Ngày Môi trường thế giới (5/6/2025) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa, một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay.

Sở, ngành, địa phương cùng quyết tâm kiểm soát ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường. Ảnh: Tường Tú.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm (2023-2025) chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa và tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực - toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Thực hiện Văn bản số 2141 ngày 16/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai vừa có Văn bản số 3574 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với chủ đề, thông điệp của Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 trên địa bàn, đảm bảo có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cả cộng đồng.
Cụ thể, đa dạng hóa hình thức truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống và hiện đại (infographic, video ngắn, mạng xã hội, nền tảng số); xây dựng bộ sản phẩm truyền thông trọng điểm, thiết kế sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng người dân, doanh nghiệp, thanh niên, học sinh, sinh viên, cán bộ địa phương,... bảo đảm tính trực quan, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ ban hành đồng bộ các quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế hiện đại, có hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, tạo giá trị gia tăng từ chất thải; chú trọng xây dựng cơ chế tài chính - thị trường - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả, kiểm soát ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững; phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu, đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nhựa, tiêu dùng xanh, đổi mới công nghệ… nhằm tạo động lực, lan tỏa giá trị tích cực trong xã hội.