Gieo niềm tin từ “vốn mồi” ban đầu
Trong chuyến công tác và tiếp xúc cử tri đầu tháng 7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai xã Trạm Tấu và Hạnh Phúc của tỉnh Lào Cai.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tặng quà cho gia đình anh Giàng A Mang, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, tháng 7/2025. Ảnh Khương Trung.
Tại hội trường xã Hạnh Phúc, trong buổi gặp gỡ, lắng nghe và trả lời ý kiến của người dân, những chia sẻ chân tình của Bộ trưởng cùng câu chuyện của người dân đã níu chân chúng tôi nán lại lâu hơn.
Cũng từ những câu chuyện cảm động ấy, chúng tôi quyết định trở lại thăm hai hộ gia đình chị Đồng Thị Dưỡng (ở tổ 3, xã Hạnh Phúc) và anh Giàng A Mang (thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu) để lắng nghe những trải lòng của họ về giấc mơ có một mái nhà vững chãi đã thành hiện thực, điều tưởng chừng như quá xa xôi với họ trước đây.
Chị Đồng Thị Dưỡng, người phụ nữ dân tộc Thái kể lại chặng đường cơ cực của mình với đôi mắt hoe đỏ. Ngày ấy, vì lấy chồng sớm, rồi con cái liên tiếp chào đời, cuộc sống cứ quẩn quanh thiếu trước hụt sau. Căn nhà sàn tạm bợ là nơi trú ngụ suốt bao năm. Những đêm mưa gió, không điện, không chồng bên cạnh, chị ôm các con run lên vì sợ đất lở, sợ mái nhà tốc theo gió.

Sau nhiều năm mơ ước, gia đình chị Đồng Thị Dưỡng (ở tổ 3, xã Hạnh Phúc) đã có nhà mới khang trang để ở. Ảnh: Thanh Ngà.
Rồi ngày chị trở thành chủ nhân của một căn nhà cũng đến, vào cuối tháng 5 năm 2025. Nhờ khoản hỗ trợ 60 triệu đồng ban đầu, cùng sự giúp sức từ người thân, hàng xóm, cơ quan đoàn thể, vợ chồng chị dựng được một ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Không chỉ có cột, tường, mái che vững chãi, ngôi nhà còn có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đặc biệt có khu vệ sinh khép kín, điều mà trước đây hiếm có căn nhà của hộ đồng bào nào nơi đây có được. Chị bảo: “Không có sự giúp đỡ ban đầu của Nhà nước chắc giờ gia đình mình vẫn còn chui ra chui vào cái nhà cũ. Giờ có nhà mới rồi, mình vui lắm.”
Cũng như gia đình chị Dưỡng, vợ chồng anh Giàng A Mang, người dân tộc Mông cũng dựng được căn nhà mới với nguồn hỗ trợ ban đầu. Có “vốn mồi”, anh chị vay mượn thêm, rồi được chính quyền và bà con trong bản góp ngày công giúp đỡ, từng viên gạch, từng tấm lợp dần hình thành nên căn nhà cấp bốn khang trang, ấm cúng. Từ khi có chỗ ở ổn định, con cái có điều kiện học hành tử tế hơn, vợ chồng anh cũng yên tâm lao động, phát triển kinh tế.
Lan tỏa sức mạnh cộng đồng
Với phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” và phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc xóa nhà dột nát, từng bước hiện thực hóa giấc mơ an cư cho các hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng và những gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai còn khó khăn về nhà ở.

