| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông nghiệp, nhìn từ chiều sâu môi trường

Thứ Bảy 03/05/2025 , 15:48 (GMT+7)

Mỗi lần viết chủ đề du lịch nông nghiệp, người viết đều muốn nhấn mạnh đến sự khai mở, thay đổi tư duy...

Tư duy về miền giá trị mới của nông nghiệp

Bà con nông dân chính là bản thể, chủ thể tạo ra ngành du lịch nông nghiệp, vì bà con cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch từ hoạt động nông nghiệp, sinh cảnh nông thôn, truyền thống làng quê mình cho khách du lịch - những người mong muốn có những trải nghiệm du lịch mang đậm hồn quê.

Cụ thể hơn, trước kia, ruộng đồng chỉ trồng ra hạt lúa, mảnh vườn trồng ra mớ rau, vuông ao để nuôi cá thì nay, vẫn không gian ấy, hoạt động ấy, đón thêm những đoàn khách thử làm nông dân, cầm liềm cắt lúa, lội ao dỡ chà bắt cá.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cấy lúa. 

Du khách nước ngoài trải nghiệm cấy lúa. 

Bà con có thêm “người tới chơi và làm cùng” mà còn nhận được thêm tiền và thêm cả những niềm vui không phải vì có thêm thu nhập. Nhưng cái đích xa hơn, tiền đề nhưng cũng là kết quả là du lịch nông nghiệp làm cho làng quê bỗng trở nên sạch sẽ hơn, sáng sủa hơn, văn minh hơn, thêm sức sống vì sự giao hòa văn hóa, tình cảm.

Cũng từ những hình tượng ấy, việc bà con đón khách du lịch đến làng quê mình, đến ngôi nhà, thửa ruộng của mình cũng không khác gì mấy đón bà con xa đến chơi.

Kinh nghiệm từ du lịch nông nghiệp Đài Loan

Với bề dày phát triển lâu đời, du lịch nông nghiệp Đài Loan đã thành công nhờ phát huy chiều sâu những giá trị của sản xuất nông nghiệp truyền thống, sinh hoạt và sinh cảnh nông thôn, để từ đó mang lại những trải nghiệm không lặp lại, làm cho du khách muốn quay lại định kỳ.

Du lịch nông nghiệp Đài Loan nhấn mạnh sự “cộng tồn” (con người và muôn loài trên Trái đất cùng tồn tại - PV), vì con người cũng là một loài sinh vật cần đến ôxy, cần đến nước sạch để tồn tại trên Trái đất. Vì vậy, ngay từ đầu, việc kêu gọi hữu cơ hóa các nông trại du lịch, du lịch hóa các nông trại hữu cơ đã được tiến hành. Tiếp sau đó ở quy mô lớn hơn là nông nghiệp "lương thiện" - nôm na là nuôi, trồng không ảnh hưởng đến môi trường, đến con người, đến sinh vật.

Du lịch nông nghiệp Đài Loan đã thành công nhờ phát huy chiều sâu những giá trị của sản xuất nông nghiệp truyền thống, sinh hoạt và sinh cảnh nông thôn. Ảnh: VnMedia.

Du lịch nông nghiệp Đài Loan đã thành công nhờ phát huy chiều sâu những giá trị của sản xuất nông nghiệp truyền thống, sinh hoạt và sinh cảnh nông thôn. Ảnh: VnMedia.

Đi cùng với kêu gọi là sự hỗ trợ của chính quyền trong việc định giá, đảm bảo bán được đúng định giá của các loại thương phẩm nông nghiệp tại các cơ sở bán lẻ chuyên nghiệp - nơi phân chia rõ thương phẩm nông nghiệp được nuôi trồng, canh tác theo các chuẩn khác nhau, từ hữu cơ, đến "lương thiện" đến bình thường (an toàn).

Thêm vào đó, với nhu cầu bức thiết hơn trong bảo vệ môi trường, du lịch nông nghiệp Đài Loan đưa ra nhiều sáng kiến, nhiều cuộc vận động với mục tiêu nâng cao thu nhập của các nông trại du lịch. Một trong những trọng tâm là cổ vũ, hỗ trợ các nông trại này cung cấp trải nghiệm ẩm thực dựa trên nông sản có thời gian "sống" lâu nhất trước khi lên bàn ăn. Đó đều là những loại nông sản, bất kể cỏ cây (thực vật) hay động vật, được nuôi trồng, sinh trưởng đúng vùng, đúng mùa; thu hoạch đúng lúc; sử dụng tại chỗ, và thưởng thức đúng cách.

