳ Thuỷ xã Bích Hoà huyện Thanh Oai (Hà Tây). Nỗi bất hạnh ập xuống đầu bà từ năm 2001. Gia đình bà có một thửa ao nằm ven quốc lộ 21B. Đến năm 1956 thì cho bố chồng bà là cụ Phạm Văn Xin, đã có giấy chững nhận quyền sở hữu . Trong các đợt đo, lập bản đồ địa chính 1963-1978-1983, thửa ao đó vẫn mang tên cụ Phạm Văn Xin. Năm 1996 cụ Xin mất, để lại thửa đất cho con trai, tức chồng bà là Phạm Văn Tình…

Theo đơn của bà Quý thì năm 2001, ông Nguyễn Văn Ngọt có đơn lên xã, nói thửa ao đó là của tổ tiên ông để lại. Chính quyền chưa kịp phân xử thì tháng 4/2002 ông Ngọt cùng con trai là Nguyễn Văn Khương chở đất đến lấp ao. Gia đình bà ra ngăn cản. Sau nhiều lần kẻ lấp, người ngăn xô xát nhau, Nguyễn Văn Khương đã thuê Lê Thị Hảo cùng các con, cháu của Hảo đến hành hung gia đình bà rất dã man. Ông Phạm Văn Tình bị đánh hai nhát xà beng vào ngực, gục xuống, phải đi viện cấp cứu rồi chết sau 16 tháng nằm viện. Con trai bà là Phạm Văn Oanh cũng bị đâm mấy nhát xà beng vào xương sống, tuy không chết nhưng bị hỏng cột sống vĩnh viễn…

Hành trình đi đòi lại đất của mình...

Điều hết sức lạ lùng là công an huyện Thanh Oai, công an tỉnh Hà Tây làm ngơ, dù bà Quý đã có đơn gửi khắp nơi. Công an huyện chỉ lập biên bản chứ không tiến hành các bước tiếp theo. Mãi sau bọn người hành hung chồng và con trai bà mới mang lên xã 1,4 triệu đồng để…bồi thường(?). Bà Quý không nhận, ông Tuấn, công an huyện phụ trách địa bàn xã Bích Hoà “động viên” :

- Nó bảo là nó đang làm nhà, nó đang túng. Nó có triệu tư nó mang lên thì bác cứ cầm về mà thuốc men.

Thấy bà Quý vẫn không nhận, ông này đe “nếu bà không nhận thì chúng tôi gửi vào ngân sách nhà nước”. Nhưng rồi sau, ông Tuấn đã “cầm hộ”. Khi thấy thương tích của chồng, con quá nguy ngập, gia đình cùng quẫn, bà Quý đành cầm. Thế là cái giá cho mạng người chồng và sự tàn tật suốt đời của đứa con chỉ gói gọn có 1,4 triệu. Vụ hành hung hết sức dã man vĩnh viễn…chìm xuồng.

Sau 7 năm trời chịu không biết bao nhiêu là bất công, tấm lưng của bà Nguyễn Thị Quý đã còng xuống dưới sức nặng của hàng tạ đơn. Mắt bà đã mờ vì cát bụi đường trường. Đôi chân bà đã run vì hàng vạn cây số đi lại kêu oan.

Trước bàn thờ người chồng chết oan, bên đứa con tàn tật do bị hành hung, bà đã nhỏ rất nhiều nước mắt khi kể lại cho chúng tôi nghe nỗi oan khổ của mình, và nghẹn ngào kêu lên : Công bằng ở đâu? Không biết đến bao giờ, và ai là những người sẽ trả lời những câu hỏi đó của bà.

Rồi năm 2004, vụ việc được xới lên, gia đình bà mới được mời đến trụ sở xã để giải quyết chuyện “tranh chấp đất”. Tuy ông Khương không xuất trình được bất cứ thứ giấy tờ nào để chứng minh thửa ao đó là của mình, nhưng Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Nhất vẫn “xử”: phần ao ông Khương đã “trót” sử dụng rồi thì để ông Khương sử dụng. Phần còn lại “giao” cho gia đình bà Quý (dù gia đình bà đã sử dụng ngót một thế kỷ qua ba thế hệ).

Tuy vậy ông Khương vẫn làm đơn lên huyện. Và quyết định giải quyết tranh cấp quyền sử dụng đất số 143 ngày 8/4/2006 của ông PCT UBND huyện Thanh Oai Lê Tuấn Anh thật lạ lùng: Việc bà Quý đòi thửa ao mà “ông Khương đang sử dụng” là không có cơ sở, giao thửa ao đó cho ông Khương, chỉ cho bà Quý một phần nhỏ là 59/385 m2 để làm ngõ đi(?). Tiếp theo, ông Nguyễn Đỗ Nghiêm, PCT UBND tỉnh Hà Tây có quyết định đồng ý với quyết định trên của huyện. Bà Quý tiếp tục khiếu nại, thì cái ngõ đi 59 m2 lại bị…bịt nốt.

Xem thêm

Bình luận mới nhất