| Hotline: 0983.970.780

Đồng hành với chính quyền địa phương trong quản lý đất đai

Chủ Nhật 13/07/2025 , 07:59 (GMT+7)

Bộ NN-MT đã có nhiều giải pháp chủ động nhằm đảm bảo sự vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả chính sách đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Trước những yêu cầu mới đặt ra từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt trong lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều giải pháp chủ động nhằm đảm bảo sự vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xung quanh nội dung này.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai cho biết, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nên cần chuẩn bị kỹ để tránh những vướng mắc, đình trệ trong quản lý nhà nước. . Ảnh: Trường Giang.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai cho biết, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nên cần chuẩn bị kỹ để tránh những vướng mắc, đình trệ trong quản lý nhà nước. . Ảnh: Trường Giang.

Đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương

Thưa bà, trước khi chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7/2025, Bộ đã chuẩn bị những gì để hỗ trợ các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai?

Chúng tôi xác định lĩnh vực đất đai là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ dễ dẫn đến vướng mắc, thậm chí là đình trệ trong quản lý nhà nước.

Ngay từ khi có chủ trương vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, Cục Quản lý đất đai đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để đề xuất việc phân cấp phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Trên cơ sở đó, Cục đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư 23/2025/TT-BNNMT quy định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và Quyết định 2304/QĐ-BNNMT công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cục Quản lý đất đai luôn chủ động đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương nhằm đảm bảo sự liên thông, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Cục cũng tham mưu Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương liên quan tới công tác quản lý đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại quy trình, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, đồng thời đào tạo cán bộ phù hợp với nhiệm vụ mới.

Đặc biệt, Cục đã chủ động xây dựng và ban hành “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp”. Đây là tài liệu thiết thực giúp các địa phương nắm rõ quy định, thẩm quyền, quy trình, từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền mới. Đồng thời người dân cũng hiểu hơn về các thủ tục hành chính để thuận tiện hơn trong thực hiện. 

Sổ tay giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 hình dung được hết các công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

Sổ tay giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 hình dung được hết các công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

 Bà có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung của Sổ tay này?

 “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp” gồm hai phần chính:

Phần I là hệ thống hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn về đất đai ở cấp tỉnh, cấp xã. Với nội dung tại Phần I thì không chỉ là thẩm quyền, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP, mà còn tổng hợp thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã đã được quy định trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật không phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong Nghị định số 151/2025/NĐ-CP, có như vậy chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 mới hình dung được hết các công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phần II trình bày chi tiết quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất và giao rừng; cho thuê đất và cho thuê rừng; chuyển hình thức giao đất, cho thuê đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; cung cấp dữ liệu thông tin, dữ liệu đất đai cấp tỉnh; thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất; sử dụng đất đa mục đích; giải quyết tranh chấp đất đai… sẽ giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã dễ hiểu, dễ thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh, xã trong quản lý đất đai

Bà có thể cho biết cụ thể hơn về thẩm quyền, nhiệm vụ lĩnh vực đất đai khi của địa phương khi thực hiện chính quyền hai cấp?

Sổ tay đã cụ thể hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh, xã trong quản lý đất đai.

Theo đó, đối với cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh có 6 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp tỉnh có 50 thẩm quyền, nhiệm vụ; riêng Chủ tịch UBND cấp tỉnh có 37 thẩm quyền, nhiệm vụ; Sở Nông nghiệp và môi trường có 15 thẩm quyền, nhiệm vụ. Đồng thời cũng hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai, Tổ chức Phát triển quỹ đất.

Đối với cấp xã, HĐND cấp xã có 4 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp xã có 45 thẩm quyền, nhiệm vụ; riêng Chủ tịch UBND cấp xã có 44 thẩm quyền, nhiệm vụ và cơ quan quản lý đất đai cấp xã có 19 thẩm quyền, nhiệm vụ.

Việc làm rõ vai trò từng cấp, từng vị trí nhằm bảo đảm thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.

Việc phân cấp, phân quyền đã làm rõ vai trò từng cấp, từng vị trí nhằm bảo đảm thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

Việc phân cấp, phân quyền đã làm rõ vai trò từng cấp, từng vị trí nhằm bảo đảm thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

Một trong những vấn đề người dân hết sức quan tâm là vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thẩm quyền này được chuyển về cấp xã. Xin bà cho biết trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được hướng dẫn trong Sổ tay?