Ngôi nhà còn có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đặc biệt có khu vệ sinh khép kín, điều mà trước đây hiếm có căn nhà của hộ đồng bào nào nơi đây có được. Ảnh: Thanh Ngà.
Phong trào được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền mặt để xây dựng nhà mới. Cùng với đó, là sự góp sức của anh em, hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương, người góp công, người góp sức, người hỗ trợ vật liệu… tất cả cùng chung tay để mang đến cho bà con những mái ấm vững chắc, chan chứa nghĩa tình.
Ông Nguyễn Tiến Diều, Bí thư Chi bộ tổ 3, xã Hạnh Phúc chia sẻ đầy xúc động: “Ở vùng cao này, bà con mình sống rất tình cảm. Khi có hộ gia đình nào được hỗ trợ làm nhà, cả bản coi đó như việc chung. Không ai bảo ai, người góp gạo, người góp công, người thì cho mượn ít tiền. Mỗi mái nhà dựng lên không chỉ là chuyện riêng của một gia đình, mà là kết quả từ sự sẻ chia, từ cái tình nghĩa anh em trong thôn, trong bản.”

Chị Dưỡng phấn khởi vì vụ lúa năm nay gia đình được mùa, hứa hẹn đủ ăn và có phần để dành. Ảnh: Thanh Ngà.
Ông Nguyễn Tiến Diều nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự tự giác, đoàn kết của bà con đã tạo thành sức mạnh lớn giúp nhiều gia đình nghèo có được mái ấm ổn định. Ở đây, mỗi viên gạch, mỗi thanh gỗ đều chất chứa nghĩa tình. Chúng tôi coi đó là truyền thống tốt đẹp, là nếp sống không thể thiếu được nơi vùng cao này.
Theo ông, chính nhờ tinh thần “lá lành đùm lá rách” nhiều hộ trong tổ dân phố đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thắp lên hy vọng đổi đời
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Đồng Thị Dưỡng cho biết, vợ chồng chị đang tính nuôi thêm bò, lợn, gà để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Phần chồng chị sẽ cố gắng đi làm xa thêm vài tháng mỗi năm, tích góp để sớm trả xong khoản vay. “Giờ có nhà rồi, mình cũng phải cố gắng nhiều hơn để cuộc sống ngày một khấm khá”, chị Dưỡng bộc bạch.

Vợ chồng chị Dưỡng tính nuôi thêm bò, lợn, gà để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thanh Ngà.
Với anh Giàng A Mang, vợ chồng anh mong khỏe mạnh để đi làm đều, kiếm được tiền nuôi con. “Giờ có nhà rồi, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, mong sau này có cái ăn, cái mặc, cho con đi học,” anh Mang thật thà chia sẻ. Với anh, chỉ cần con được đi học, sau này biết cái chữ, biết làm ăn, là đã vui cái bụng lắm rồi.
Chính sách hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi hộ nghèo, cận nghèo làm nhà mới tưởng chừng là một con số khiêm tốn lại trở thành chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thoát nghèo.
Ông Giàng A Súa, Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Phúc, tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu (trước đây) đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành. Việc rà soát được thực hiện kỹ lưỡng để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. Mọi công việc đều minh bạch, công khai và đồng bộ từ kế hoạch đến khi triển khai.
Không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, địa phương còn huy động sự góp sức từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cả những người con xa quê. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy tối đa trong tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp ngày công, vật liệu. Nhà được xây dựng phù hợp tập quán, đảm bảo chất lượng và sử dụng lâu dài.

Diện mạo xã Hạnh Phúc đang từng bước đổi thay, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Ảnh: Thanh Ngà.
Một mái ấm ổn định không chỉ dừng lại ở việc có chỗ ở, mà còn là tiền đề để các em được học hành, người lớn yên tâm sản xuất. Từ nơi cư trú an toàn, bà con từng bước đầu tư phát triển kinh tế, mạnh dạn tiếp cận các chính sách mới, nâng cao đời sống tinh thần.
Nguồn “vốn mồi” tuy nhỏ nhưng mang theo thông điệp lớn “Nhà nước không làm thay cho người dân, nhưng luôn là điểm tựa để họ bắt đầu”. Chính sách ấy đã khơi dậy nội lực, lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường. Giấc mơ thoát nghèo giờ không còn xa, bởi họ đã có một nền móng vững chãi là căn nhà và niềm tin được đánh thức.