| Hotline: 0983.970.780

Chống ô nhiễm nhựa

Na Uy kêu gọi Việt Nam chung tay tái chế, giảm sử dụng nhựa

Thứ Năm 29/05/2025 , 10:35 (GMT+7)

Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken, phân loại rác thải đầu nguồn và trách nhiệm cá nhân là yếu tố then chốt để quản lý rác thải bền vững.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ với Báo Nông nghiệp và Môi trường góc nhìn và kinh nghiệm của Na Uy trong quản lý rác thải bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ với Báo Nông nghiệp và Môi trường góc nhìn và kinh nghiệm của Na Uy trong quản lý rác thải bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Hằng năm, Ngày Môi trường Thế giới là dịp để cùng nhìn lại và hành động vì một hành tinh xanh, nơi con người và thiên nhiên phát triển bền vững. Năm 2025 là năm thứ ba Liên hợp quốc chọn chủ đề "Chống ô nhiễm nhựa", nhấn mạnh tính cấp bách toàn cầu và kêu gọi cộng đồng thế giới giải quyết các vấn đề rác thải nhựa.

Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã lắng nghe những chia sẻ của bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về các sáng kiến hiệu quả nhằm giảm thiểu rác thải từ đầu nguồn, hướng đến thông điệp “Tái sử dụng, tái chế và giảm sử dụng nhựa”.

Na Uy là quốc gia đi đầu thế giới về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế xanh. Một trong những giải pháp then chốt được áp dụng hiệu quả tại Na Uy là chính sách quản lý chất thải quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). 

Đại sứ Hilde Solbakken cho biết, các doanh nghiệp Na Uy không chỉ chịu trách nhiệm với sản phẩm bán ra mà còn phải đảm bảo thu hồi, xử lý rác thải sau khi sản phẩm hết vòng đời. Ví dụ, nếu có một chiếc đèn hỏng, người dân Na Uy sẽ mang đến cửa hàng điện tử bất kỳ. Các cửa hàng này có trách nhiệm tiếp nhận, sửa chữa hoặc tái chế thiết bị đó theo đúng quy định về quản lý rác thải điện tử của quốc gia.

Để tham gia vào quá trình này, Chính phủ Na Uy đã tích cực ban hành quy định và thiết lập mục tiêu tái chế cụ thể. Càng đặt ra những tiêu chuẩn cao, việc tái chế và thu hồi vật liệu có giá trị từ rác thải càng khả thi và hiệu quả hơn.

Người dân Quảng Ninh đang thiết kế các sản phẩm tái chế từ rác thải. Ảnh: La Duy.

Người dân Quảng Ninh đang thiết kế các sản phẩm tái chế từ rác thải. Ảnh: La Duy.

“Chúng tôi thấy rằng, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Đây là tín hiệu tích cực để xây dựng nền tảng về hệ thống phân loại rác phù hợp với điều kiện trong nước”, Đại sứ Hilde Solbakken nói. 

Đáng chú ý, chuỗi quản lý chất thải Việt Nam còn có sự tham gia sâu rộng của những cá nhân thu gom và xử lý rác tự do. Tuy nhiên, việc tích hợp lực lượng này vào hệ thống quản lý chính thống cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và công bằng xã hội.

Cộng đồng nữ ve chai là đối tượng hưởng lợi chính trong dự án 'Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam'. Ảnh: TVA. 

Cộng đồng nữ ve chai là đối tượng hưởng lợi chính trong dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam". Ảnh: TVA

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Chính phủ Na Uy và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" (TVA) đã thành công thí điểm các mô hình nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò của nữ lao động ve chai trong việc thu gom rác tái chế, đồng thời ghi nhận đóng góp của họ như một mắt xích quan trọng trong hệ thống quản lý rác thải đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Na Uy, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất xi măng - sử dụng nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu thay cho than đá. Đây là giải pháp “3 trong 1”: vừa xử lý rác khó tiêu hủy, vừa giảm chi phí cho nhà máy xi măng, vừa cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Trong thời gian tới, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam sẽ phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), triển khai thử nghiệm Chương trình đặt cọc hoàn trả (DRS) cho bao bì nhựa. Theo đó, người tiêu dùng trả thêm một khoản phí nhỏ khi mua các chai nước nhựa, và được hoàn lại khi trả vỏ chai về cửa hàng. 

Tại Na Uy, cơ chế này đã đạt tỷ lệ thu hồi lên tới 92% – kết quả ấn tượng về sự hiệu quả và bền vững của mô hình. Sau quá trình khảo sát và đánh giá tiềm năng thực tế, các chuyên gia nhận định DRS có tính khả thi cao và hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, mở ra cơ hội giảm thiểu đáng kể rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới, thông điệp của Na Uy rõ ràng hơn bao giờ hết: Quản lý rác thải không phải là trách nhiệm riêng của Chính phủ hay doanh nghiệp, mà là việc mỗi cá nhân cần làm và cần bắt đầu ngay hôm nay. Phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng có trách nhiệm, và sửa chữa thay vì mua mới là những hành động nhỏ nhưng từng bước kiến tạo một tương lai xanh - sạch - bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới.

Thực hiện

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Phân loại rác tại nguồn chưa ‘chạm’ được đến đa số người dân

Dù đã có luật và lộ trình rõ ràng, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen phổ biến trong cộng đồng dân cư.

Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Sơn La Mưa lớn kéo dài đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất