Cả chục ngày nay, dư luận nhân dân ở Hưng Yên náo loạn về dịch tai xanh và hiện tượng lợn ốm chết bất thường đang lây lan khắp các huyện, thành phố của cả tỉnh. Song mới chỉ có Văn Lâm được coi là vùng "tâm điểm" của dịch với hơn 12 nghìn con mắc bệnh, hơn 6 nghìn con đã bị chết và tiêu huỷ. Các huyện từ Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi, thành phố Hưng Yên... đã có lợn ốm lợn chết, nhưng chính quyền các địa phương này vẫn thản nhiên khẳng định: Chưa hề có dịch(?!).
Lợn chết vứt trên sông Bản Lễ, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Dân bán lợn ốm để vớt vát
Nhiều người dân cho biết; từ hàng chục ngày nay, lợn ốm chết rải rác khắp nơi. Tại các xã Hịêp Cường (Kim Động), Thiện Phiến, Nhật Tân, Hưng Đạo, Thủ Sĩ (Tiên Lữ), đã có lợn chết vứt ra sông trôi lềnh bềnh. Trên cánh đồng, đường làng vào các xã Đào Dương, Nhật Tân có cả lợn chạy rông nhưng không có người nhận. Xã Bạch Sam (Mỹ Hào) người dân phát hiện và đếm được 8 bao tải chứa phủ tạng lợn vứt trôi sông bối mùi hôi thối. Ở một số trang trại lớn của xã Thủ Sĩ (Tiên Lữ); Đại Hưng, Thành Công (Khoái Châu)... mỗi trang trại đều có lợn ốm và chết.
Hoang mang lo sợ, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn bí mật giấu kín để "tẩu thoát". Một hộ ở Nhật Tân bộc bạch: Có lợn chết đã thiệt rồi, nói ra lỡ người ta khoanh vùng dịch làm cho lợn khoẻ cũng bị lây tiếng của lợn bệnh rồi bị mất giá, thiệt đơn thiệt kép là cái chắc". Chẳng thế từ khi có dịch, giá thịt lợn giảm từ 30 nghìn đồng xuống còn 16 nghìn đồng/kg hơi, nhiều nhà buốt ruột vì thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Một chủ trang trại ở Khoái Châu thật thà tiết lộ: cách đây chục ngày gia đình anh đã có 12 con lợn mỗi con gần 100 kg bị chết, trước đó 2 tháng đã có hơn 200 con ốm và chết do các triệu chứng sốt cao, toàn thân mẩn đỏ, bỏ ăn... Biết không cứu vãn được nên gia đình đã nhanh chóng bán tháo và vớt vát được một phần vốn.
Khi được hỏi tại sao không báo chính quyền công bố dịch để được nhận tiền hỗ trợ tiêu huỷ 25 nghìn đồng/kg lợn hơi, bà con ở Văn Giang, Phù Cừ cười nhạt: có mà "đau để chờ sáng trăng", biết bao giờ tiền hỗ trợ mới đến tay chúng tôi? Ông Nguyễn Văn T ở Khoái Châu tỏ ra kinh nghiệm: "Chúng tôi chán ngấy chuyện hỗ trợ rồi, mấy năm trước dịch tai xanh rồi cúm gia cầm, cấp trên bảo có hỗ trợ, nhưng phải chờ đến 2 năm sau mới nhận được tiền. Tốt hơn hết là của ai người ấy tự lo, bán chạy may ra gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy". Vậy nên nhà nào nhà ấy hễ lợn mắc bệnh sau vài ngày thuốc men không chuyển là gọi lái buôn đến, giá nào cũng bán.
Dịch chỉ có ở Văn Lâm?
Dân thôn Linh Hạ xã Nhật Tân (Tiên Lữ) cho hay, khi biết tin có lợn ốm chết, thôn đã báo với ban thú y xã để kiểm tra, khi cán bộ thú y đến thì lợn đã được bà con tự tiêu huỷ nên ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã không biết có bao nhiêu con lợn đã nhiễm bệnh. Không riêng ở Nhật Tân, nơi nào người dân cũng giấu bệnh nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch tai xanh của các xã vẫn khẳng định địa phương chưa hề có dịch, hoạ chăng mới chỉ là vài con ốm yếu mà thôi.
Một số hộ ở Khoái Châu, Tiên Lữ, Mỹ Hào nghe tin có hỗ trợ 25 nghìn đồng/kg lợn hơi mắc tai xanh bị chết và xử lý đã báo xã, huyện những mong được hỗ trợ để đỡ phần thiệt hại. Nhưng chẳng có hồi âm, thế rồi bà con càng hoang mang và rơi vào vòng luẩn quẩn: Lặng lẽ tẩu tán lợn ốm để dịch bệnh cứ lây lan ngày một nhiều... Rồi việc khoanh vùng, lập chốt kiểm dịch theo dân Văn Lâm thì đó chỉ là hình thức "làm cho có", để làm cảnh cho oai; dù cả huyện có 27 chốt nhưng nhiều khi không có cả người gác. Thế là lợn ốm vẫn toả đi khắp các ngả, dịch bệnh lan rộng, nguy cơ thật khó lường.
Về tình hình phòng chống dịch, chính quyền các cấp đều cho biết đã làm đầy đủ và khá bài bản. Cấp nào cũng có Ban chỉ đạo và đã đồng loạt triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp theo phương châm "5 không": không giấu dịch, không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh, không bán chạy, không vận chuyện lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường.
Một vài người chăn nuôi ở Tiên Lữ, Văn Giang ngán ngẩm: Mấy bác cán bộ nói ngả nào cũng được. Khi dịch xảy ra thì đổ tại yếu tố khách quan, do ảnh hưởng của các vùng xung quanh đều có, nơi ta không có mới là chuyện lạ. Nếu địa phương nào còn chủ quan, lơ là mà bị phê bình thì cũng chỉ cần nhận khuyết điểm theo phương án đã được thống nhất và vạch sẵn: "nghiêm túc rút kinh nghiệm" là xong! Khi dịch bệnh qua đi, ngành nào, cấp nào liên quan cũng đều có công lớn. Các bản báo cáo lúc ấy sẽ được đưa ra với những "điệp khúc" thật hoành tráng: Nào là đã "tích cực" chỉ đạo khoanh vùng dập dịch với nhiều "biện pháp mạnh"; nào là "tăng cường" kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; rồi thì "thường xuyên" hướng dẫn bà con cách này cách nọ để dập dịch....
Trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, lợn ốm, lợn chết vẫn bùng phát và tấn công khắp tỉnh với những diễn biến phức tạp khó lường. Dân Hưng Yên đang hoang mang, buốt ruột "của đau con xót" vì hàng vạn con lợn với nhiều tỉ đồng cứ chết dần chết mòn theo dịch. Nhưng trong số 10 huyện, thành phố của cả tỉnh vẫn chỉ có duy nhất Văn Lâm đã có “tai xanh”; còn lại 9 địa phương kia coi như vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của dịch và..."bình an vô sự"!