Trong Sổ tay đã hướng dẫn trình tự, thủ tục về nội dung này gồm 16 bước đảm bảo đúng thẩm quyền, rõ trách nhiệm và công khai, minh bạch trong từng khâu.

Cụ thể, quy trình bắt đầu bằng việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất (Bước 1), UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp với người dân để phổ biến thông tin và tiếp nhận ý kiến (Bước 2), ban hành và gửi thông báo thu hồi đất (Bước 3), tiến hành kiểm đếm tài sản, đo đạc, điều tra thực địa, trong trường hợp người dân không hợp tác, chính quyền xã thực hiện vận động, thuyết phục nếu không hiệu quả, ra quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức cưỡng chế kiểm đếm nếu cần thiết (Bước 4).

Sau đó, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Bước 5) và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 30 ngày (Bước 6), lấy ý kiến người dân trong khu vực có đất thu hồi (Bước 7), thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Bước 8) và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Bước 9)

Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với UBND cấp xã phổ biến, niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. (Bước 10), gửi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi ghi rõ mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (Bước 11), thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư (Bước 12).

Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định (Bước 13), trường hợp người có đất thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt thì sẽ vận động trong thời gian 10 ngày, quá thời hạn Chủ tịch UBND cấp xã sẽ ban hành quyết định thu hồi đất (Bước 14), trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sẽ vận động trong thời gian 10 ngày, quá thời hạn Chủ tịch UBND cấp xã sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Bước 15).

Cuối cùng, Tổ chức phát triển quỹ đất, Chi nhánh Tổ chức phát triển quỹ đất khu vực, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý đất đã được thu hồi trong khi chưa giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 5 Điều 86 của Luật Đất đai (Bước 16).

Vậy còn trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu do cấp xã thực hiện được hướng dẫn ra sao, thưa bà?

Sổ tay hướng dẫn cụ thể việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 3 bước, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Theo đó, người có nhu cầu đăng ký nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Có thể nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu, nộp bản sao đã công chứng/chứng thực, hoặc nộp trực tuyến nếu hồ sơ đã được số hóa. Nếu nộp bản sao, khi nhận kết quả phải xuất trình bản chính (Bước 1)

Sau khi tiếp nhận, cơ quan giải quyết thủ tục kiểm tra thành phần hồ sơ, cấp giấy hẹn trả kết quả hoặc yêu cầu bổ sung nếu còn thiếu. Hồ sơ sau đó được chuyển về UBND cấp xã nơi có đất để tổ chức xác minh (Bước 2).

UBND cấp xã có trách nhiệm trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính, xác nhận hiện trạng sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, phù hợp quy hoạch, nguồn gốc sử dụng đất (nếu không có giấy tờ), đồng thời thực hiện niêm yết công khai kết quả rà soát tại trụ sở và khu dân cư trong vòng 15 ngày, kiểm tra việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy chứng nhận và chuyển Giấy chứng nhận cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người dân. (Bước 3).

Thời gian giải quyết thủ tục được rút gọn đáng kể, đối với đăng ký đất đai lần đầu không quá 17 ngày làm việc. Đối với đăng ký đất đai kèm cấp Giấy chứng nhận không quá 20 ngày làm việc. Với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc…

Trân trọng cảm ơn bà!

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng trình Chính phủ Nghị quyết về tháo gỡ, xử lý vướng mắc để triển khai các dự án trong thời gian Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt điều chỉnh và  Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, góp phần cho việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý.

Xem thêm
Bất động sản công nghiệp Việt Nam hút nhà đầu tư

Trong 6 năm (2019-2025), giá thuê kho xưởng công nghiệp tại Việt Nam tăng tới 70%, thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Du lịch phục hồi - Cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng

Sự phục hồi của ngành du lịch đang thúc đẩy mỗi quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường bất động sản đang tạo chu kỳ phát triển mới

Sau giai đoạn dài trầm lắng, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã bắt đầu 'hồi sinh' với những tín hiệu tích cực, tạo một chu kỳ phát triển mới.

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt tốc độ cao để tránh di tích

Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh.

Xem xét không tính thu bổ sung 5,4%/năm do chậm xác định giá đất

Bộ Tài chính đang phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi quy định thu bổ sung 5,4%/năm do chậm xác định giá đất cho phù hợp thực tế.

Bình luận mới nhất