Từ nuôi trồng đúng vùng, đúng mùa

Thiên nhiên ban tặng cho nhân loại những vùng khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, địa mạo khác nhau, từ đó nhân loại có thể nuôi trồng, cày cấy những sản vật thích hợp, trước là để cung cấp lương thực thực phẩm cho chính mình, sau đó dư thừa mới đem đi trao đổi các loại hàng hóa khác hay nhận lại giá trị thặng dư bằng tiền.

Do đó, sẽ không thể thấy những hồ nước lạnh ở vùng cao nuôi cá tra hay những vuông tôm ở Cà Mau xuất hiện cá tầm. Tương tự như vậy, trà Shan tuyết sẽ không thể nào ngon nếu trồng ở Thái Nguyên. Mỗi loại sản vật sẽ ngon nhất vì được sống trong môi trường của mình, để từ đó mới có những đặc sản, hay ở một khía cạnh khác là những sản phẩm OCOP. Rồi dẫn đến nhu cầu thưởng thức đi đâu ăn gì hay thưởng ngoạn cảnh vật gì.

Khác với các mục đích về thiên về khai thác tối đa sản lượng trên một đơn vị thời gian và diện tích, trong du lịch nông nghiệp, sự nhấn mạnh về nông sản đúng mùa rất quan trọng, để đảm bảo nông sản sinh trưởng đủ tiêu chuẩn làm du lịch - chất lượng tốt nhất, mỹ quan nhất và có ý nghĩa nhất.

Một nông trại du lịch với chủ đề một trái cây nhất định sẽ không có sức hấp dẫn khi loại trái cây ấy chưa vào mùa thu hoạch. Vì du khách có xu hướng thưởng thức “kết quả” của một nông trại du lịch vốn được gắn với một hoặc nhiều loại sản vật làm nên tên tuổi của nông trại ấy. Và như vậy, thưởng thức nông sản theo mùa sẽ đem lại dấu ấn đậm nét nhất với du khách về một vùng đất, khi mà cả thiên nhiên ưu ái nhất cho nông sản ấy hội tụ và lan tỏa trong miệng của họ. Vì "miếng ngon nhớ lâu" mà!

Du khách thích thú tạo dáng chụp ảnh bên vườn quýt hồng trĩu quả ở Lai Vung, Đồng Tháp.

Du khách thích thú tạo dáng chụp ảnh bên vườn quýt hồng trĩu quả ở Lai Vung, Đồng Tháp.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm du khách vào mùa thấp điểm - tức thời điểm mà loại trái cây/sản vật ấy không vào mùa thu hoạch, các nông trại chủ đề cây/trái/hoa của Đài Loan đã xen canh rải vụ một số loại cây/trái/hoa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực nông trại của mình. Điều này giúp mỗi loại cây/hoa/trái có thời gian chín hoặc mãn khai khoảng hai tháng có thể "gối đầu" nhau tạo ra nguồn khách quanh năm cho nông trại du lịch đó.

Nhưng ý nghĩa của nông sản đúng mùa với du lịch nông nghiệp là gì? Một loại nông sản chín hay đến độ thu hoạch cũng chính là khi nó hấp dẫn nhất về thị giác lẫn vị giác (sau chế biến hoặc thưởng thức trực tiếp), và quan trọng hơn cả là đem lại cho du khách “cảm giác thu hoạch” dù họ không phải là những người nuôi trồng, cày cấy ra chúng một cách trực tiếp. Từ đó mới có những khoảnh khắc "wow", rồi những shot hình, những clip ngắn có "n" lượt xem cũng như tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.

Quan trọng hơn, việc không "chín ép", sinh trưởng thuận thiên sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho các loài sinh vật. Đó là tạo hóa, là thứ mà du khách cần được biết, được hiểu một cách nguyên bản sau mỗi lần đi du lịch nông thôn về. Đơn giản sẽ là: Cây này mọc từ tháng mấy đến tháng mấy? Ở đâu? Lúc thu hoạch thì quả nó trông như thế nào? Vị nó ra sao? Bà con ở đó đã nghĩ thêm ra những sản phẩm chế biến sâu gì?…

Vậy nếu nhìn từ chiều sâu môi trường, nông sản đúng vùng, đúng mùa có ý nghĩa gì? Đó là khi hoạt động canh tác tôn trọng quy luật sinh trưởng tự nhiên của sinh vật thì sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các yếu tố tác động từ bên ngoài, bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ và kích thích, năng lượng (chiếu sáng), môi trường nhân tạo… Từ đó dẫn đến bảo vệ môi trường hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.

