| Hotline: 0983.970.780

Công nhân lành nghề ở Bắc Giang: ‘Muốn xin nghỉ còn khó’

Thứ Hai 13/02/2023 , 08:14 (GMT+7)

Thiếu nhân công, khó tuyển mới, là những yếu tố khiến nhiều công nhân có kinh nghiệm ở Bắc Giang muốn xin nghỉ cũng khó, chứ chưa nói tới chuyện không có việc làm.

Empty

Trong làng Mi Điền, những khu nhà trọ như nơi Phương ở gần như lúc nào cũng kín phòng. Ảnh: Tùng Đinh.

Muốn nghỉ cũng khó

“Ở đâu công nhân phải nghỉ vì không có việc làm thì tôi không rõ, nhưng xóm trọ này chừng chục người làm ở các khu công nghiệp, chúng tôi muốn xin nghỉ còn khó khăn. Doanh nghiệp đăng tuyển liên tục nhưng vẫn thiếu người làm”, H.T.Phương, một nữ công nhân ở xã Mi Điền, Bắc Giang, nói.

Phương không có cuối tuần, dù là thứ Bảy hay Chủ nhật. Nữ công nhân quê ở Hữu Lũng đã có 9 năm kinh nghiệm làm cho doanh nghiệp Trung Quốc trong khu công nghiệp Bắc Giang. Nếu là ca ngày, giờ làm việc của Phương bắt đầu từ 8h sáng đến 8h tối. Ca đêm thì ngược lại, mỗi ngày cô làm 12 giờ, 8 giờ theo quy định và 4 giờ tăng ca, do nhiều việc.

Vì là lao động lành nghề, Phương không thiếu việc. Cô từng nghỉ sinh hồi 2021. Con thứ hai mới 11 tháng, cai sữa, Phương lại đi làm.

Trước đó một năm, Phương xin nghỉ suốt thời gian có bầu. “Để con mình khỏe, nếu xin nghỉ có chế độ thai sản thì phải làm thêm vài tháng. Vợ chồng tôi không muốn phiền công ty”.

Phương gần như có việc làm ngay sau khi quay lại Mi Điền. Lần này là một doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng Mặt trời. Tổng thu nhập một tháng chừng 10 triệu, Phương nói con số này lớn gấp đôi nếu so với làm nông ở quê.

Căn phòng trọ cho mình Phương rộng chừng 9m2. Vệ sinh khép kín. Một chiếc bếp gas mini. Dăm cái bát, nồi xoong. Chừng ấy là đủ với một công nhân gần như ở xưởng nhiều hơn ở nhà.

900.000 đồng là số tiền Phương phải trả cho chủ trọ. Tiền điện, nước tính riêng. Ở ngôi làng 99% chủ nhà đều cho thuê trọ, giá điện nước đang là việc khiến chủ lẫn khách lo lắng. Dự kiến mức thu lũy tiến sẽ được áp dụng ở Mi Điền. Khi ấy, một số điện hay nước có thể lên đến hơn 3.000 đồng. Nhiều chủ trọ nói họ sẽ buộc phải tăng phí thuê.

Empty

Những phòng trọ ở các khu công nghiệp tại Bắc Giang thường xuyên đóng kín cửa vào buổi tối, phần vì ai cũng mệt, phần vì mọi nhu cầu giải trí đều có sẵn, không cần phải ra ngoài. Ảnh: Tùng Đinh.

Xa bố mẹ thành quen

Hai vợ chồng Phương đều đi làm ở các khu công nghiệp. Người chồng làm ở Bắc Ninh. Mỗi năm họ gặp nhau theo quý, hoặc theo đợt nghỉ lễ Tết. “Con tôi chắc nó biết bố mẹ đi làm xa. Đứa lớn đứa bé đều không quấy khóc nhiều mỗi khi bố mẹ rời nhà để đi làm. Vài tháng gặp một lần, cũng nhớ con, nhưng không còn cách nào khác”, Phương nói.

