| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp

Thứ Hai 12/05/2025 , 11:34 (GMT+7)

UBTVQH đề xuất rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhằm đồng bộ hóa với Đại hội Đảng và chuẩn bị cho bầu cử 2026.

Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, UBTVQH đề xuất rút ngắn 3 tháng so với thời hạn theo quy định, kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 4/2026 thay vì tháng 7 như kế hoạch ban đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Tờ trình nêu rõ, Điều 71 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội có thể quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ theo đề nghị của UBTVQH.

Tương tự, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng cho phép Quốc hội quyết định rút ngắn nhiệm kỳ HĐND theo đề xuất của UBTVQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra vào ngày 23/5/2021, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được khai mạc ngày 20/7/2021. Như vậy, nhiệm kỳ hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 7/2026, trong khi chậm nhất đến ngày 24/5/2026, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải hoàn tất.

Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, việc rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới là cần thiết.

Điều này nhằm đảm bảo việc kiện toàn nhân sự cấp cao được tiến hành kịp thời, đồng bộ, góp phần nâng cao tính ổn định và liên thông trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc rút ngắn nhiệm kỳ cũng giúp cấp ủy các cấp triển khai kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.

Trên cơ sở các quy định pháp lý và thực tiễn, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, UBTVQH đã cân nhắc kỹ lưỡng và cho rằng, việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 vào ngày Chủ nhật, 15/3/2026 là phù hợp.

Từ đó, UBTVQH đề nghị rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026, vừa đảm bảo yêu cầu chính trị - hành chính, vừa có đủ thời gian tổ chức và triển khai công tác bầu cử theo quy định.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Cũng trong phiên họp sáng 12/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc. Ngày này phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước thời điểm bầu cử.

Dựa trên ý kiến của các cơ quan chức năng và tổng kết từ các kỳ bầu cử trước, UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn ngày Chủ nhật, 15/3/2026 làm Ngày bầu cử toàn quốc cho nhiệm kỳ mới.

Xem thêm
Vải thiều Bắc Giang vào vụ: Bộ trưởng mong 'bứt phá' xuất khẩu

Vải thiều Bắc Giang vào vụ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kỳ vọng quả vải sẽ đóng góp lớn vào xuất khẩu nông sản nhờ sản xuất đạt chuẩn và chế biến sâu.