Ai rõ việc, hiểu việc nhất thì giao
Kết luận Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cường độ, tần suất và tác hại của thiên tai ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: Trần Hải/Báo Nhân dân.
Thông qua thực tế như tình huống khẩn cấp tại đập thủy điện Thác Bà, đê Hoàng Long…, Thủ tướng đúc rút, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ nguyên tắc "3 phải". Đó là phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố. Ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn và hiệu quả. Khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện và toàn phần.
Thông qua kết nối, trao đổi trực tiếp với các xã, đặc khu tại phiên họp, Thủ tướng bày tỏ yên tâm trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, thông suốt, những nỗ lực triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bảo vệ tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản.
Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cũng như kinh nghiệm trong công tác dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, theo dự báo, diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp; công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 và những năm tiếp theo đặt ra các yêu cầu nhiệm vụ hết sức cấp bách và toàn diện.
Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ này đòi hỏi một cuộc cách mạng thực sự. Trong đó, phải thay đổi tư duy, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện thể chế; tạo đột phá về năng lực; đặc biệt, củng cố toàn diện từ cơ sở, xây dựng cấp xã thực sự trở thành một “pháo đài” vững chắc, đủ năng lực tự ứng phó hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".

Theo Thủ tướng, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ nguyên tắc "3 phải". Ảnh: Trần Hải/Báo Nhân dân.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp cùng các cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chủ động tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, địa bàn được giao, nhất là thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao; không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương theo nguyên tắc “ai rõ việc, hiểu việc nhất thì giao” với phương châm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, bảo đảm phân công “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Địa phương là 'pháo đài', lãnh đạo là 'tư lệnh'
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; phối hợp tuyên truyền về phòng thủ dân sự; triển khai Hệ thống Tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trần Hải/Báo Nhân dân.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa theo quy định; nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng sự cố, thảm họa để kích động chống phá.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; cứu trợ đột xuất các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai, thảm họa; chủ trì công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thực hiện nhiệm vụ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông; chỉ đạo, tổ chức xây dựng tài liệu, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến, thông tin truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự…

Chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc khu là “pháo đài”, là tuyến đầu quyết định thành bại trong phòng thủ dân sự. Ảnh: Phạm Hiếu.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố, thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp lập Quỹ Phòng thủ dân sự, cân đối ngân sách bố trí cho các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp hiệu quả tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự; các cơ quan thông tấn, báo chí, nòng cốt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về phòng thủ dân sự, phối hợp xây dựng đề án về công tác này…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải là một "tư lệnh trên chiến trường", chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về công tác phòng thủ dân sự. Thủ tướng chỉ rõ, chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc khu là “pháo đài”, là tuyến đầu quyết định thành bại. Do đó, cấp xã phải xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ; lập phương án sơ tán "rõ đến từng nóc nhà”; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất để người dân chủ động, phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả; chủ động hậu cần tại chỗ; tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết…
"Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão, phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng, ví dụ như: 'Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!", Thủ tướng nhấn mạnh.