| Hotline: 0983.970.780

Lễ Tịch điền: Lễ hội xuống đồng đầu năm lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ

Thứ Hai 07/02/2022 , 16:38 (GMT+7)

Sáng ngày 7/2 (mùng 7 tháng Giêng âm lịch), tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022.

 

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 được UBND thị xã Duy Tiên chủ trì phối hợp với Sở VH-TT&DL, các sở, ngành, địa phương liên tổ chức đảm bảo trang trọng, an toàn, ý nghĩa, đúng các quy định về tổ chức Lễ hội và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

 

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân địa phương đã có mặt để theo dõi lễ hội thường niên mỗi dịp đầu năm mới tại xã Tiên Sơn. Công tác đảm bảo an ninh đã được thắt chặt xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.

 

Theo sử sách, cách đây 1.035 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ Tịch điền được coi như một ngày quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn, khuyến khích nhân dân lao động, sản xuất.

 

Lễ tịch Điền diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lễ Tịch điền năm nay, ngày mùng 5 có lễ cáo yết; ngày mùng 6 có lễ rước nước, lễ sái tịnh và lễ cầu an; ngày mùng 7 chính hội có lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, lễ rước thành hoàng và Tổ nghề trống làng Đọi Tam về sân Lễ Tịch điền; màn múa trống khai hội, múa rồng mừng hội, đọc văn trình, lễ dâng hương, công bố trao bằng xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Lễ Tịch điền của Hà Nam từ lâu đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.

 

Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.

 

Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai Xuân động thổ,” cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc đã trở nên quen thuộc, là niềm mong đợi của người dân Hà Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

 

Sau màn khai múa trống khai hội cùng màn múa rồng, nghệ nhân Phạm Chí Khang, Trưởng ban Khánh thiết thôn Đọi Tam, đã đọc văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông để khai hội Tịch điền Đọi Sơn 2022.

 

Tại Lễ Tịch điền, người dân được lựa chọn để đóng vai vua Lê Đại Hành làm lễ xuống ruộng đi cày 3 sá là người cao tuổi, có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng trong làng. Năm nay, ông Nguyễn Ngọc An (72 tuổi, thôn Linh Trung, xã Tiên Sơn) là người đóng giả "vua đi cày".

 

Sau khi bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, lão nông sẽ đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá (3 đường cày).

 

Những luống cày nâu tươi màu được nhà vua bật lên, hạt ngũ cốc đủ sắc màu sẽ được các cô thôn nữ gieo xuống để bày tỏ niềm mong mỏi một năm mùa màng bội thu, no đủ và lòng biết ơn với Thần Nông.

Xem thêm
Việt Nam - Belarus thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược

Tổng thống Belarus nói việc nâng cấp quan hệ hai nước thể hiện tình hữu nghị chân thành, tuân thủ quan hệ hợp tác song phương, mong muốn hợp tác lâu dài, hiệu quả.

Việt - Trung mở rộng cửa khẩu, tăng tốc xuất khẩu nông sản tiềm năng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường, đẩy nhanh tiến độ thông quan tại các cửa khẩu.