| Hotline: 0983.970.780

Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, cháu nhé

Thứ Tư 06/03/2019 , 09:28 (GMT+7)

Ta nên bỏ qua công ngoại công nội, bỏ qua chuyện vay trả trong thôi nôi, bỏ qua chuyện sao đông thế đi. Nhất định phải làm một bữa tiệc ngày dương để cho chồng cháu vui, cho nhà nội khoe cháu trai. Nhưng phải vừa vừa, kẻo người ta trông vào, chướng mắt.

Cô Dạ Hương kính mến!

Vợ chồng cháu cưới nhau đầu năm 2015. Ban đầu kế hoạch hai năm hãy mang bầu, cho công việc và nhà cửa ổn định. Nhưng khi không kế hoạch nữa thì không dễ đậu thai. Đã nghĩ đến chuyện đi khám cả hai xem sao nhưng tháng 8/2017 cháu cấn thai. Lý ra cháu sanh vào tháng cuối tháng 4/2018 nhưng thai yếu, sinh sớm, đứa con chỉ có 2 ký 9.

Nuôi con khó, chồng cháu là đích tôn của họ anh nên bên nội vừa mừng vừa chăm chút quá. Nhưng ba má cháu thấy cháu sức khỏe kém, con sinh sớm nên đem về bên ngoại nuôi. Hai bên hục hặc ngầm với nhau từ đây nè cô. Cháu nghỉ hộ sản đúng chế độ, đi làm thì má cháu nuôi con cho cháu. Kệ, ông bà nội của đứa nhỏ có phụng phịu cháu cũng không ngại. Lá rụng về cội, đúng không cô?

Theo âm lịch hay dương lịch, chuyện không ngấm ngầm nữa mà lộ ra khi bàn đến chuyện thôi nôi của đứa nhỏ. Lu xà bù, nói theo cách nói của người nhà chồng cháu. Đâu có gì mà gọi là lu xà bù cô, chuyện của mình, cháu của mình, mình muốn làm thôi nôi kiểu gì chẳng được?

Nhưng chồng cháu lại đứng về phía ba mẹ của anh. Phải làm hai lần. Ngày âm cúng mẹ sanh mẹ độ, xôi chè, cháo vịt. Ngày dương phải để anh ấy mời bạn bè cơ quan của hai vợ chồng. Trời ơi, làm gì mà cồng kềnh vậy cô?

Sao không chỉ một ngày âm vừa cúng kiếng, vừa mời dân phố, họ hàng gần gũi hai bên là xong. Nhưng anh ấy nói, anh đi thôi nôi con người ta hoài rồi, con mình không mời người ta hỏi, người ta bàn tán, người ta nói mình tiếc miếng ăn.

Cháu oải còn hơn khi nuôi con nhỏ nữa cô. Cháu bà ngoại Io nhưng quyền nằm ở nhà nội nó, có nghịch ý không? Cũng không bao lâu nữa sẽ đến ngày sinh nhằm âm lịch của nó, cháu muốn nghe ý kiến của cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Có mấy chuyện trong lá thư này, cô nghĩ, phải tách bạch ra để viết kỹ cho cháu.

Thứ nhất, cháu bà nội tội bà ngoại. Muôn đời như vậy. Vì sao? Vì con gái mình đẻ, ngày xưa trong Nam mình gọi là “nằm chỗ”, bà mẹ tìm mọi cách đưa con về để chăm, không thì con gái cũng xin nhà chồng về ngoại, hoặc nhà chồng nó tâm lý mở lời cho.

Không ai chăm con bằng mẹ, nhất là khi nó bầu bì ột ệch, đau đớn, banh da xẻ thịt và nuôi con nhỏ, mất ăn mất ngủ. Người chăm không tủi thân, người nhà nội đầy thông cảm nhưng người đời vô tư, đúc kết không sai, thậm chí câu này còn chí lý hơn “bên nội không vội gì thương”.

Thứ hai, thôi nôi phải căn cứ vào ngày âm, ấy là quan niệm truyền thống. Không thì chỉ gọi là sinh nhật, sinh nhật gọi theo tây, tân thời. Thông thường, các em bé của mình hay được làm thôi nôi dù không nuôi trong nôi mà nuôi võng, nuôi giường.

Ngoài Bắc gọi là “chẵn năm”. Trong Nam có lệ cúng thôi nôi, mụ bà, xôi chè và cháo vịt (có lẽ vì gắn với sông nước nên gần gũi con vịt, ngoài Bắc không ai dùng con vịt trong việc cúng cả). Vậy nhé, mình thống nhất, thôi nôi là việc của thủ tục ngàn xưa, nên làm để an tâm là mình có cúng bái, có cầu xin cho cháu nó lớn lên khỏe mạnh. Thôi nôi căn cứ vào ngày âm.

Thứ ba, vì sao chồng cháu và nhà chồng muốn tổ chức theo ngày dương, rộng rãi? Là vì họ quá vui mừng có đích tôn, sinh sớm, nhẹ cân và nó đã qua một năm khó khăn của nó. Đã làm rộng thì theo quan niệm tân thời, phải ngày dương, thậm chí xếp méo ngày đó đi, làm ngay ngày nghỉ cũng không sao.

Vì đã cúng cầu cho cháu ngày thôi nôi rồi, còn lại, tổ chức khi nào chả được, miễn vui, hợp lý, cho mọi người dễ thu xếp đến. Ấy là cách làm thực tế của người mình hiện nay.

Chỉ còn lấn cấn chút ở những mâu thuẫn nhỏ, ví như ngoại có công mà nội quyết định hết, ví như chồng cháu nói mình đi mừng con nhà người ta mãi rồi, mình phải mời lại cho vui lòng nhau chứ, ví như mời ra sao, đối tượng nào, bao nhiêu mâm.

Ta nên bỏ qua công ngoại công nội, bỏ qua chuyện vay trả trong thôi nôi, bỏ qua chuyện sao đông thế đi. Nhất định phải làm một bữa tiệc ngày dương để cho chồng cháu vui, cho nhà nội khoe cháu trai. Nhưng phải vừa vừa, kẻo người ta trông vào, chướng mắt.

Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, cháu nhé. Kẻo thông gia hiềm khích, kẻo vợ chồng bất hòa vì một chuyện lý ra phải vui, rất vui, cháu nhé.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Thân phận gái nghèo chọn chồng cùng cảnh ngộ

Thân phận gái nghèo luôn mang nhiều mặc cảm và âu lo thường ngày, cho nên khi bước vào hôn nhân cũng có những dằn vặt xót xa ít ai đồng cảm.

TP.HCM thêm một bệnh viện nhận chứng nhận Vàng đột quỵ thế giới

Ngày 10/5, Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng trong hai quý liên tiếp năm 2025 cho Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất