Trong tháng 6/2025, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (không bao gồm Hà Nội) đạt 9,85 tỷ kWh – mức cao nhất trong các Tổng công ty phân phối thuộc EVN.
Đặc biệt, ngày 02/6, sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục với 373,6 triệu kWh trong một ngày, còn công suất đỉnh lần lượt đạt 17.400 MW vào lúc 13h15 và 18.084 MW vào lúc 22h00 – tăng tới 684 MW chỉ sau chưa đầy 9 tiếng.

Công nhân EVNNPC kiểm tra thiết bị giữa trưa nắng, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Ảnh: EVNNPC.
Các con số này cho thấy thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã tác động mạnh đến hành vi sử dụng điện của người dân. Việc học sinh, sinh viên nghỉ hè ở nhà cũng khiến thời gian sử dụng điều hòa, quạt, tủ lạnh kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đáng lưu ý, khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn, các thiết bị làm mát buộc phải vận hành với công suất cao hơn để duy trì hiệu quả, dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng vọt dù thời gian sử dụng không đổi…
Để chủ động kiểm soát hóa đơn tiền điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong mùa nắng nóng, EVNNPC khuyến cáo khách hàng điều chỉnh hành vi tiêu dùng điện hợp lý.
Cụ thể, đặt điều hòa ở mức nhiệt độ từ 26-28°C, ưu tiên chế độ Sleep vào ban đêm, kết hợp sử dụng quạt và đóng kín cửa phòng để tránh thất thoát nhiệt; hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện công suất lớn trong khung giờ cao điểm từ 13h00-15h00 và 20h00-23h00 hàng ngày; tắt các thiết bị khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị điện - đặc biệt là điều hòa và tủ lạnh – để duy trì hiệu suất vận hành.

Sử dụng điều hoà không khí an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: EVNNPC.
Khách hàng cũng được khuyến khích theo dõi chỉ số điện năng hàng ngày qua ứng dụng CSKH EVNNPC hoặc website https://cskh.npc.com.vn, đồng thời sử dụng công cụ tính hóa đơn trực tuyến hoặc đặt ngưỡng cảnh báo để kịp thời điều chỉnh mức tiêu thụ điện.
Về lâu dài, EVNNPC khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh có điều kiện phù hợp nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí điện sinh hoạt, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.