Sinh năm 1995, cô gái tuổi Ất Hợi ít khi giao lưu với mọi người xóm trọ. Ở xóm trọ này, và nhiều xóm khác, gần như công nhân về nhà đều đóng cửa. Điện thoại thông minh giờ ai cũng có một chiếc, ít ai ra ngoài trừ khi có việc, hơn nữa ai đi làm về cũng mệt, chỉ mong muốn nghỉ ngơi.

Phương kể dự định tương lai là tự học tiếng Trung Quốc, khi đó lương có thể thêm 2-3 triệu, lại có cơ hội thăng tiến hơn. “Ai cũng biết thế, nhưng giờ chồng con rồi, đủ thứ chi phối đầu óc, thời gian. Tôi cũng muốn học, nhưng không biết đủ kiên trì không nữa”, Phương nói.

Nếu không có thêm ngoại ngữ, Phương kể cô vẫn hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Chí ít, mỗi tháng hai vợ chồng gửi về nhà được gần 15 triệu, đủ cho ông bà nuôi hai cháu, dành dụm đôi chút để sau này có vốn làm ăn.

Phương chưa biết “làm ăn” là sẽ làm gì. Hiện tại, mục tiêu của cô là khỏe để đi làm. Còn khi nào hết sức, hoặc phải về chăm sóc, dạy dỗ con, cô chưa biết sẽ mưu sinh bằng cách nào. “Việc chẳng bao giờ hết đâu. Có kinh nghiệm rồi thì đi đâu cũng dễ. Nhiều khi nghỉ việc buổi sáng, chiều đã có chỗ mới gọi rồi. Về già làm gì thì chưa biết thôi”, nữ công nhân cười nói.

Phương bảo nhiều công ty tại khu công nghiệp Bắc Giang muốn tuyển lao động địa phương, nhưng khó. Dân số Bắc Giang trong độ tuổi lao động không nhiều, đa phần lại đều có việc làm, nên muốn tuyển mới không đơn giản. “Doanh nghiệp họ muốn lấy lao động địa phương, dù sao tiện lợi hơn so với chúng tôi ở tỉnh khác đến. Ở gần dễ gắn bó hơn”.

Empty

Quang cảnh một phòng trọ tầng 1, ốp gạch toàn bộ, có nóng lạnh, giá 1,1 triệu đồng/tháng ở làng Mi Điền. Ảnh: Tùng Đinh.

Không biến động về nhân lực

Đầu làng Mi Điền, có một quán ăn chuyên các món Trung Quốc. Khách tới đây đa phần là người đến từ phương Bắc. Chủ quán, ông Lý Quốc Hữu, cho biết bán tại nhà hàng chỉ là một phần doanh thu. Nguồn thu lớn nhất đến từ việc bán các suất ăn cho công nhân tại khu công nghiệp.

“Nhân sự doanh nghiệp là chuyện nội bộ, tôi không nắm rõ vì nó hơi nhạy cảm. Song cứ so mức đặt suất ăn trước và sau Tết, thì không biến động. Có đơn vị giảm từ 3.000 suất xuống 2.800, song hoàn toàn có thể do lượng kỹ sư, chuyên gia từ Trung Quốc phải cuối tháng 1 âm lịch mới sang”, Lý nói.

Nhiều năm kiếm sống bằng bán suất ăn cho công nhân, ông Lý nói các doanh nghiệp lớn “đa phần không biến động nhiều” về nhân sự. Các đơn vị có biến động, thường là sống bằng đơn đặt hàng. Có đơn thì bắt đầu tuyển nhân công, hết đơn lại nghỉ. “Mấy công ty kiểu đó thường chỉ vài chục đến 100 người. Hết ‘mùa vụ’ lại thôi. Còn đơn vị nào đã đặt đến 1.000 suất trở lên, hiếm khi có thay đổi lớn. Thực ra là tôi chưa thấy bao giờ”, Lý kể.

Thêm một minh chứng nữa là phòng trọ trong làng Mi Điền gần như lúc nào cũng kín người thuê, dù là thời điểm vừa ra Tết, vốn được cho là ít việc hay vẫn trong “tháng ăn chơi”. Trong khu nhà trọ sát cổng làng, hơn 30 phòng chỉ còn trống 1 – 2 chỗ nhưng cũng đã có người đặt cọc và sớm chuyển đến.

