Mấy hôm trước, trong lúc rảnh tay lướt Facebook, tôi đọc được một bài viết của Nguyễn Quốc Vương - dịch giả tiếng Nhật, người bán sách rong, chuyên gia giáo dục, và cũng là người cha rất đỗi đời thường. Anh kể về cuộc trò chuyện nhỏ với con mình trong những ngày hè. Đứa bé hỏi cha: “Ngày xưa bố có nghịch dại không”, anh cười, đáp gọn lỏn: “Có chứ, nhiều là đằng khác!”.

Trong tất cả những trò của tuổi thơ, tắm sông là trò nguy hiểm có, nghịch dại có, nhưng cũng tự do và hạnh phúc đến lạ. Ảnh: Việt Linh.
Câu trả lời ấy làm tôi bật cười, vì sao mà giống mình đến thế. Không chỉ là “có”, mà là “nghịch như quỷ”, như chính lũ trẻ quê thuở ấy, nơi đồng đất đầy bùn non và những dòng sông không có rào chắn, cũng chẳng có biển cảnh báo “nguy hiểm”. Trong tất cả những trò của tuổi thơ, tắm sông là trò nguy hiểm có, nghịch dại có, nhưng cũng tự do và hạnh phúc đến lạ.
Hầu hết những đứa trẻ sinh ra nơi làng quê đều biết trò tắm ao, tắm sông, nơi lưu giữ tuổi thơ đẹp biết nhường nào. Nhất là những ngày hè oi ả. Tôi cũng chẳng ngoại lệ. Kỳ nghỉ dài hơi của chúng tôi bắt đầu khi tiếng ve gọi hè, chẳng phải đợi đến lúc kết thúc năm học đâu.
Chúng tôi - lũ trẻ quê - không cần ai dạy bơi. Không phao, không áo nổi, không hồ bơi với huấn luyện viên. Bài học đầu tiên là... uống nước ao. Uống thật nhiều nước ao và ho sặc sụa. Thường thì bọn tôi bắt đầu từ việc học bơi bằng cây chuối. Chặt thân chuối trong vườn, thả xuống ao, mỗi đứa bấu một đầu. Có đứa cẩn thận hơn, lấy dây chuối khô buộc ngang lưng, đầu kia cột chặt thân chuối. Tay ôm, chân đạp, như nòng nọc. Bọt nước bắn tung tóe, nước ao đục ngầu màu đất hòa cùng tiếng cười giòn tan. Vài hôm như thế, ai vượt qua được thì nổi, ai không thì... uống no nước lặng. Đứa nào còn chưa uống đủ nước ao, chưa sặc vài lần thì chưa được công nhận là "biết bơi thật sự".
Câu chuyện mà hầu hết lũ trẻ quê nào cũng từng biết, từng nghe và từng tin sái cổ đó là “truyền thuyết chuồn chuồn cắn rốn biết bơi”. Người lớn chẳng ai xác nhận, nhưng đám trẻ con bao đời vẫn rỉ tai nhau đầy tin tưởng. Nhất là chuồn chuồn ngô, con nào to bự, đầu bóng, bay cao, bắt khó thì càng “thiêng”. Đứa nào mà được nó cắn rốn thì thế nào cũng sớm biết bơi, mà còn bơi giỏi nữa cơ!
Thế là cứ chiều hè, lũ nhỏ rủ nhau đuổi bắt chuồn chuồn ngoài ruộng. Bắt được rồi thì… ép nó cắn vào rốn. Cắn đến toét rốn cũng chẳng sao, đứa nào cũng nghiến răng chịu đựng, tay ôm bụng, mắt long lanh đầy hy vọng. Nhìn cái hàm chuồn chuồn cắn rốn như cái máy dập qua lại mà vẫn cảm thấy... biết ơn! Chẳng rõ “truyền thuyết” ấy có từ bao giờ, cũng chẳng rõ ai là người đầu tiên khởi xướng, chỉ biết rằng tuổi thơ thôn quê nào cũng từng có ít nhất một vết thương nhỏ nơi rốn, do ước mơ biết bơi.
Hè đến, tiếng ve râm ran là biết mùa nghịch đã bắt đầu. Trưa trốn ngủ, chiều trốn cơm, tối về bị mắng vẫn cười toe toét. Bọn tôi rủ nhau đi tắm sông, lúc đầu là lén lút, sau thì công khai vì người lớn còn vất vả chuyện đồng áng nên cũng… bất lực. Người lớn càng cấm, càng dọa và bao trận đòn dường như gió thoảng mây bay so với sự cám dỗ của thế giới tự nhiên hoang dại. Cứ thế, đám trẻ giống cây cỏ ven đường khôn lớn - tự do, bản năng và bướng bỉnh. Ở quê, ai cũng nghĩ “tụi nó bơi được rồi”, mà thực ra cái “bơi được” đó là thứ bản năng hỗn hợp giữa sinh tồn và... gan lì nghịch dại.
Tắm sông mà chỉ có bơi và bơi thì đó là điều quá bình thường, chúng tôi còn sáng tạo vô số kiểu chơi dưới nước. Dìm nhau, thi nhịn thở, hay nhảy từ bờ cao xuống sông, từ gốc đa già, gốc gạo, từ cầu bê tông cao bốn, năm mét đến cả chục mét. Lúc này chúng tôi như cá gặp nước tha hồ vùng vẫy, tha hồ sáng tạo hòa cùng nhịp thiên nhiên tự do. Có đứa thích nhảy lộn ngược, đứa quăng mình kiểu chim sà, đứa vung tay chân loạn xạ giữa không trung như võ sư múa kiếm. Tiếng cười rộn cả một khúc sông. Đứa nào ngụp lâu thì được vỗ tay, đứa nào sặc nước thì bị... trêu tơi bời. Vậy mà đứa nào cũng háo hức lần sau làm lại.

Trẻ em thôn Trầm, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội (nay là xã Hồng Vân, TP. Hà Nội) "trình diễn" tắm sông trong sự giám sát của người lớn. Ảnh: Việt Linh.
Tắm mệt, bọn tôi nằm sõng soài trên thân chuối, để dòng nước trôi lững lờ, mắt lim dim nhìn trời xanh, miệng nhai nhẩn nha mấy trái sung xanh chát xít. Nhiều đứa còn dám... nhấm đất bùn vì nghe nói “mát gan”. Đứa nào sang thì chấm sung với muối trộn mì tôm để dành. Còn không thì... cạp sống. Chẳng đứa nào chê.
Cũng may, cả tuổi thơ ấy, chẳng đứa nào gặp tai nạn lớn. Có đứa trầy tay, đứa rách đầu gối, đứa suýt sặc nước... nhưng kỳ lạ là không ai sợ. Có lẽ, chúng tôi tin rằng lũ trẻ quê có phép màu riêng, mà sau này lớn lên, mỗi khi nhìn dòng sông lặng im chảy, tôi lại bỗng thấy hoài nghi làm sao lúc đó mình dám liều đến thế.
Vậy nên nếu nay có ai hỏi tôi: “Ngày xưa có nghịch dại không”, tôi sẽ cười: “Có chứ. Nhiều khi tôi ước được nghịch dại thêm lần nữa”.
Chỉ tiếc, tuổi thơ đã xa... Và con sông năm xưa cũng không còn chờ bọn trẻ trâu năm nào quay về nữa.