Chuyện nuôi bò thuê bắt đầu có cách đây hơn 5 năm từ làng Độc Lập. Khi nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở các tỉnh bắc miền Trung tăng mạnh, lái buôn trâu bò từ các xã Nam Trạch, Đại Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch)... mua rẻ bò gầy, không giết thịt ngay nên phải thuê nuôi. Một công đôi việc: Vừa dự trữ được nguồn thịt để tung ra thị trường bất cứ lúc nào, vừa bán lại những con bò khoẻ cho người cần sức cày kéo. Những cánh rừng cao su, sườn đồi đầy cỏ được người dân tận dụng chăn dắt bò gầy.
Chị Lê Thị Vân (làng Độc Lập) là người nuôi bò thuê khá sớm. Chị cho biết: “Nhà có bò rồi, nếu nuôi kèm theo vài ba con nữa cũng không việc gì. Tháng 5, khi gặt xong lúa, cạo xong mủ cao su thì nhận nuôi cho người ta. Cứ nuôi một con béo lên là họ trả 300-500 ngàn đồng/tháng”.
Thời gian nuôi mỗi đợt từ một đến hai tháng, tuỳ theo mức độ chăm sóc. Trong khoảng thời gian đó, một con bò từ chỗ gầy giơ xương (thường gọi là bò xác) khi lái buôn mới dắt lên, trở thành một con bò béo nẫn, lông da láng mượt. Có năm, chị Vân nuôi thuê đến sáu con bò. Khi chị và chồng bận việc, bò giao cho cu út đang nghỉ hè trông coi. Đàn bò được cu út lùa vô rừng cao su, thả cho đến chạng vạng tối. Với cu út, công việc ấy chẳng có gì vất vả. Đợt nuôi đó chị Vân thu gần 5 triệu đồng, đủ trang trải cho ba đứa con ăn học. Hàng xóm với chị Vân, còn có hơn chục nhà khác như chị Hoà, các cặp vợ chồng Tý-Hằng, Thân-Cảnh, Hoàn- Bảy... vẫn nuôi bò thuê.
Không ít hộ thoát nghèo, hoặc lo được chuyện học hành cho con cái, làm nên việc lớn từ nuôi bò. Chị Lê Thị Ly, công nhân nghỉ hưu nên lấy việc nuôi bò làm nghề chính. Sau nuôi thuê, chị dồn tiền mua một con bê cái. Con bê cái đẻ con, cứ thế sinh đàn đẻ đống. Chị bán bò lo đủ cho hai đứa con ăn học, xây nhà, mua xe máy...Cao su hết mùa cạo mủ, ruộng lúa, ruộng dưa hết vụ là nhà nhà nhận nuôi bò. Có nhà nhận nuôi quanh năm. Vì họ “tận dụng” được bọn trẻ trông coi, hoặc chịu khó dắt bò theo, buộc vào gốc cao su, thỉnh thoảng mở ra cho đi ăn. Tại Làng Độc Lập có gần 230 hộ thì tới 80% số hộ nuôi bò thuê.
Mỗi con bò nuôi trong một tháng, nếu béo lên được trả công 300-500 ngàn đồng. Nuôi một tháng trả tiền một tháng, nếu bò chưa béo thì nuôi thêm, tính tiền thêm. Bò béo nhưng chưa nuôi đủ tháng cũng được trả tiền công như nuôi đủ tháng. Muốn bò mau béo, phải chăm sóc chu đáo cho nó. Anh Lê Xuân Phường (làng Độc lập) cho hay: “Khi đi thả bò, tranh thủ bứt thêm cỏ tốt ở cạnh khe suối cắt về cho ăn dặm vài lần vào buổi tối. Cho ăn thêm quả mít, thân cây chuối trộn cám gạo và ít nước muối. Nhà không có điều kiện cho ăn cám thì thêm nhiều lần cỏ tươi trong ngày…”.
Anh Nguyễn Văn Tam ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) là lái bò có hạng cho hay: “Nếu người nuôi chịu khó nuôi cho mau béo để trả thì lợi cả hai bên. Chùng tôi có bò mau béo thì có vốn quay vòng khác, cấp thêm bò cho người nuôi. Bây chừ không phải chỉ người nghèo mới nuôi bò thuê mà người khá giả cũng nuôi…”. Anh cũng cho biết thêm, sau khi có dịch LMLM thì nghề nuôi bò thuê chững lại đôi chút, nhưng đến nay đã trở lại bình thường.
Nghề nuôi bò thuê cũng chịu rủi ro. Anh Nguyễn Tý nuôi công hai con, được gần tháng thì bò đau, tiền thuốc cho bò nhiều hơn tiền công. Hay anh Lê Văn Anh Tân, dù cố gắng lắm nhưng không thể cứu được con bò mới nuôi. Bò chết, lời đâu không thấy, thấy ngay phải đền đứt cho chủ bò hơn ba triệu đồng...Thế là thêm ràng buộc bất thành văn: bò nuôi công bị bệnh chết, mỗi bên chịu một nửa tiền. May mắn nhất cho cả hai bên là khi bò bị bệnh, người nuôi báo gấp và chủ bò lập tức lên bắt về, cho đi... “an dưỡng” ở các lò mổ!