Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025-2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Sự kiện trọng đại này không chỉ là dịp để đánh giá những thành tựu đã đạt được mà còn định hướng chiến lược cho sự phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô trong 5 năm tới.

Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Những dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ 2020-2025
Báo cáo tại Đại hội, đồng chí Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đã khái quát những kết quả đáng khích lệ của ngành trong giai đoạn 2020-2025. Đây là một nhiệm kỳ đầy biến động với tình hình chính trị thế giới phức tạp và đặc biệt là tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài báo cáo tại Đại hội. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô vẫn đạt được những thành tựu nổi bật. Trong đó phải kể đến công tác bảo tồn và phát huy di sản: Hà Nội đã hoàn thành công tác kiểm kê di tích, tiếp tục giữ vững vị trí địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 6.489 di tích. Thành phố đã ban hành Nghị quyết đầu tư công, dành nguồn kinh phí khổng lồ 14.029 tỷ đồng cho 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích...
Xây dựng đời sống văn hóa: Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa và các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình được chú trọng thông qua triển khai Bộ tiêu chí ứng xử. Thành phố cũng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng tổng số lên 5.266 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật: Ngành đã tích cực tham mưu tổ chức trung bình 7 - 10 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng mỗi năm. Các nhà hát của Thành phố dàn dựng trung bình 18 vở diễn mới và biểu diễn trên 3.000 buổi mỗi năm. Nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô lớn cũng được tổ chức thành công như Cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội", Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, VII (HANIFF VI, VII) và Liên hoan Xiếc Quốc tế 2022.
Phát triển thể dục thể thao: Hà Nội luôn quan tâm đẩy mạnh thể dục, thể thao cho mọi người, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân Thủ đô. Thể thao thành tích cao tiếp tục khẳng định vị thế lá cờ đầu với những thành tích ấn tượng. Điển hình tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao Hà Nội đã đạt 151 huy chương các loại (62 HCV, 35 HCB, 54 HCĐ), chiếm tới 30,24% tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam, vượt chỉ tiêu đề ra và thể hiện sức mạnh vượt trội của thể thao Thủ đô.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Chìa khóa kiến tạo văn hóa trong kỷ nguyên mới
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những thời cơ và thách thức mà ngành Văn hóa và Thể thao phải đối mặt trong kỷ nguyên mới.
Với sự đổi mới trong công tác quản lý và việc Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, Hà Nội đang đứng trước những thuận lợi to lớn để đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến nguồn lực văn hóa hiện có thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Sơn cũng không ngần ngại chỉ rõ "nút thắt" lớn nhất của ngành Văn hóa - Thể thao Thủ đô hiện nay chính là tư duy quản lý văn hóa còn nặng về hành chính, thiếu tính thị trường, thiếu tính sáng tạo và thiếu tính hội nhập. Điều này dẫn đến việc nhiều nguồn lực văn hóa và thể thao chưa được phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thời gian qua. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Để giải quyết vấn đề cốt lõi này, đồng chí Lê Hồng Sơn đã đề xuất các nhóm giải pháp đột phá về công tác quản lý, mang tính định hướng chiến lược cho ngành trong nhiệm kỳ tới. Đó là, cần phải chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang kiến tạo và đồng hành. Đây là thay đổi mang tính nền tảng. Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần nhận thức rõ ràng rằng văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, là mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội. Thay vì quản lý cứng nhắc, Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy tối đa sự sáng tạo và đổi mới; Chuyển đổi cơ chế quản lý, từ tư duy bao cấp sang cơ chế thị trường, khuyến khích tối đa hợp tác công - tư...
Từ tư duy khép kín sang mở cửa và hội nhập nhằm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, kết nối với mạng lưới sáng tạo thế giới để đưa văn hóa Hà Nội vươn tầm quốc tế. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả để các văn nghệ sĩ Hà Nội có những sáng tạo vươn ra thị trường quốc tế, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý để đảm bảo tính công khai, minh bạch, giúp nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp.
Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Thay đổi tư duy quản lý văn hóa của Thủ đô không chỉ là nhiệm vụ một vài cá nhân hay một vài đơn vị mà thực chất là sự chuyển đổi toàn diện từ mô hình quản lý sang mô hình phục vụ và kiến tạo; từ mô hình hành chính hóa sang mô hình sáng tạo; từ bao cấp sang cơ chế thị trường".
Bên cạnh các giải pháp về công tác quản lý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cũng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, am hiểu công nghệ và có bản lĩnh vững vàng. Ngành Văn hóa và Thể thao cần tổ chức đào tạo, phát hiện, nuôi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời lập các quỹ tài năng văn hóa nghệ thuật để kịp thời hỗ trợ, bồi dưỡng những nhân tố tiềm năng.
Những định hướng quan trọng này sẽ là kim chỉ nam để Đảng bộ Cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai Nghị quyết Đại hội, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, thể thao hàng đầu của cả nước và khu vực, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa như một động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong kỷ nguyên mới.
Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025-2030 của Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã bầu 14 đồng chí có đủ phẩm chất và năng lực vào Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan nhiệm kỳ 2025-2030.