Không thể phủ nhận vai trò của nông sản trái mùa, nghịch vùng trong việc giải quyết nhu cầu lương thực thực phẩm gia tăng. Nhưng phàm những gì trái nghịch thì phải cố gắng rất nhiều mới đạt được kết quả như "phải". Và, chịu ảnh hưởng sâu rộng từ sự "cố gắng" ấy chính là môi trường.

Thu hoạch đúng lúc

Tự nhiên sinh ra mọi quá trình đều có lí do, từ đó mới mới có các tiết khí, rồi đến chu trình sinh trưởng của một loại nông sản. Để ra một hạt cơm dẻo thơm, nấu từ những hạt gạo mới thơm nồng, thì phải trải qua từ cày, bừa, gieo mạ (gieo sạ), đến cấy lúa, lúa làm đòng, trổ bông, rồi lúa chín… Qua bao giai đoạn, người nông dân mới gặt lúa, xay xát để ra hạt gạo thơm, căng đầy nhựa sống.

Tương tự, trái chín cây là hình ảnh tượng trưng cho nông sản được thu hoạch đúng lúc về mặt chất lượng một cách tự nhiên, một sự minh chứng rõ nét về sự tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự nhảy vọt về chất mà không cần tác động của những yếu tố phản tự nhiên.

Sử dụng tại chỗ

Thời gian từ khi là một nông sản "sống" đến lúc "hóa thân" thành thực phẩm tỉ lệ thuận với tài nguyên, yếu tố môi trường. Đó là vì từ nông trại đến bàn ăn chính là quãng đường mà dấu chân carbon lưu lại, kéo dài hoặc ngắn tùy khoảng cách, rồi kéo theo đó là phương tiện, vật liệu, năng lượng để bảo quản chất lượng, giữ tươi, giữ chất lượng. 

Thưởng thức đúng cách

Một ngụm trà thưởng thức đúng cách sẽ không thể nào uống như một ly bia - ực một hơi. Một ngụm trà trong du lịch nông nghiệp, giữa một trà viên lại càng không như vậy, vì một ngụm trà trong nông nghiệp lại càng cần thời gian. Thời gian ấy không chỉ giữ chân, lưu tâm du khách mà còn là để cho họ thưởng thức được cả đất trời, nắng gió, mưa bão trong từng tinh chất từ lá trà hòa quyện với nguồn nước mát lành...

Từ "khách sạn" côn trùng ở Nghi Lan, Đài Loan

Nhấn mạnh du lịch nông nghiệp là "trường học" thiên nhiên tuyệt vời, du lịch nông nghiệp Đài Loan có những ví dụ rất thú vị cho những sự kết hợp tuyệt vời nhất cả lợi ích của môi trường, của nông trại và du khách.

Nông trại Đầu Thành với những “khách sạn" côn trùng là một ví dụ điển hình. Điểm xuyết trong nông trại là những “khách sạn” mà nhìn xa như những bảng thông báo của con người. Nhưng thay vì bảng để viết thì là những khúc gỗ xếp chồng lên nhau, tạo thành hình mặt cắt của một ngôi nhà gỗ có mái che. Mỗi khúc gỗ được khoan các lỗ có kích thước khác nhau làm "phòng" lưu trú cho những loại côn trùng làm tổ để sống, sinh sản.

Hình ảnh 'khách sạn' côn trùng ở nông trại Đầu Thành (Nghi Lan, Đài Loan).

Hình ảnh "khách sạn" côn trùng ở nông trại Đầu Thành (Nghi Lan, Đài Loan).

Rồi hướng dẫn viên của nông trại giới thiệu đến du khách từng "loại phòng", "hạng phòng" tương ứng với từng "nhóm khách" với những nhu cầu khác nhau. Nào là "làm việc từ xa", nào là "kết đôi", nào là "nghỉ thai sản". Sau khi vừa nghe hướng dẫn viên, vừa chứng kiến những "lữ khách" check-in, check-out nhộn nhịp, tới lượt những vị khách du lịch tự mình tỉ mẩn, thích thú tạo ra những "căn phòng" mới cho những "khách sạn côn trùng" được dựng lên trong khuôn viên nông trại, với các nguyên liệu, công cụ được nông trại cung cấp.

