Đi sớm, đón đầu
Sáng 9/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao).
Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam và các đơn vị trực thuộc; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; cùng các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia đề án.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.
Sau hơn một năm thực hiện Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, đề án là bước đi chủ động, “đi trước, đi sớm” đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh và hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường quốc tế.
Bộ trưởng nhận định, tới một thời điểm nào đó, thế giới sẽ tuyên bố ngừng nhập khẩu lúa gạo không đạt tiêu chí phát thải thấp. Lúc ấy, chỉ những sản phẩm gạo xanh, canh tác theo quy trình giảm phát thải mới vào được các thị trường khó tính.
Thực tế, điều tương tự đã xảy ra với ngành thủy sản và gỗ. Nếu như trước đây, xuất khẩu thủy sản khá thuận lợi, thì hiện nay bắt buộc phải minh bạch từ khâu truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng và kháng sinh, mới có thể vào được những thị trường khó tính.
Ngành gỗ cũng vậy, từng xuất khẩu dễ dàng, nhưng hiện tại muốn tiếp cận thị trường quốc tế, sản phẩm gỗ buộc phải có chứng chỉ FSC về phát triển rừng bền vững.
Lúa gạo - một trong những ngành hàng xuất khẩu chiến lược chắc chắn không nằm ngoài xu hướng này. Việc dán nhãn “gạo phát thải thấp” sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để được chấp nhận ở nhiều thị trường.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định, tham gia Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là sự chuẩn bị cần thiết, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường. Ảnh: Kim Anh.
Đến nay, bước đầu Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao đã cho thấy những kết quả tích cực, thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả và khả thi. Rõ nét là sự chuyển biến về tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.
Từ 7 mô hình thí điểm do Trung ương triển khai tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đến nay đã mở rộng được 101 mô hình, với tổng diện tích hơn 4.500 ha.
Nông dân từng bước tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, tưới ngập khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân bón hợp lý và quan tâm nhiều hơn đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng, hoàn thiện, chuẩn hóa và nhân rộng quy trình sản xuất lúa bền vững ở ĐBSCL.
Thông qua đề án cũng đã hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững. Một số doanh nghiệp lớn đã tham gia chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, hỗ trợ nông dân từ khâu giống, vật tư đầu vào, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu gạo Việt Nam xanh, phát thải thấp.
Khơi thông điểm nghẽn
Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả, tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai Đề án một triệu hecta vẫn còn những tồn tại, thách thức.
Điển hình, một số địa phương còn lúng túng trong việc hiểu rõ nội hàm của đề án. “Có một số địa phương đặt vấn đề phải đầu tư hạ tầng trước. Điều này đúng, nhưng phải làm song song, không phải chờ làm xong hạ tầng mới triển khai. Có những khâu có thể làm được ngay, kế thừa những dự án đầu tư trước đây", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ rõ.

Dự kiến trong năm 2025, diện tích áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải sẽ đạt gần 313.000 ha. Ảnh: Kim Anh.
Mặt khác, một số địa phương còn chú trọng vào mục tiêu trao đổi tín chỉ carbon, trong khi mục tiêu chính của đề án là chuyển đổi sản xuất bền vững, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và thu nhập nông dân. Dẫn đến, một số khâu dù rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng như: quy trình canh tác, chế biến sâu, đầu tư hệ thống logistics…
Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ yêu cầu tưới tiêu, quản lý đồng ruộng chưa theo kịp tiến độ, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến.
Nhiều nơi, nông dân, HTX và cả doanh nghiệp chưa chủ động đổi mới phương thức sản xuất. Nhất là trường hợp phải đầu tư thêm chi phí ban đầu, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Hay vấn đề xử lý phụ phẩm (rơm, rạ) để giảm phát thải mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm một số mô hình và khối lượng xử lý còn ở mức thấp.
Những tồn tại, thách thức trên đang trở thành điểm nghẽn, cần được nhận diện và có giải pháp tháo gỡ kịp thời để triển khai đề án hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo.
Do đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL khẩn trương phê duyệt dự án/đề án. Đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và điều kiện cụ thể của địa phương.

Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành ĐBSCL thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp tổ chức trình diễn, hướng dẫn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải cho nông dân. Ảnh: Kim Anh.
Tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo lộ trình, xác định diện tích các vùng canh tác, bao gồm các vùng đệm và xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể.
Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải; cải thiện hạ tầng, kho chứa, logistics, để giảm thất thoát sau thu hoạch…
"Đối với hạ tầng cấp vùng và liên vùng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm chính, đề xuất với Chính phủ để tìm kiếm các nguồn lực thực hiện. Nhưng hạ tầng trong từng quy mô diện tích, vùng sản xuất các địa phương phải hết sức chú trọng, bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn lồng ghép để triển khai", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo bảo đảm hiệu quả bền vững; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Đối với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, Bộ trưởng đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chia sẻ kinh nghiệm. Nhất là sáng kiến huy động nguồn lực tài chính xanh, phục vụ triển khai các mô hình giảm phát thải trong sản xuất lúa.

Ứng dụng cơ giới hóa là một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẩn trương hoàn thiện quy trình đo đếm, báo cáo và kiểm định kết quả phát thải (MRV), quy trình canh tác bền vững trong phạm vi đề án.
Vụ Hợp tác quốc tế được giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tham mưu, trình thành lập tổ đàm phán Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA). Đồng thời hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng tham gia đề án.