| Hotline: 0983.970.780

Huyết mạch cho nông sản Đông Nam Á vào Trung Quốc

Thứ Hai 05/05/2025 , 11:27 (GMT+7)

Đường sắt Trung - Lào vận chuyển hơn 50 triệu lượt hành khách và 56 triệu tấn hàng sau 3 năm vận hành, trở thành tuyến logistics then chốt của trái cây Đông Nam Á.

Giữa mùa thu hoạch cao điểm, những chuyến tàu lạnh vận chuyển sầu riêng từ Thái Lan qua Lào, đến thẳng Côn Minh (Trung Quốc) theo tuyến đường sắt Trung - Lào đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Mỗi chuyến tàu băng qua cửa khẩu Boten (Lào) giờ đây không chỉ là hành trình giao thương, mà còn biểu tượng cho sự kết nối kinh tế bền vững giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Tuyến đường sắt Trung - Lào chứng tỏ hiệu quả sau hơn 3 năm hoạt động. Ảnh: NRA.

Tuyến đường sắt Trung - Lào chứng tỏ hiệu quả sau hơn 3 năm hoạt động. Ảnh: NRA.

Từ hoài nghi đến bùng nổ

Khi tuyến đường sắt Trung - Lào được đưa vào vận hành vào tháng 12/2021, nhiều người từng nghi ngại về hiệu quả khai thác do dân cư thưa thớt và nền kinh tế địa phương còn hạn chế. Thế nhưng, chỉ trong 3 năm, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đã vượt 56 triệu tấn, với mức tăng trưởng 2 con số trong 3 năm liên tiếp. Lượng hành khách cũng tăng gấp nhiều lần, từ 300 lượt mỗi ngày lên đến 1.300 lượt vào cao điểm, theo Nhân Dân nhật báo.

Tuyến đường đã làm thay đổi hoàn toàn cách vận chuyển nông sản xuyên biên giới. Nếu như trước đây, sầu riêng vận chuyển bằng đường bộ phải mất tới 5-7 ngày, dễ bị hư hỏng, thì hiện nay chỉ mất 26 giờ để đến Côn Minh nhờ mô hình liên vận đường bộ - đường sắt.

Ông Trương Đức Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty logistics quốc tế Thanaleng (chi nhánh Vân Nam) cho biết: “Trước đây vận chuyển bằng xe tải vừa lâu, vừa tốn chi phí bảo quản lạnh. Nay nhờ liên vận, thời gian rút ngắn, tổn thất giảm, chi phí cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Tuyến đường sắt Trung - Lào thực sự là tuyến bảo đảm cho trái cây nhập khẩu”.

Từ cuối năm 2022, với việc đưa vào hoạt động khu giám sát chuyên dụng tại ga Mohan (Lào), sầu riêng chính thức bước vào hành trình đường sắt xuyên quốc gia. Cục Hải quan Côn Minh cho biết, riêng năm 2024, lượng sầu riêng nhập khẩu qua tuyến này chiếm gần 60% tổng sản lượng của Thái Lan.

Không chỉ sầu riêng, hiện có hơn 3.000 mặt hàng khác cũng đang được vận chuyển qua tuyến đường sắt Trung - Lào, tăng mạnh so với con số 500 khi mới khai trương. Danh sách gồm cả chuối Lào, thanh long Việt Nam, hoa tươi Vân Nam... Trước nhu cầu tăng mạnh, ngành đường sắt Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào kho lạnh và container kiểm soát nhiệt độ, bảo đảm tươi ngon cho nông sản suốt hành trình.

Bên cạnh vận tải hàng hóa, tuyến đường sắt Trung - Lào cũng chứng kiến sự bùng nổ về hành khách. Khi mới khai trương dịch vụ tàu khách quốc tế ngày 13/4/2023, mỗi ngày chỉ có 1 đôi tàu giữa Côn Minh và Vientiane, với 250 vé. Nhưng đến nay, tần suất đã tăng lên 2 đôi tàu mỗi ngày, mỗi tàu chở đến 390 khách, với điểm dừng mới tại ga Naxaithong (Lào).

Hệ thống logistics được bố trí thuận tiện tại các ga dọc tuyến đường sắt Trung - Lào. Ảnh: Stdaily.

Hệ thống logistics được bố trí thuận tiện tại các ga dọc tuyến đường sắt Trung - Lào. Ảnh: Stdaily.

Nhằm phục vụ lượng hành khách tăng cao, lực lượng kiểm soát biên phòng tại cửa khẩu Mohan đã triển khai nhiều cải tiến như thủ tục điền tờ khai ngay trên tàu, lắp đặt trạm kiểm tra thông minh, thiết bị phiên dịch tự động và máy in ghi nhận xuất nhập cảnh tự động. Nhờ đó, thời gian thông quan được rút ngắn từ 90 phút xuống còn 52 phút.

Một đội ngũ chuyên trách các ngôn ngữ ASEAN đã được thành lập để hỗ trợ du khách đến từ 10 nước Đông Nam Á. Các nhóm du khách cao tuổi, người khiếm thính hoặc gặp rào cản ngôn ngữ đều nhận được hướng dẫn tận tình và các phiếu giao tiếp in sẵn.

