
Mây đen và mưa lớn xuất hiện tại phường Từ Liêm, TP. Hà Nội chiều 19/7. Ảnh: Phạm Hiếu.
16h10 chiều 19/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra-đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực phía Bắc Hà Nội, đang di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành.
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định trong khoảng từ 10 phút đến 3 giờ sau đó, vùng mây này gây mưa cho các khu vực trên, sau đó sẽ lan sang các phường, xã khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Clip người dân ghi lại hình ảnh mây đen, gió lớn trước khi mưa to tại Hà Nội, chiều 19/7.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định trong khoảng 3-6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố với độ sâu phổ biến từ 15-20cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 20-40cm.
Tình hình giao thông trên các tuyến phố bị ngập sâu sẽ bị ảnh hưởng, tắc nghẽn cục bộ hoặc nhiều phương tiện giao thông sẽ gặp khó khăn khi di chuyển.
Một số tuyến phố có nguy cơ ngập như Thái Hà, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng, Ngọc Hà, Giảng Võ Cao Bá Quát, Đội Cấn, Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Trỗi, Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài…

Vùng mây che phủ Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ vào 16h30 chiều ngày 19/7. Khu vực màu vàng và đỏ là vùng có mưa lớn tập trung. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Theo Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc cơn dông mạnh xuất hiện sâu trong đất liền dù các cơn bão còn đang ở ngoài Biển Đông không hiếm gặp. Các nghiên cứu của Mỹ về dông, lốc sét trong bão cho thấy, cơ quan khí tượng thủy văn chỉ quan sát được số lượng rất ít các tia chớp ở lõi trong của bão, áp thấp nhiệt đới.
Nhân tố quyết định sự phát triển dông sét nhờ sự tương tác giữa các tinh thể băng có trong nước lỏng. Sấm, chớp hay các ổ dông lốc thường xuất hiện ở bên ngoài khu vực tâm bão (trên 100km) do sự kết hợp các dải mưa đối lưu mạnh. Do đó, trong thời gian có cảnh báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới cần chú ý đề phòng sự xuất hiện của dông, lốc sét để giảm nhẹ rủi ro bất ngờ.
Dưới đây là một số hình ảnh cây xanh gãy, đổ sau cơn dông tại Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Mai, Hà Nội:

Cây xanh gãy đổ la liệt sau cơn dông.

Cành cây gãy giữa lòng đường làm cản trở giao thông.

Cây xanh bật gốc đè lên xe ô tô.