Một vòng của "give back" (đền đáp lại - PV) thật sự ý nghĩa nhưng lại rất trực quan, rất thật.

Các em học sinh Đài Loan đang làm phòng cho 'khách sạn' côn trùng.

Các em học sinh Đài Loan đang làm phòng cho "khách sạn" côn trùng.

Đến những chú cá "hạnh phúc" ở Hồng Ngự, Đồng Tháp

Trong cách nói dân gian ta, khi mô tả ai đó, sự việc nào đó được trở về hoặc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển thì sẽ ví là “như cá về với nước”. Du lịch nông nghiệp được phát triển lành mạnh trong một môi trường trong lành sẽ như vậy, và khi đó, du khách khi tìm về nông thôn để du lịch sẽ thăng hoa về cảm xúc trong mát lành như thế. Vì trong cuộc sống quá "dương" của đô thị hóa, con người vốn phải đối mặt với nhiều điều, phát triển những kĩ năng để thích ứng với môi trường xã hội, nên về quê, về với tự nhiên để được "tiếp âm" sẽ là nhu cầu vừa bản năng, vừa nhân văn.

Những chú cá 'hạnh phúc' bơi tung tăng trong lòng sông, hân hoan và rộn rã chào đón du khách trên lồng bè.

Những chú cá "hạnh phúc" bơi tung tăng trong lòng sông, hân hoan và rộn rã chào đón du khách trên lồng bè.

Những chú cá "hạnh phúc" được chính quyền địa phương cùng bà con chăm sóc ở Khu bảo tồn Thủy sản An Bình, phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mà người viết được đích thân Bí thư thành phố Hồng Ngự Lê Hà Luân dẫn đến trải nghiệm là một minh chứng rất rõ cho vai trò của chiều sâu môi trường, của bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.

Khi được giới thiệu về Khu bảo tồn này, tôi tưởng tượng ra một khu nuôi nhốt lớn từng vuông nước với những loài thủy sản đặc hữu của vùng Đồng bằng sông Cửa Long, nhưng không phải như vậy, thay vào đó là từng đàn cá đủ loại, đủ kích cỡ bơi tung tăng trong lòng sông, hân hoan và rộn rã chào đón du khách trên lồng bè, như thể kể cho du khách cả những câu chuyện dài trong lòng sông thăm thẳm.

Ở phía trên, du khách vừa cho cá ăn, vừa cảm nhận sự kì thú của một vựa cá không có lồng trên lòng sông tự nhiên. Sự tương tác ấy không cần lời, nhưng lại như vị thuốc tự nhiên chữa lành rất công hiệu. Vì với những chú cá "hạnh phúc" ấy, ở đây, chúng được chăm sóc như thú cưng, thoát hẳn cảnh đối mặt với muôn trùng câu/xiệc/lưới/vợt/giã cào/chân vịt tàu thuyền ngoài tự nhiên.

Còn với du khách, cảm nhận những giọt nước bắn lên do cá quẫy, đồng thời chạm vào những chú cá đang mải đớp mồi giữa lòng sông, và được nghe giải thích về hình dạng, tập tính của từng loài cá là một khoảnh khắc thật phấn khích, hiếm có...

Môi trường, không chỉ là tự nhiên

Xét từ góc độ từ Hán Việt, không có từ nguyên nghĩa “môi trường”. Từ này có lẽ là một từ ghép thể hiện ý những gì bao quanh, làm cho sống của một sự vật, hiện tượng nào đó, nhưng từ nguyên Hán Việt để chỉ từ "môi trường" là từ “hoàn cảnh”, ý là tất cả những gì bao quanh, là tổng hòa những yếu tố tự nhiên và xã hội mà con người cần để tồn tại và nếu tốt thì phát triển.

Du lịch nông nghiệp cũng vậy. Cảm xúc của một du khách là tổng hòa những gì họ tiếp nhận được bằng tri giác, cảm giác. Trước khi quyết định dành thời gian, ngân sách để về một vùng quê nào đó, du khách sẽ tìm hiểu nhiều điều. Những điều ấy không chỉ là đánh giá hạng sao của cơ sở lưu trú hay những bình luận của những lữ khách trải nghiệm trước đó.

Nông trại Bò Bay ở Đài Loan với triết lý: 'Khi còn nhỏ, những đứa trẻ đến nông trại để vui chơi. Lúc trưởng thành đến nông trại để lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng. Về già tới nông trại để nghỉ ngơi'.