Sự thuận tiện đã giúp du lịch xuyên biên giới nở rộ. Các đơn vị lữ hành tại Lào cho biết lượng khách từ Trung Quốc đến các điểm như Luang Prabang tăng mạnh nhờ tuyến đường sắt. Số lượt du khách ASEAN đến Tây Song Bản Nạp (Vân Nam) tăng hơn 2,5 lần so với năm trước; công suất phòng khách sạn tại đây thường xuyên đạt trên 85%.

Cú hích cho kinh tế biên giới

Không chỉ tạo thuận lợi cho giao thương và du lịch, tuyến đường sắt Trung - Lào còn thúc đẩy sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp mới dọc hành lang đường sắt. Tại TP Phổ Nhĩ (Vân Nam), một khu công nghiệp chế biến cà phê đã hình thành bên ga tàu. Các quả cà phê sau khi sơ chế, được đưa vào container lạnh vận chuyển đi khắp Trung Quốc và các nước.

Theo bà Hà Ngạn Bình, Tổng giám đốc Công ty quản lý chuỗi cung ứng Hồng Cảnh Vân Nam, mô hình vận chuyển mới giúp tiết kiệm đến 5.000 tệ mỗi container cà phê.

Tại Côn Minh, để giải tỏa áp lực lưu trữ vào mùa cao điểm, các kho ngoài ga cũng được đầu tư xây dựng như Trung tâm Logistics Hồng Vận, cung cấp dịch vụ lưu kho, sửa chữa, đóng gói, trung chuyển. Tất cả được tích hợp trong một nền tảng hợp nhất. Mô hình này giúp giảm chi phí vận tải, tăng hiệu suất gom hàng, hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến Trung - Lào như một “trung tâm logistics” khu vực.

Ngoài hàng hóa, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn tuyến đường sắt Trung - Lào để di chuyển. Ảnh: Stdaily.

Ngoài hàng hóa, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn tuyến đường sắt Trung - Lào để di chuyển. Ảnh: Stdaily.

Song song với đó, hệ thống giám sát hải quan cũng được phân tán ra các khu vực chuyên biệt, như trái cây tươi, thủy sản đông lạnh... giúp giảm thời gian thông quan. Trong tương lai, việc mở rộng diện tích và nâng cao khả năng kiểm dịch sinh học sẽ giúp tuyến này ngày càng thuận tiện cho hàng hóa nông sản nhạy cảm.

Thống kê cho thấy, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường sắt Trung - Lào năm 2022 là 11,2 triệu tấn, tăng lên 17,81 triệu tấn năm 2023 và đạt 19,64 triệu tấn trong năm 2024. Trong đó, hàng hóa xuyên biên giới đạt lần lượt 2,1 triệu tấn, 4,41 triệu tấn và 4,78 triệu tấn, phản ánh rõ sức sống của hành lang thương mại này.

Tuyến đường sắt Trung - Lào không chỉ là một công trình hạ tầng, mà còn là xương sống mới cho chuỗi cung ứng nông sản và du lịch khu vực. Với tầm ảnh hưởng lan rộng từ miền Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam tới vùng Tây Nam Trung Quốc, đây đang là hình mẫu mới về hợp tác khu vực, phát triển logistics xanh và phát huy tiềm năng kinh tế sinh thái xuyên quốc gia.

Trung Quốc có 3 khu vực nhập khẩu trái cây từ Đông Nam Á. Tại tỉnh Quảng Tây, cửa khẩu Hữu Nghị (giáp Lạng Sơn) là quan trọng nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, còn cửa khẩu Đông Hưng (giáp Quảng Ninh) và cảng biển Tần Châu.

Tại tỉnh Vân Nam, cửa khẩu Mohan là cửa khẩu quốc gia duy nhất giữa Trung Quốc và Lào, cũng là điểm trung chuyển quan trọng cho sầu riêng từ Lào và các nước Đông Nam Á khác. Ngoài ra, còn cửa khẩu Hà Khẩu (giáp Lào Cai).

Tại tỉnh Quảng Đông, cảng biển Nam Sa (Quảng Châu) chủ yếu tiếp nhận sầu riêng từ Đông Nam Á qua đường biển. Cảng có kho lạnh lớn và thiết bị kiểm tra tiên tiến, giúp nhanh chóng phân phối sầu riêng đến khu vực Hoa Nam và các vùng nội địa khác. Bên cạnh đó, còn có cảng Diêm Điền (Thâm Quyến) có mạng lưới logistics quốc tế và thiết bị bốc dỡ hiệu quả.

Xem thêm
Không nóng vội trước những thông tin tuyển dụng khó kiểm chứng

HÀ NỘI Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, người lao động cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng khó kiểm chứng.

Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái - vượt khó cùng người dân và doanh nghiệp

Trước những khó khăn do thị trường và thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, Agribank Yên Bái đã có nhiều giải pháp đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.