| Hotline: 0983.970.780

Du lịch TP.HCM sau sáp nhập: Cơ hội vàng bứt phá toàn diện

Thứ Năm 10/07/2025 , 12:18 (GMT+7)

Sau sáp nhập, TP.HCM không chỉ mở rộng không gian mà còn mở ra cơ hội vàng bứt phá, xây dựng hình ảnh trung tâm du lịch hiện đại, bền vững, đậm đà bản sắc.

TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Không gian kinh tế - du lịch hội tụ nhiều giá trị

Sau quá trình mở rộng địa giới hành chính, TP.HCM bước vào một giai đoạn phát triển mới, không chỉ về quy mô diện tích và dân số, mà còn tạo dựng nên một cấu trúc không gian du lịch hoàn toàn khác biệt, mang tính tích hợp, đa trung tâm và đầy tiềm năng. Trong hành trình mới ấy, TP.HCM là điểm đến lý tưởng, nơi giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, giữa biển đảo nghỉ dưỡng và công nghiệp sáng tạo, giữa không gian đô thị sôi động và miền quê thanh bình.

Trên bản đồ mới, TP.HCM sở hữu đến 681 tài nguyên có khả năng phát triển thành điểm đến du lịch, phân bố đồng đều từ khu đô thị trung tâm, ven sông, biển đảo đến các làng nghề truyền thống. Không gian đô thị nổi bật với các di sản kiến trúc thuộc địa, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, không gian sáng tạo, cùng các tour city tour, MICE, và du lịch đêm, đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế.

Rừng sác Cần Giờ - điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Rừng sác Cần Giờ - điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Về phía biển đảo, các resort ven biển, sân golf đẳng cấp và khu bảo tồn thiên nhiên đang tạo ra một “cực nghỉ dưỡng” mới. Bên cạnh đó, những vùng công nghiệp và làng nghề ven sông lại mở ra một hướng đi mới, du lịch công nghiệp đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của nhóm du khách yêu thích sự khác biệt.

Với dân số hơn 14 triệu người, TP.HCM sau sáp nhập không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn trở thành thị trường du lịch nội tỉnh lớn nhất cả nước cả về quy mô và nhu cầu.

Trong khi đó, xu hướng người trẻ ưa các chuyến nghỉ ngắn ngày, cuối tuần, giải trí về đêm; gia đình trẻ tìm đến trang trại, bảo tàng, không gian gần gũi thiên nhiên để vừa vui chơi vừa giáo dục. Còn người cao tuổi chuộng du lịch văn hóa, du lịch sức khỏe. Các tổ chức, doanh nghiệp, trường học lại tạo ra nhu cầu ổn định cho MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo...) và du lịch học thuật. Đây là nguồn khách bền vững, ít chịu ảnh hưởng theo mùa, một lợi thế mà hiếm điểm đến nào có được.

Không gian du lịch mới của TP.HCM sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi hệ thống giao thông hiện đại sau khi sáp nhập. Sân bay Long Thành sắp hoạt động sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ quốc tế đến trung tâm đô thị và vùng biển nghỉ dưỡng xuống còn 30-45 phút. Các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Chơn Thành hay Bến Lức - Long Thành đang tạo nên các hành lang du lịch chuyên đề nối liền từ phố ra biển, từ đô thị đến miền quê.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những điểm đến du lịch hút khách trong và ngoài nước, đặc biệt dịp hè, lễ, tết. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những điểm đến du lịch hút khách trong và ngoài nước, đặc biệt dịp hè, lễ, tết. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

TP.HCM mới cũng đang đẩy mạnh khai thác du lịch đường sông với lợi thế hệ thống sông ngòi phong phú như sông Sài Gòn, Nhà Bè... Cùng với đó là hệ thống lưu trú 93.000 phòng, từ khách sạn cao cấp, homestay đến resort sinh thái, bệnh viện quốc tế, sân golf và trung tâm thương mại đủ sức đón cả khách nội địa quy mô lớn lẫn khách quốc tế cao cấp.

Ẩm thực - linh hồn của du lịch TP.HCM

Nhắc đến du lịch TP.HCM, không thể bỏ qua hành trình ẩm thực đậm đà bản sắc. Những quán ăn gia truyền như Phở Lệ, bánh mì Hòa Mã, lẩu mắm Trần Huy Liệu hay chè Hiển Khánh… là ký ức gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn.

Vùng đất mới sau sáp nhập cũng mở rộng không gian ẩm thực độc đáo như bánh bèo bì Mỹ Liên hơn 100 năm tuổi ở Lái Thiêu, gỏi gà măng cụt - một trong những đặc sản “có mùa” tại Bình Dương cũ hay bánh khọt Gốc Vú Sữa - biểu tượng ẩm thực phố biển Vũng Tàu.

Ẩm thực với những món ăn phong phú. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Ẩm thực với những món ăn phong phú. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Ẩm thực không chỉ làm no bụng du khách, mà còn là cầu nối cảm xúc, tạo nên bản sắc không lẫn vào đâu được của TP.HCM - nơi giao hòa tinh tế giữa ba miền Bắc - Trung - Nam và cộng đồng người Hoa, Khmer, Chăm…

Hiện TP.HCM đang triển khai hàng loạt giải pháp để tái định vị du lịch như một ngành kinh tế sáng tạo. Trong đó, mô hình “mỗi xã phường một hoạt động du lịch đặc trưng” sẽ được triển khai trên toàn Thành phố mới.

Sự kiện được nâng tầm, như Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC, Tuần lễ Du lịch Thành phố, Lễ hội sông nước, Marathon quốc tế… không chỉ là hoạt động quảng bá, mà còn là sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa và cảm xúc cao.

Triết lý “sáng tạo truyền thống” đang được áp dụng mạnh mẽ, vừa kết hợp di sản, văn hóa dân gian với công nghệ số, biểu diễn đương đại, nhằm tạo ra trải nghiệm mới mẻ, cá nhân hóa hơn cho du khách.

TP.HCM cũng đang hướng đến phát triển du lịch chuyên biệt như MICE cao cấp, du lịch y tế, du lịch di sản số, khai thác lợi thế về cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, kho tàng di sản và năng lực tổ chức sự kiện lớn.

Trong bối cảnh cả nước chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP.HCM đang tái cấu trúc lại chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, xác lập là trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm được làm bánh xèo. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm được làm bánh xèo. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM (mới) cho biết, trong chiến lược phát triển của ngành du lịch, thành phố sẽ tập trung phát triển sản phẩm trên quy mô lớn, liên kết theo cụm vùng, trục trải nghiệm. Tối ưu hạ tầng liên vùng và ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng và cảnh quan tự nhiên sẵn có. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, nhà sáng tạo và chuyên gia trong hệ sinh thái du lịch.

Với tài nguyên dồi dào, hạ tầng hoàn chỉnh, chiến lược bài bản và tư duy sáng tạo, TP.HCM hoàn toàn có thể chạm đến khát vọng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực, nơi không chỉ đón khách du lịch mà còn truyền cảm hứng.

Xem thêm
Dằng dặc mùa khoai

Tôi nhớ vườn khoai lang, nhớ bóng hình của mẹ vào đận tháng ba ngày tám, và những ngày khô khát nắng nôi.

Tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự ASIAN Cup 2026

Thắng Guam với tỷ số 4-0 vào tối 5/7, tuyển bóng đá nữ Việt Nam dẫn đầu bảng E và góp mặt tại vòng chung kết ASIAN Cup nữ 2026.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất