Lan tỏa giá trị cà phê Việt
Trong ba ngày diễn ra chương trình, các học viên đã được lắng nghe những kiến thức giá trị từ các chuyên gia và trực tiếp tham gia vào quy trình canh tác, chế biến cà phê hữu cơ. Bên cạnh việc tiếp thu phần lý thuyết, học viên còn được trải nghiệm thực tế tại vườn dự án và nhà máy của Công ty TNHH SX & TM Vương Thành Công (Đắk Lắk), từ đó nắm bắt rõ hơn quy trình tiêu chuẩn trong sản xuất cà phê hữu cơ hướng đến thị trường xuất khẩu.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ khai mạc lớp học VTC 16. Ảnh: Tuấn Phúc.
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm và uy tín trong ngành cà phê gồm: Bà Mai Thị Thu Thủy – chuyên gia đào tạo đến từ Công ty TNHH Nông Nghiệp Xanh Việt Nam; ông Hán Văn Trung – giảng viên ngành chế biến cà phê, ca cao tại Trường Cao đẳng Đắk Lắk; bà Trần Thị Lệ Thủy, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty TNHH Trust và Network; ông Phạm Văn Thao, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; diễn giả Lê Hoài Phương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực marketing và xây dựng thương hiệu; và ông Phan Văn Toàn, chuyên gia đào tạo của Viện Đào tạo Start Up Việt Nam đã truyền tải, lan toả kiến thức giúp các doanh nghiệp cà phê trong và ngoài tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất cà phê hữu cơ.

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, chia sẻ, mục tiêu của việc tổ chức các lớp học miễn phí là nhằm sát cánh và tiếp sức cho cộng đồng đang hoạt động trong ngành kinh doanh cà phê. Ảnh: Tuấn Phúc.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công cho biết, Ông rất buồn khi chứng kiến các thương hiệu lớn từ nước ngoài dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, trong khi Việt Nam lại là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về trồng và xuất khẩu cà phê. Đây chính là một trong những lý do thúc đẩy công ty tổ chức các lớp học miễn phí dành cho cộng đồng kinh doanh cà phê. Mục tiêu là giúp họ bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng, từ đó xác định hướng đi đúng đắn và từng bước chinh phục thị trường cà phê nội địa.
Khóa học này giúp học viên tiếp cận và tiếp thu kiến thức cùng kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, bao quát toàn bộ chuỗi quy trình – từ khâu chăm sóc cây cà phê đến lúc thưởng thức trọn vẹn một ly cà phê. Người học được trực tiếp thực hành các kỹ thuật như rang, xay, pha, thử nếm và đánh giá hương vị, nhằm tạo ra những sản phẩm cà phê đạt chất lượng cao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Giang, học viên VTC 16, đến từ tỉnh Ninh Bình, chia sẻ về khóa học. Ảnh: Tuấn Phúc.
Chị Nguyễn Thị Hồng Giang, học viên lớp học VTC 16 đến từ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Lớp học với chủ đề “Nâng tầm giá trị cà phê Việt” do Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vương Thành Công tổ chức đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Dù chỉ diễn ra trong ba ngày, nhưng chương trình đã gieo những hạt giống tri thức quý báu về cà phê vào trái tim tôi và tất cả các học viên tham dự, những người trẻ đến từ khắp mọi miền đất nước, mang trong mình nhiệt huyết và khát vọng học hỏi. Tình yêu với cà phê được vun đắp từ những điều giản dị và tử tế, như một lời khẳng định mạnh mẽ cho sứ mệnh của cà phê hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển nông nghiệp bền vững".
Khóa học kiến tạo tương lai ngành cà phê bền vững
Khóa học đã cung cấp đầy đủ kiến thức cho các học viên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về kỹ thuật canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, cũng như phương pháp rang xay phù hợp với từng dòng cà phê, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn được truyền đạt bởi các chuyên gia giàu chuyên môn trong ngành, đồng thời khám phá những phương pháp nuôi trồng cây cà phê khỏe mạnh, không sử dụng hóa chất, hấp thụ trọn vẹn dưỡng chất từ thiên nhiên.
Học viên cũng được hướng dẫn chi tiết quy trình chế biến cà phê sau thu hoạch, từ công đoạn sơ chế đến rang xay, nhằm lưu giữ hương vị nguyên bản và gia tăng giá trị cho từng hạt cà phê. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp học viên nắm bắt cách xây dựng chuỗi giá trị cà phê một cách toàn diện từ nông trại đến tách cà phê, góp phần đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững cho toàn bộ hệ sinh thái cà phê.

Chuyên gia Phạm Văn Thao, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, trực tiếp hướng dẫn và tổ chức thực hành thử nếm cà phê tại xưởng sản xuất của Công ty Vương Thành Công. Ảnh: Tuấn Phúc.
Điểm nhấn đặc biệt của khóa học chính là kỹ năng và kinh nghiệm trong việc chế biến và thưởng thức cà phê bằng chính vị giác của bản thân. Qua đó, học viên có thể tự tin hướng dẫn khách hàng cũng như xây dựng quan điểm cá nhân trong việc đánh giá chất lượng của một ly cà phê.
Ngoài những nội dung liên quan đến sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm, diễn giả Lê Hoài Phương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực marketing và xây dựng thương hiệu đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mọi mặt trận, theo ông, giải pháp hiệu quả nhất để bứt phá chính là tạo nên sự khác biệt. VTC định hướng phát triển chuỗi cà phê không chỉ đơn thuần là kinh doanh, mà còn trở thành môi trường học tập, khởi nghiệp và kết nối đa lĩnh vực nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực trong xã hội.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, VTC đã chủ động hợp tác với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để đồng hành và hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên trong hệ thống chuỗi của mình.

Kết thúc khóa học, các học viên được nhận chứng chỉ ghi nhận kết quả học tập. Ảnh: Tuấn Phúc.
Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành, ghi nhận việc đã tiếp thu, nâng cao kiến thức toàn diện từ khâu chăm sóc, sơ chế, chế biến, thử nếm đến chiến lược tiếp thị sản phẩm.
Hy vọng rằng thông qua chương trình đào tạo này, các học viên sẽ củng cố thêm nền tảng chuyên môn để vận hành cơ sở kinh doanh cà phê một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành cà phê nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.