
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, trao quyết định cho Chủ tịch Hội Nông dân xã, phường, đặc khu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Thế Dương.
Chiều 7/7, tại Hội nghị họp mặt của Hội Nông dân TP.HCM, Chủ tịch Hội Nông dân các xã, phường, đặc khu trên địa bàn TP.HCM mới, chính thức nhận quyết định bổ nhiệm sau khi thành phố thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính của 3 địa phương: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.
Đây là dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đánh dấu bước vận hành mới của TP.HCM mới.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, khẳng định, đây là cuộc họp mặt rất đặc biệt, không chỉ là thủ tục hành chính, mà là khởi đầu mới cho một mô hình tổ chức hiện đại, hiệu quả, lấy người dân và hội viên làm trung tâm.
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, việc thành lập Hội Nông dân TP.HCM, kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chỉ định Chủ tịch, các Phó Chủ tịch cấp cơ sở được xem là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đổi mới tổ chức bộ máy - một cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Để đảm bảo sự vận hành liền mạch, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở, bà Trương Thị Bích Hạnh đề nghị các Chủ tịch Hội Nông dân xã, phường, đặc khu cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong hệ thống chính trị và hội viên nông dân về mô hình bộ máy mới, đảm bảo sự chuyển đổi suôn sẻ, tránh tâm lý hoang mang hay thụ động.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy chế hoạt động để phù hợp với mô hình hai cấp; thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, đồng thời huy động tối đa nguồn lực hội viên.
Xây dựng kế hoạch hoạt động Hội từ nay đến cuối năm 2025 với mục tiêu rõ ràng, trọng tâm, không dàn trải, bám sát chỉ đạo Trung ương về đổi mới phương thức tổ chức.
Đồng thời, chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 9. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội theo hướng hiện đại, linh hoạt và gần dân hơn.

Ông Nguyễn Thành Trung, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM trao quyết định cho Chủ tịch Hội Nông dân xã, phường, đặc khu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Thế Dương.
Đặc biệt, bà Trương Thị Bích Hạnh lưu ý, các hoạt động của Hội Nông dân cần gắn chặt với việc triển khai thực hiện 4 Nghị quyết đột phá của Bộ Chính trị về: khoa học công nghệ và chuyển đổi số (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 39), đổi mới xây dựng pháp luật (Nghị quyết 66) và phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Đây là kim chỉ nam để Hội Nông dân thực sự đồng hành cùng đất nước trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp bộ máy, thành phố xác định giai đoạn tới sẽ tiếp tục tái cấu trúc sâu bên trong các cơ quan chuyên môn và đơn vị hành chính cấp cơ sở.
"Mỗi cán bộ, đảng viên trong khối Mặt trận Tổ quốc thành phố và các xã, phường, đặc khu, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và với khát vọng mạnh mẽ, thực hiện hóa mục tiêu xây dựng bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc nói chung và Hội Nông dân nói riêng theo tinh thần tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thật sự là nơi đáng sống và góp phần quan trọng để đưa đất nước chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mặt và thịnh vượng của dân tộc", bà Trương Thị Bích Hạnh kỳ vọng.