Ở khu trọ này, dưới tầng 1 có giá 1,1 triệu đồng/tháng, có bình nóng lạnh, từ tầng 2 lên đến tầng 4, giá giảm dần, lần lượt là 900.000 đồng, 850.000 đồng rồi đến 800.000 đồng mỗi tháng, nhưng không có nóng lạnh như tầng 1. Ở đây, điện nước đồng giá, điện 3.000 đồng/số, nước 1.500 đồng/khối.

Empty

Những cuộc tuyển dụng trực tuyến đang giúp những công nhân bị mất việc có cơ hội tìm được vị trí tốt hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Khó khăn xen lẫn cơ hội

Theo thống kê của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, tính đến ngày 30/1 vừa qua, tổng số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết là 365/403 doanh nghiệp; tổng số công nhân lao động đi làm khoảng 157.000/175.000 công nhân lao động, đạt 90%.

Mặc dù vậy, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, dự báo sau Tết Nguyên đán năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong KCN vẫn còn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử và các doanh nghiệp điện tử.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp, sau Tết các doanh nghiệp sẽ tăng cường tìm kiếm đơn hàng, đồng thời tiếp tục duy trì, giữ chân lao động”, ông Thắng thông tin thêm.

Để góp phần giải quyết sớm các khó khăn còn tồn tại này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang vừa tổ chức phiên giao dịch đầu xuân, kết nối với 10 địa phương và hàng chục doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển khoảng 60.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm cho biết, các vị trí được tuyển dụng rất đa dạng, từ phổ thông đến kỹ thuật, công nghệ cao và dự kiến tại đầu cầu Bắc Giang các nhà tuyển dụng sẽ tìm được 60 - 70 % nhân công cần thiết.

Trong bối cảnh công nhân bị mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm quy mô thời gian qua, ông Huế cho biết các phiên giao dịch việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, không chỉ trong tỉnh Bắc Giang mà còn với các địa phương khác trong cả nước.

“Qua những phiên giao dịch như thế này, người lao động đã mất việc làm có thể tìm được vị trí mới, phù hợp hơn, thu nhập tốt hơn so với công việc cũ”, ông Huế phân tích thêm.

Ví dụ như chị Bùi Thị Thà, ở xã Đan Hội (huyện Lục Nam, Bắc Giang), sau khi tìm được việc làm tại phiên giao dịch, Trà nói: “Tôi làm công nhân trong doanh nghiệp điện tử ở Bắc Ninh được hơn 5 năm thì quyết định xin nghỉ vì nhà xa, con nhỏ. Từ cuối năm 2022, tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang để làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp thì được cán bộ đơn vị tư vấn tìm việc mới.

Có phiên giao dịch hôm nay, tôi đến phỏng vấn và vừa được bộ phận nhân sự một công ty điện tử ở KCN Quang Châu tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng. Có mức lương, phụ cấp thỏa đáng, lại có xe đưa đón tận nơi nên tôi yên tâm với việc làm mới”.

Quản lý nhân sự của một công ty Trung Quốc đại lục và một công ty Đài Loan, độc lập với nhau, nhận xét rằng công nhân Việt Nam khéo léo, song điểm yếu lớn nhất là thiếu kỷ luật. “Chúng tôi có cảm giác một số công nhân Việt Nam làm việc không nghĩ đến ngày mai. Hôm nay có bao nhiêu là tiêu bằng hết. Từ ăn nhậu đến cờ bạc, và nhiều thứ khác nữa. Họ hình như ít nghĩ đến tích lũy, hoặc cố gắng học thêm về ngoại ngữ hay chuyên môn”, hai quản lý nói.

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.

Trắng đêm săn cá mòi ngược nước sông Lam

Đêm, khi mọi người vào giấc ngủ thì trên sông Lam, người dân các làng chài vẫn lặn lội với công việc mưu sinh: săn cá mòi ngược nước.