| Hotline: 0983.970.780

Chống hàng giả trong tình hình mới

Thứ Hai 07/07/2025 , 17:30 (GMT+7)

Thủ đoạn kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, hàng giả thậm chí gắn cả tem chống giả, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và khó khăn cho lực lượng chức năng.

Ngày 7/7, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới”.

Các hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay hàng giả không còn giới hạn ở các nhóm sản phẩm xa xỉ như thời trang, mỹ phẩm, mà đã lan sang hầu hết các ngành, từ dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng đến linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, phân bón, vật tư nông nghiệp...các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả.

Không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, hàng giả còn lan rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua nhiều hình thức như thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ bao bì, nhãn mác cho đến chất lượng, nhiều mặt hàng giả còn được gắn cả tem chống giả, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - gian lận thương mại trong tình hình mới tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh

Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - gian lận thương mại trong tình hình mới tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh

Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 34,14%); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 8,64%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454 tỷ đồng (tăng 6,39%). Cơ quan chức năng khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 đối tượng (tăng lần lượt 192,15% và 70,99%).

Riêng trong tháng cao điểm từ 15/5–15/6/2025, đã xử lý 10.437 vụ vi phạm, trong đó có 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố 204 vụ với 382 đối tượng.

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Lan Anh

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Lan Anh

Ứng dụng công nghệ số vào phát hiện, xử lý vi phạm

Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng, chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng sản phẩm và chủ động bảo vệ thương hiệu bằng các giải pháp như đăng ký nhãn hiệu, sử dụng tem chống giả công nghệ cao, thiết kế bao bì riêng biệt. Các sàn thương mại điện tử phải tăng cường kiểm soát người bán, yêu cầu giấy tờ hợp lệ, hợp tác với chủ sở hữu nhãn hiệu, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và chịu trách nhiệm nếu để lọt hàng giả.

Triển lãm hàng thật, hàng giả. Ảnh: Lan Anh

Triển lãm hàng thật, hàng giả. Ảnh: Lan Anh

Về phía cơ quan chức năng, cần hoàn thiện pháp luật, siết chặt kiểm soát tại biên giới, sân bay, cảng biển. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để theo dõi hàng hóa từ nhập khẩu đến lưu thông nội địa, triển khai truy xuất nguồn gốc, mã định danh sản phẩm và dữ liệu chủ thể sở hữu.

Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận diện hàng thật – giả và không tiếp tay tiêu thụ hàng hóa vi phạm.

Ông Phạm Ngọc Sơn, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức cao điểm kiểm tra các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đồng thời, tập trung cập nhật thủ đoạn vi phạm mới, xây dựng cơ sở dữ liệu và công nghệ hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đang được giao xây dựng ứng dụng AI để phân biệt hàng thật – giả. Việc phối hợp với các hiệp hội ngành hàng và Sở Công Thương sẽ là yếu tố then chốt để ứng dụng sớm đi vào thực tế, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả trong thời gian tới.

Xem thêm
Bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là ‘bệ đỡ’ an sinh cho người lao động lúc mất việc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Bộ Tài chính chốt bàn giao tài sản công cấp huyện trong tháng 6

Việc bàn giao trụ sở, hồ sơ... sau sáp nhập đơn vị hành chính đang bước vào giai đoạn nước rút, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại bậc lũy tiến thuế thu nhập cá nhân

Biểu thuế lũy tiến, giảm trừ gia cảnh và cách tính thu nhập chịu thuế sẽ được Bộ Tài chính sửa đổi toàn diện, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bình luận mới nhất