| Hotline: 0983.970.780

Nhói lòng vùng lũ miền Tây Nghệ An: Đồng bào kiệt sức rồi!

Thứ Sáu 25/07/2025 , 20:16 (GMT+7)

Tít tận biên viễn Mỹ Lý, Nhôn Mai cho đến Tương Dương, Khe Bố, Con Cuông… đều chung một nỗi niềm: Lũ dữ kinh hoàng quá.

Quần quật ứng phó hậu quả mưa bão suốt nhiều ngày trời, đồng bào mỏi mệt lắm rồi. Ảnh: Ngọc Linh.

Quần quật ứng phó hậu quả mưa bão suốt nhiều ngày trời, đồng bào mỏi mệt lắm rồi. Ảnh: Ngọc Linh.

Trận lũ lịch sử đã đi qua nhưng di chứng để lại vẫn còn đó, quần quật ứng phó gần 3 ngày trời, đồng bào vùng cao Nghệ An uể oải lắm rồi.

Đến trưa hôm nay, tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 7 cơ bản đã thông nhưng việc di chuyển vẫn rất khó nhằn, bùn lầy đặc quánh án ngữ tầng tầng lớp lớp. Dọc từ khu vực Khe Bố hắt lên Tam Quang, Tương Dương, Mường Xén,... đường trơn nhão nhoét tựa đổ mỡ, đi lại quá đỗi bất tiện.

Người điều khiển xe máy qua lại tròng trành như đánh võng, lắm lúc phải buông thõng cả 2 chân xuống dò dẫm từng mét. Đến tài xế ô tô cũng trầy trật khi di chuyển đến những vị trí lầy lội, bánh xe tiếp xúc với bùn trở nên nhẵn thín, khi đã mất độ ma sát thì tăng ga đến mấy cũng hóa công cốc.

Rác thải, bùn lầy, vật dụng hỏng hóc vẫn nằm vương vãi, ngổn ngang khắp lối. Ảnh: Ngọc Linh.

Rác thải, bùn lầy, vật dụng hỏng hóc vẫn nằm vương vãi, ngổn ngang khắp lối. Ảnh: Ngọc Linh.

Có thấy bí bách mới thấu hiểu phần nào nỗi lòng của bà con vùng lũ. Đồng bào đang thiếu thốn đủ bề (nhiều vùng không có điện, nước, sóng điện thoại, thiếu luôn cả vật dụng thiết yếu), áp lực bủa vây tứ phía. Đúng thôi, gắng gượng nhiều ngày kiệt sức là điều đương nhiên.

Còn nhớ trên thượng nguồn dội xuống hạ lưu vào đêm khuya 22/7, cứ thế quần thảo hàng giờ đồng hồ trong sự bất lực của tất thảy. Sốt ruột, nóng lòng nhưng giữa giông tố, bão bùng, người dân đành bó gối ngồi yên, chỉ khi trời quang mây tạnh mới í ới gọi nhau thu dọn bãi chiến trường.

Dù đã chủ động xắn tay dọn dẹp nhưng phế phẩm, bùn lầy ứ đọng quá nhiều, khi nước rút, nắng lên thì đặc quánh, trở nên cứng như đá, thành thử công tác khắc phục diễn tiến rất chậm. Ghi nhận đến 13h ngày 25/7, nhiều điểm vẫn ngổn ngang, khung cảnh tiêu điều, xơ xác.

Ông Trần Xuân Huy bơ phờ, kiệt sức vì lũ. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Trần Xuân Huy bơ phờ, kiệt sức vì lũ. Ảnh: Ngọc Linh.

Mặt mũi lấm lem, nhem nhuốc, mồ hôi vã ra như tắm, ông Trần Văn Huy, SN 1969, công dân bản Mác, xã Tương Dương lảo đảo như người mất hồn, bất chợt ngồi bệt xuống nền rồi thở hắt ra.

Đôi mắt lộ rõ vẻ lo lắng, bần thần một hồi lâu, ông Huy mới tâm sự đôi lời: “Nhà tôi nền cao nhưng nước lũ vẫn dâng cao hơn 1m, nước rút đến đâu gia đình chủ động dọn dẹp đến đó, huy động cả thông gia, nhà ngoại ở Tam Đình, Tam Quang lên hỗ trợ mà 3 ngày rồi chưa xong. Tốn công sức, tốn cả tiền của, trước mắt đã dùng hết 40 lít xăng chạy máy phát điện, nhờ đó mới bơm được nước dưới sông Nậm Nơn lên để xử lý đống đất đá ngổn ngang khắp lối”.

Người dân tại 'rốn lũ' Tương Dương còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: Việt Khánh.  

Người dân tại "rốn lũ" Tương Dương còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: Việt Khánh.  

Cũng như số đông, quãng thời gian này không dễ thở với Hạt Kiểm lâm Tương Dương, chẳng phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, tất cả đều phải xắn tay vào làm với khối lượng gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Phó Hạt trưởng Lê Đình Tú tâm sự: “Lũ lụt, thiên tai là điều chẳng ai mong muốn, khi khó khăn, cấp bách mới cần sự sẻ chia hơn bao giờ hết. Địa phận huyện Tương Dương (cũ) bị tác động nặng nề, bao gồm khu vực thị trấn, hay xã Tam Quang, Khe Bố. Mong muốn bà con sớm ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi đã huy động anh em từ các trạm về phụ giúp một số gia đình thuộc diện cấp bách, tiến độ ròng rã mấy ngày nay rồi đấy”.

Nêu cao trách nhiệm với cộng đồng, Hạt Kiểm lâm Tương Dương cũng không quên chia sẻ áp lực với những thành viên trong đơn vị mình. Hỏi ra mới biết nhà của một số cán bộ cũng bị ngập nặng. Riêng nhà cán bộ trẻ Đào Dương ngập 60-70cm, vật dụng thiết yếu hỏng hết, có chăng chỉ kịp di chuyển chiếc tivi lên trên cao. Kế đó là gia đình anh Trần Xuân Tình, cả ngôi nhà đang ở lẫn ki-ốt kinh doanh chăn, ga, gối đệm, vải vóc ở chợ Hòa Bình đều ướt nhẹp, nổi lềnh bềnh giữa dòng nước đục ngầu.

Anh em kiểm lâm đang gấp rút xử lý bùn đất giúp gia đình anh Võ Đức Thịnh. Ảnh: Việt Khánh. 

Anh em kiểm lâm đang gấp rút xử lý bùn đất giúp gia đình anh Võ Đức Thịnh. Ảnh: Việt Khánh. 

Trăn trở nhất phải kể đến trường hợp của anh Võ Đức Thịnh. Anh Thịnh vào trong trạm từ vài ngày trước, vợ con anh kéo nhau về quê, thành thử khi thiên tai ập đến chẳng có ai mà xoay xở, ứng phó. Đồ đạc ngâm lâu trong nước hư hỏng hoàn toàn, đến cả di ảnh của cụ bà thân sinh cũng trôi luôn theo dòng. Lũ qua, nước rút để lại đống bùn lầy đặc quánh cao quá tầm mắt, ngồn ngộn đến mức ai nhìn vào cũng lắc đầu ngao ngán.

Cám cảnh với nỗi lòng của đồng nghiệp, 2 ngày rồi, anh em kiểm lâm thay phiên nhau túc trực, người san, người gạt cật lực mới vét được chừng 2/3 khối lượng…

Xem thêm

Bình luận mới nhất