Nông trại Bò Bay ở Đài Loan với triết lý: “Khi còn nhỏ, những đứa trẻ đến nông trại để vui chơi. Lúc trưởng thành đến nông trại để lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng. Về già tới nông trại để nghỉ ngơi".

Khi đến nơi, môi trường, cảnh quan, mùi vị, nếp sống, con người, sự tương tác của vùng quê đều tác động vào tâm trí du khách. Và tất cả sẽ trở thành tổng hoặc hiệu của cảm xúc khi du khách đến được nông trại du lịch. Nông trại du lịch dù có đặc sắc đến mấy nhưng để đến nơi phải chuyển từ trạng thái êm ái, thuận tiện của đường cao tốc sang một con đường rác rến, kênh rạch lên màu, lên mùi, bà con không hòa thuận trong cuộc sống… thì chắc hẳn cảm xúc của du khách cũng sẽ không còn tích cực nữa.

Thay cho lời kết

Hãy tưởng tượng, một du khách đi du lịch về quê có thể:

Mở mắt ra thấy cảnh vật xanh mát, hài hòa, vịt bơi tung tăng trên dòng nước xanh mát điểm xuyết những khóm hoa súng. Dưới lòng sông, những “dòng” rong uốn lượn trong làn nước trong mát, thấp thoáng những chú cá bơi lội tung tăng, vừa tranh thủ kiếm phù du, vừa “núp lùm” tránh những chú vịt tinh mắt…

Rồi nhắm mắt lại, không cần đeo khẩu trang, hít sâu căng đầy lồng ngực, mùi của đồng quê, mùi của trong lành, nhuần nhị, đôi tai và tâm trí “nghe” thấy không chỉ tiếng gà cục tác, tiếng gọi nhau í ới đi làm đồng, lời chào của em nhỏ đi học về buổi trưa, mà còn cả tiếng vọng từ ngàn xưa.

Rồi bỗng mở mắt ra vì mùi thơm của cá đồng rán từ mái bếp nhà ai tỏa ra, làm cho tâm trí lại nhớ đến mâm cơm quê ngon lành, ngọt mát từ khẩu vị đến tình người… và cả vì tiếng bà gọi về ăn cơm vẳng xa đầu ngõ.

Lúc tạm biệt, được người bà “dúi” vào tay cái bánh luộc vội, gói trong lá chuối, nhưng cũng đã “kịp” dán lên một logo dễ thương, kèm mã QR-code thông tin, câu chuyện về truyền thống của làng. Nhân bánh thì làm từ loại đậu hữu cơ được xay bằng cối đá truyền thống, rồi logo là nhãn hiệu tập thể của xã… Hay một chiếc khăn thêu tên làng thoang thoảng hương bưởi mùa xuân, ấm đậm tình người…

Mong mỏi của mỗi người khi đi du lịch ở nông thôn, chắc cũng cần đến thế mà thôi, bà con ạ. Bởi vậy, hãy bắt đầu từ làm tốt nông nghiệp, làm sạch làng quê, đưa mọi thứ về nguyên bản, để vạn vật thuận thiên, như những gì vốn có từ hàng ngàn năm trước; kết hợp với sử dụng những công cụ quảng bá hiện đại, tạo ra những giá trị mới từ hạt lúa, con gà, mảnh vườn; cùng với đó là tinh thần đoàn kết hợp tác, cùng nhau sung túc thêm về vật chất, văn minh hơn về tâm hồn.

Du lịch nông nghiệp, không phải là chỉ chăm chút cho mảnh vườn của mình, thửa ruộng của mình đẹp lên, trong lành hơn, không còn "rau hai luống, lợn hai chuồng" mà còn là cả một vùng quê, cả đất nước cùng sáng đẹp, thú vị, cùng hòa thuận, cùng văn minh, cùng trong lành để tất cả cùng tốt đẹp...

Mùa xuân năm 2025

Xem thêm
Chè tăng tốc vào thị trường Hoa Kỳ

Quý I/2025, xuất khẩu chè sang Hoa Kỳ tăng nhẹ nhờ chưa chịu thuế đối ứng, mở ra nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp kịp đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu.

Không nóng vội trước những thông tin tuyển dụng khó kiểm chứng

HÀ NỘI Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, người lao động cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng khó kiểm chứng.

Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái - vượt khó cùng người dân và doanh nghiệp

Trước những khó khăn do thị trường và thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, Agribank Yên Bái đã có nhiều giải pháp đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.