
PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong xu hướng cổ vũ kinh tế xanh. Làm sao để Đề án triển khai hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Thưa Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, ngày 5/4/2024, lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã diễn ra tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Đề án này gợi cho ông những suy tư gì?
Đầu tiên, theo tôi Đề án 1 triệu ha lúa không phải câu chuyện hoàn toàn mới, mà là một bước kế thừa nền tảng phát triển lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua với thành tựu đóng góp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Về áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất lúa, chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ, đặc biệt là về giống lúa. Bây giờ thực hiện Đề án đòi hỏi sự tích hợp và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, đồng thời phát triển, áp dụng nhanh các công nghệ mới trong điều kiện có sự liên kết giữa các nông dân trên một địa bàn sản xuất (hợp tác xã) để phát huy hiệu quả áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp theo, chọn ĐBSCL để triển khai Đề án trên quy mô 1 triệu ha lúa là sự chọn lựa phù hợp vì đây là vựa lúa của cả nước và là một trong số ít đồng bằng có điều kiện sinh thái trồng lúa tốt nhất của thế giới. Kết quả trong quá trình thực hiện Đề án sẽ lan toả đến các vùng trồng lúa khác.
Nghĩa là, Đề án không phải tham vọng gì quá lớn?
Theo tôi, Đề án không có tham vọng nhưng rõ ràng là có khát vọng về nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa vì qua bao năm dù nông dân trồng lúa đóng góp rất lớn nhưng thu nhập lại quá thấp. Các giải pháp trọng tâm của Đề án đều nhằm vào tăng thu nhập cho nông dân như giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng lúa gạo, liên kết trong tiêu thụ...

Bài phỏng vấn PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, trên Báo Nông nghiệp và Môi trường ra số đầu tiên.
Để Đề án hiện thực được mục tiêu, huy động nguồn lực là việc quan trọng. Nguồn lực lớn nhất là từ nông dân và doanh nghiệp, nhà nước cần khơi thông nguồn lực này. Trong đó cần thúc đẩy chuyển đổi hợp tác xã hoạt động như một doanh nghiệp nhỏ, trong đó nông dân gắn bó trách nhiệm và quyền lợi. Các hỗ trợ quốc tế là quý báu cho nâng cấp cơ sở hạ tầng như hạ tầng thủy nông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng, hạ tầng tồn trữ, chế biến lúa gạo.
Đề án hướng đến hai đáp số, “chất lượng cao” thì dễ hình dung, còn “phát thải thấp” thì sao, thưa ông?
Mục tiêu “chất lượng cao” chúng ta đeo đuổi nhiều năm nay, trong đó đã bao hàm đóng góp giảm phát thải khí nhà kính nhưng trong Đề án 1 triệu ha lúa, mục tiêu “phát thải thấp” mong đợi đạt mức cao hơn nữa trên quy mô rộng. Hướng đến mục tiêu này, Việt Nam đi tiên phong trong sản xuất lúa giảm phát thải của thế giới.
Giảm phát thải giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu là lợi ích và trách nhiệm quốc gia đối với cam kết quốc tế và lợi ích cho cộng đồng bao gồm người tiêu thụ gạo. Đối với nông dân, lợi ích chính là giảm chi phí sản xuất nhưng tăng giá trị của lúa gạo do đạt tiêu chuẩn xanh, bênh cạnh có thể có thêm thu nhập từ thị trường tín chỉ carbon, tuy nguồn tăng thu này không phải là chính đối với nông dân.
Thưa ông, nhiều nông dân và nhiều địa phương vẫn hi vọng Đề án sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng cho nghề trồng lúa?
Đó cũng là một bài toán đã được tính đến. Để đạt mức giảm phát thải cao, nhà nước cần đầu tư hỗ trợ cho địa phương và nông dân hoàn thiện hệ thống thuỷ nông nội đồng để chủ động tưới tiêu cho từng cánh đồng, vì để đạt mức giảm phát thải cao cần áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Hệ thống này kết nối đồng bộ với các công trình thuỷ lợi đã có hoặc bổ sung, nâng cấp. Tiến bộ công nghệ số (đang được thử nghiệm) giúp tưới, tiêu tự động cho từng cánh đồng. Các khoản đầu tư cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng khác cho ngành lúa gạo được ưu tiên cho vùng Đề án.
