
Khu tái định cư Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.
Mất đất, mất kế sinh nhai
Những năm gần đây, tình trạng biển xâm thực vào đất liền ở Trà Vinh ngày càng nghiêm trọng, nhất là dọc bờ sông, cửa biển. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh, đến cuối năm 2024, tổng chiều dài các đoạn sạt lở trên địa bàn đã gần 120km, trực tiếp đe dọa đến nhà cửa, đất sản xuất và sinh kế của người dân.
Ông Diệp Như Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh cho biết, cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Có nơi, bờ sông bị xâm thực gần chục mét. Bờ biển thì nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực mất cả rừng phòng hộ, nước biển tràn vào đến rẫy và hoa màu của bà con. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy gây xói lở, cộng thêm triều cường bất thường và nền đất yếu, khiến tình trạng ngày một khó lường.
“Nặng nề nhất là ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, trong vòng vài năm sóng biển và triều cường đã nuốt mất khoảng 220 ha đất sản xuất, rừng phòng hộ của người dân. Khiến hơn 160 hộ với gần 500 nhân khẩu rơi vào cảnh mất đất, mất kế sinh nhai. Giờ khu vực sụt lún chỉ còn cách đê biển Hải - Thành - Hòa khoảng 300m, nguy cơ mất an toàn rất cao”, ông Bình lo ngại.
Trước tình trạng đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh đã đề xuất triển khai các công trình khẩn cấp và di dời người dân đến nơi an toàn. Tháng 5/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư tại ấp Hồ Thùng với tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 13.000m², trong đó 8.800m² dành riêng để bố trí nền nhà cho bà con.

Những công nhân điện lực đang đấu nối đường điện phục vụ cho bà con tại khu tái định cư Hồ Thùng (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Kiều Trang.
Công trình không chỉ có nhà ở mà còn có đường nội bộ dài 274m, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, điện lưới, trạm biến áp và đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng. Mỗi lô nền rộng 99m², nằm ngay mặt tiền đê bao Hải - Thành - Hòa.
Lãnh đạo xã Đông Hải cho biết, đến nay địa phương đã bố trí đất tái định cư cho 51 hộ dân từng bị mất đất sản xuất và nhà ở, trong số đó có khoảng 31 hộ đã bắt đầu xây dựng nhà. Để hỗ trợ người dân, ngoài khoản trợ cấp 30 triệu đồng không hoàn lại, xã còn triển khai chương trình cho vay vốn để xây nhà vệ sinh và lắp đặt hệ thống nước sạch, với số tiền 50 triệu đồng/hộ.
An cư, lạc nghiệp
Những ngày này, không khí ở khu tái định cư Hồ Thùng rộn ràng hẳn lên bởi tiếng trẻ con í ới chạy nhảy trên con đường mới làm, sạch sẽ, rộng rãi. Người lớn thì phụ hồ, bưng gạch, ai nấy đều phấn khởi, mong sớm có căn nhà đàng hoàng để ổn định cuộc sống.
Anh Lê Tấn Tài, người mới chuyển đến kể, trước đây sống nhờ vào 2 ha đất trồng dưa hấu, nhưng rồi sóng biển dữ dội cuốn trôi tất cả nhà cửa, ruộng vườn, phải dọn đến ở nhờ trên đất của người khác. Giờ được chính quyền hỗ trợ nơi ở mới, anh Tài không ngại vay mượn thêm tiền để dựng lại tổ ấm khang trang hơn.
"Hồi trước, mỗi lần triều cường lên là tôi lo sốt vó, chỉ cần một con sóng lớn là coi như trắng tay. Giờ có chỗ ở mới, đèn đường sáng, nước sạch đầy đủ, tôi yên tâm nhiều rồi. Chỉ mong trời yên biển lặng để còn ra khơi kiếm sống", anh Tài nói.
Cách nhà anh Tài mấy bước chân là nhà anh Phạm Minh Hùng, cũng từng lâm cảnh trắng tay vì sạt lở. Gia đình anh có 5 công đất trồng sắn, trồng hành, thu nhập ổn định. Nhưng rồi nước biển lấn sâu, đất nhiễm mặn, cây trồng héo úa. Nhà mất, đất không còn, vợ chồng anh đành khăn gói lên Bình Dương làm công nhân, bám trụ nơi xứ lạ. Nay, có đất tái định cư, hai vợ chồng quyết định trở về quê lập nghiệp.

Không khí ở khu tái định cư Hồ Thùng rộn ràng hẳn lên bởi tiếng trẻ con í ới chạy nhảy trên con đường mới làm, sạch sẽ, rộng rãi. Ảnh: Hồ Thảo.
Đứng trước căn nhà mới xây, anh Hùng bộc bạch: Ở đây có điện, có nước, có bà con lối xóm, tôi thấy ấm lòng lắm. Nhà cửa xong rồi, giờ tôi tính đi lái ghe chở hàng thuê, vừa kiếm sống, vừa được gần gũi vợ con. Chỉ mong mọi chuyện suôn sẻ, vợ chồng yên ổn làm ăn.
Chị Phạm Thị Thúy, vợ anh Hùng, hồ hởi nói: Ở đây nhà cửa kiên cố, đường sá đàng hoàng, ban đêm đèn sáng trưng. Bà con cũng tình nghĩa lắm, có rau có cá gì cũng san sẻ với nhau, chứ không như hồi trước lo ngay ngáy, sợ nhà cửa trôi theo sóng.
Ông Trần Quốc Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hải cho biết thêm, bên cạnh việc đảm bảo chỗ ở, chính quyền địa phương cũng chú trọng hỗ trợ người dân ổn định sinh kế lâu dài. Hội Nông dân xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình đào tạo nghề như điện dân dụng, làm móng (nail), trồng rau sạch… nhằm giúp người dân thích nghi với điều kiện mới.
Địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất và mở rộng kinh doanh. Đến nay, một số hộ đã bắt đầu kinh doanh nhỏ hoặc tìm kiếm công việc mới để ổn định cuộc sống.
“Chúng tôi từng bước giúp bà con quen với cuộc sống mới, không chỉ có chỗ ở mà còn có việc làm, có thu nhập ổn định, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Đoàn khẳng định.
Cần hơn 7.600 tỷ đồng cho giải pháp lâu dài

Trà Vinh cần hơn 7.600 tỷ đồng để đầu tư kè tại khu vực sạt lở bờ biển và bờ sông để ổn định cuộc sống dân cư. Ảnh: Kiều Trang.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh, việc di dời người dân đến khu tái định cư Hồ Thùng mới chỉ là một phần trong công tác ứng phó với sạt lở.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, có thể kể đến như: Cồn Hô (nơi thường xuyên bị vỡ đập, gây ngập toàn bộ 25 ha vườn cây ăn trái), bờ sông Cổ Chiên trên địa bàn xã Long Trị, TP Trà Vinh (với đoạn sạt lở dài 3.200m, đe dọa nhà ở của hàng trăm hộ dân), bờ sông Hiệp Mỹ trên địa bàn xã Hiệp Mỹ Tây (nơi sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến UBND xã, trường học và khu dân cư)...
Trước tình hình này, ngoài việc huy động nguồn lực địa phương để gia cố tạm thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục theo dõi, khảo sát thực tế để có phương án ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành trong tỉnh tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn.
Ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh, cho biết: Sở đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương cấp 7.669 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở ven sông, ven biển với tổng chiều dài khoảng 120km. Không thể để người dân phải chạy nước, chạy sóng như hồi trước nữa.