
Hậu quả của cơn lũ hiện diện khắp xã Nhôn Mai. Ảnh: Ngọc Linh.
Cấp bách
Tâm tư hiện rõ trên nét mặt, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An khẳng định đây là những ngày khốn khó: “Nhôn Mai chúng tôi có 66 nhà dân bị trôi hoàn toàn, trên 200 hộ khác phải bố trí di dời khẩn cấp, hàng loạt công trình công cộng, đường giao thông, toàn bộ diện tích hoa màu, ruộng lúa, ao cá dọc tuyến khe Hỉ, khe Hồi Xá bị lũ cuốn mất dạng, tứ bề là khoảng không mênh mông.

Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai tâm tư về tình cảnh của đồng bào thời điểm này. Ảnh: Ngọc Linh.
Lũ qua 6 ngày rồi nhưng làng bản vẫn bị cô lập, các tuyến đường giao thông huyết mạch, thậm chí đường rừng đều bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng, nhiều điểm không thể đi lại, đồng nghĩa việc tiếp cận, hỗ trợ hết sức gian nan. Toàn xã có 21 làng bản, Hồi Tố 1, Hồi Tố 2, Hồi Xá, Phà Mựt..., tất cả đều cần sự ủng hộ, quan tâm của cộng đồng mới mong gượng dậy nổi”.

Tình hình sạt lở diễn ra khắp nơi. Ảnh: Ngọc Linh.
Nhu yếu phẩm là ưu tiên hàng đầu, sau nữa là bố trí nơi ăn chốn ở an toàn cho hàng trăm con người, để kham nổi khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi chính quyền xã Nhôn Mai phải nỗ lực, gắng sức 200 – 300%. Sau khi họp bàn, xã chủ động phân thành từng tổ công tác với sự tham gia của công an, bộ đội, biên phòng, các đoàn viên thanh niên… tất cả cùng xắn tay nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao.
Chính quyền cấp xã đã làm hết sức nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề cần những kế sách dài hơi, nội dung này vượt quá phạm trù của địa phương. Nhôn Mai cũng như phần đa các xã vùng biên khác, mang tiếng lắm núi nhiều sông nhưng diện tích đất ở vô vùng hạn hẹp, nay sạt lở xảy ra trên diện rộng đồng nghĩa quy mô càng nhỏ lại, tới đây bố trí tái định cư sẽ là câu chuyện dài kỳ.

Điện thoại của ông Nguyên đổ chuông liên hồi, bên kia đường dây là các nhà hảo tâm hỏi han tình hình. Ảnh: Ngọc Linh.
Bí thư Nguyên thừa nhận hiện tại trăm cái khó dồn lên vai, trong phạm vi của mình, chính quyền cấp xã sẽ nỗ lực hết mức để “mở đường”, qua đó tiếp nhận đầy đủ nguồn hàng cứu trợ để bàn giao cho bà con trong thời gian sớm nhất có thể”.
Vì dân ngại gì hiểm nguy
“Toàn xã bị cô lập cục bộ, nếu bó gối ngồi chờ sẽ kéo theo muôn vàn hệ lụy. Sau khi họp bàn kỹ lưỡng, chúng tôi thống nhất phương án mở đường tạm, chấp nhận băng rừng lội suối, một khi đến được bến sông tại bản Piêng Mựt sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn hàng cứu trợ.

Nếu bó gối ngồi chờ thì dân bản sẽ đói, bắt buộc chính quyền xã Nhôn Mai phải chủ động đi trước một bước để tiếp nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Ngọc Linh.
Nói qua tưởng dễ nhưng kỳ thực gian nan, trắc trở lắm. Khắp chốn sạt lở ngổn ngang, đất đá, bùn lầy dày đặc, có khi đang đi thấy đá lăn lông lốc từ trên đỉnh xuống mà thất kinh, những lúc như thế chân tay bủn rủn, tâm trí bất an nhưng nghĩ đến dân mình đang khổ lại vững tin bước tiếp. Trong đoàn nhiều anh em cũng nặng trĩu ưu tư, có những trường hợp nước ngập đến nửa nhà cũng gác lại đó để lo việc chung”, Bí thư Mạc Văn Nguyên chia sẻ.
Từ trung tâm xã Nhôn Mai đến bản Piêng Mựt ngót 25 km, chẳng kịp thở, toàn đoàn gấp rút chia lực lượng thành 3 tốp, phân bổ trên 3 chiếc xuồng nhỏ con con, cứ thế hiên ngang rẽ sóng, nối đuôi nhau ngót 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới đặt chân đến bản Xiềng Tắm của xã Mỹ Lý. Điểm đã này lập “chốt dã chiến”, trên vách dán sẵn thông tin, số điện thoại của lãnh đạo xã Nhôn Mai để các nhà hảo tâm tiện liên lạc.

Vì đồng bào, Vi Văn Sơn không ngại hiểm nguy. Ảnh: Ngọc Linh.
Đành rằng lũ đã qua nhưng dòng Nậm Nơn vẫn đầy rẫy hiểm nguy, nước chảy xiết, chốc chốc lại vỗ ầm ầm vào mạn thuyền khiến cả nhóm giật tung người. Anh Vi Văn Sơn, công dân bản Piêng Mựt dù kinh nghiệm dạn dày vẫn không dám chủ quan, lơ là.
“Tôi có thâm niên lái thuyền 10 năm rồi nên hiểu khúc sông này như lòng bàn tay. Bình thường chẳng nói làm gì nhưng khi gặp dòng nước chảy xiết, hay vòng xoáy thì tuyệt đối tránh xa, một sơ sẩy nhỏ là bỏ mạng như chơi. Vượt sông thời điểm này quả thực nguy hiểm, biết thế nhưng tình hình cấp bách lắm rồi, mình không đi thì bà con, làng bản đói khát, nghĩ đến đó làm sao thoái thác được”.

Nhu yếu phẩm được vận chuyển lên xuồng để đưa về cho bà con vùng lũ. Ảnh: Ngọc Linh.
Phụ trách lái thuyền có cả anh Kha Văn Mây, một người con khác của bản Piêng Mựt. Anh Mây kể, đồng bào nơi đây bao đời rồi vẫn dựng nhà, sống dọc 2 bên bờ Nậm Nơn, khi hiền hòa sông cho tôm cho cá, lắm khi giận dỗi lại nổi sóng đọa đày, thách thức, nhưng bất kể ra sao, đói no đến mấy đồng bào cũng có nhau.

Lãnh trách nhiệm chở hàng là Kha Văn Mây, một người con của bản Piêng Mựt. Ảnh: Ngọc Linh.
“Lũ quét tràn qua để lại hậu quả kinh hoàng, nhà nào cũng chật vật, điêu đứng. Tình trạng cô lập kéo dài đã nhiều ngày nay, đồ ăn, thức uống tích trữ cũng cạn kiệt rồi. Cánh thanh niên sức dài vai rộng còn gồng gánh, cầm cự được thêm chứ người già, trẻ nhỏ chịu sao nổi, bối cảnh ngặt nghèo càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm hơn”, anh Mây nói.