Vậy có phải sản phẩm của Đề án sẽ tuân thủ tiêu chí nông nghiệp hữu cơ?
Trên diện rộng, sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn xanh và phát thải thấp. Trong phạm vi có điều kiện (ví dụ vùng luân canh tôm - lúa) có thể áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, phần lớn diện tích còn lại của Đề án áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật tư đầu vào, bắt buộc giảm ít nhất 1/3 lượng phân bón hóa học và 1/3 lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Hướng hữu cơ tăng dần khi mở rộng và gia tăng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang.
Nhiều nơi đã có sẵn sản phẩm lúa chất lượng cao, ví dụ đang canh tác ST25 thì liệu họ có mặn mà với Đề án, thưa Tiến sĩ?
Những vùng trồng giống đặc sản như ST25 nếu áp dụng quy trình sản xuất và tiêu chí của Đề án 1 sẽ gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo, ngoài nhãn hiệu của doanh nghiệp nếu có thêm nhãn hiệu chứng nhận gạo xanh, phát thải thấp sẽ nâng cao giá trị gạo và hình ảnh (thương hiệu) của doanh nghiệp. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” để cấp cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu.
Là chuyên gia về lúa, ông thấy giống lúa nào thích hợp cho Đề án này?
Về giống lúa phục vụ cho Đề án, theo tôi có thể yên tâm vì chúng ta đang có bộ giống lúa khá tốt và phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó 70% đáp ứng cho thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản; chất lượng gạo Việt Nam đã có vị trí cao trên thị trường thế giới.
Trong dài hạn, chúng ta tiếp tục chọn tạo các giống lúa bổ sung về giá trị dinh dưỡng, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Kết hợp đặc tính năng suất cao, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn (trên dưới 100 ngày) là tiến bộ và lợi thế của sản xuất lúa vùng ĐBSCL cần được duy trì.
Nông dân trồng lúa có thu nhập thấp hơn trồng hoa màu và các loại cây ăn trái. Đây có phải là vấn đề đáng suy nghĩ khi triển khai Đề án không, thưa ông?
Sự thật trồng lúa không thể mang lại lợi nhuận cao như một số lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp. Thế nhưng, với lợi thế về sinh thái vùng ĐBSCL thì cây lúa vẫn có vị trí không thể thay thế. Và mục tiêu của Đề án chính là tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Thu gom rơm đưa ra khỏi ruộng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế đốt đồng.
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, ông có kiến nghị gì để tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa?
Tôi cho rằng liên kết là yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, trong đó khởi đầu phải là liên kết giữa nông dân với nông dân trong một tổ chức như hợp tác xã. Liên kết là điều kiện để giảm giá thành sản xuất và chỉ khi nông dân liên kết với nhau, có tổ chức thì sẽ liên kết được với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị một cách linh hoạt. Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu hoặc doanh nghiệp ký kết bao tiêu (sản xuất theo hợp đồng) khi nông dân thiếu liên kết thực tế cho thấy khó áp dụng và mở rộng.
Bây giờ người ta thấy rằng, ở đô thị hay ở nông thôn cũng phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Liệu Đề án sẽ trực tiếp tạo một không gian xanh cho vùng ĐBSCL?
Tôi thấy tại Festival quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam tổ chức tại Hậu Giang năm 2023 đưa ra khẩu hiệu “Gạo xanh sống lành” là rất hay vì khởi xướng cho một xu thế mới trong nông nghiệp nước ta nói chung và cũng là xu hướng của toàn cầu. Ở nước ta, nông nghiệp là ngành có nhiều điều kiện thúc đẩy và thực hành tăng trưởng xanh. Những cánh đồng lúa mênh mông mang lại một màu xanh no ấm và an lành.
"Đề án khuyến khích sự tích hợp đa giá trị của ngành lúa gạo, như kết hợp du lịch nông thôn, sông nước với cảnh quan vùng lúa, theo tôi nên có hai không gian du lịch gắn với lúa gạo. Một không gian là cánh đồng mẫu hiện đại ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu. Một không gian là phương pháp canh tác và công cụ sản xuất, chế biến lúa gạo cổ truyền, có thể lấy vài ba nơi ở vùng Đồng Tháp Mười làm thử nghiệm để du khách trong nước và quốc tế hiểu và yêu mến nền văn minh lúa nước Việt Nam".
(TS Bùi Bá Bổng).
Xin cảm ơn ông!