Thời gian qua, các điểm đến lịch sử nổi tiếng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ đã được đầu tư, nâng cấp; du lịch sinh thái và tâm linh đang được khai thác ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân bắt đầu quan tâm hơn tới việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Tận dụng những nét đặc sắc trong phong tục, tập quán, đời sống văn hóa và cảnh quan của từng thôn bản, mô hình du lịch cộng đồng đang tạo ra sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.
Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, giàu sắc màu. Khai thác những giá trị đó một cách hợp lý không chỉ giúp bảo tồn truyền thống văn hóa mà còn góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Du lịch cộng đồng phát triển bền vững nhờ giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ảnh: Lưu Học.
Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Du lịch cộng đồng không chỉ là cách để gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc mà còn là sinh kế bền vững cho người dân. Đặc biệt, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đây là yếu tố then chốt để tạo ra một môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn và lâu dài.
Phát huy lợi thế loại hình du lịch cộng đồng các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản của đồng bào dân tộc Thái, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Phiêng Lơi, Mển, Him Lam 2 để xây dựng mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, những mô hình ban đầu này còn mang tính sơ khai, chủ yếu phục vụ tham quan, thưởng thức ẩm thực mà chưa chú trọng đến dịch vụ lưu trú và trải nghiệm dài ngày.
Hiện nay, khi đời sống người dân từng bước được nâng cao, nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, bài bản là yêu cầu cấp thiết. Việc đầu tư hạ tầng, đào tạo kỹ năng, đồng thời huy động người dân tham gia vào các hoạt động du lịch một cách chủ động là hướng đi cần được chú trọng.

Tại bản du lịch cộng đồng du khách được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Trần Hương.
Tham gia du lịch cộng đồng tại các bản làng của Điện Biên, du khách không chỉ được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc, mà còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân. Từ những bữa cơm truyền thống, đến việc tham gia sinh hoạt, lao động thường ngày như đan lát, dệt vải, rèn sắt… Du khách cũng có thể mua các sản phẩm thủ công truyền thống như khăn Piêu, túi xách, những món quà lưu niệm đậm chất văn hóa địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú, 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay và nhiều điểm vui chơi, dã ngoại… Các cấp, ngành đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, học hỏi mô hình du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức và năng lực làm du lịch cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân đón tiếp khách, chỉnh trang nhà cửa, nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn cảnh quan bản làng.
Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân, cùng sự đầu tư bài bản, du lịch cộng đồng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Điện Biên. Việc khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng chính là giải pháp thiết thực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa hình ảnh Điện Biên đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.