"Ông già bãi biển"
“Tôi yêu biển, thích được ngắm bình minh hay hoàng hôn mỗi ngày. Đất nước mình nơi đâu cũng có biển với đầy tôm cá. Tôi chỉ mong những thế hệ con cháu sau này, vẫn được tắm mát dưới làn nước biển trong xanh, bãi biển vẫn sạch đẹp như hiện tại”.
Đó là tâm sự của cụ Trần Xuân Mạo (SN 1944, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người được người dân làng Nam Ô gọi thân thương với cái tên “ông già bãi biển”.
Cụ Mạo dù đã ở tuổi thất thập nhưng suốt 6 năm qua chưa một ngày nghỉ ngơi với công việc không lương: nhặt rác trên bãi biển.
Không đi nhặt rác, ăn ngủ không yên
TP Đà Nẵng từ lâu được mệnh danh là thành phố biển với những bãi biển cát trắng mịn chạy dài, nước trong sạch bao quanh thành phố. Khách du lịch thập phương đến nơi đây ai cũng trầm trồ khen ngợi trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng ít ai biết được rằng, có những con người thầm lặng đóng góp công sức của mình để giữ cho biển luôn được sạch đẹp.
Bãi biển Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nơi đây nằm cách xa trung tâm thành phố nên khách du lịch còn thưa thớt dù vẻ đẹp không hề thua kém bất cứ nơi đâu.
Người làng Nam Ô chủ yếu làm nghề đi biển. Họ còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm gia truyền nổi tiếng nhất nhì các tỉnh miền Trung. Vậy nhưng ở đây, người nổi tiếng nhất không phải là 1 người đi biển hay chủ 1 cơ sở nước mắm nào mà đó là 1 cụ ông đã râu tóc bạc phơ. Người đó là cụ ông Trần Xuân Mạo (SN 1944), năm nay đã tròn 72 tuổi.
Đến làng Nam Ô, hỏi cụ Mạo thì từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết. Trời về chiều, ánh sáng đã bắt đầu chập choạng nhưng nhiều người vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi gặp cụ Mạo. Họ dẫn thẳng ra bãi biển Nam Ô vì “chắc chắn giờ này ông ấy đi nhặt rác ngoài biển, không có ở nhà”.
“Dân ở đây chẳng ai lạ ông ấy cả. Râu tóc thì đã bạc phơ mà vẫn còn siêng năng lắm. Sáng sớm hay chiều tối nào cũng đi ra biển nhặt rác, bao bì, rong rêu từ ngoài khơi trôi dạt vô bờ. Ông ấy làm việc tự nguyện, chẳng ai ép buộc gì cả mà chỉ vì tình yêu với biển. Lúc đầu, bà con chúng tôi trêu ông ấy là người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng lâu dần lại yêu mến. Ở đây, mấy đứa nhỏ bây giờ cũng học theo ông Mạo, rảnh là chúng phụ ông làm sạch biển”, anh Lê Văn Nhân, trú làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc kể.
Cụ Mạo đang đi dọc bờ biển, thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt một cành cây, chùm rong, túi ni lông… cho vào bao tải đang cầm trên tay. Thấy khách lạ tò mò, cụ chỉ cười rồi lại tiếp tục với công việc đang dang dở. Một cành cây, mẩu giấy dù là nhỏ nhất cũng không qua được đôi mắt của cụ.
Cụ Mạo nhặt rác trên bờ biển Nam Ô
“Còn hơn 1km nữa là hết. Hôm nay ít gió, rác dạt vào không nhiều nên đỡ vất vả hơn. Ngày nào không đi nhặt rác ở đây là tôi ăn ngủ không ngon. Rác từ biển dạt nào, không nhặt sạch để nó tụ lại thì bãi biển mất vệ sinh ngày. Nếu vậy lâu dần thì biển cũng bẩn. Do vậy, dù có mệt thì tôi cũng cố gắng ra biển tí mới về nhà ngủ ngon được”, cụ Mạo nói.
Cụ Mạo cho hay bờ biển Nam Ô dài chừng 7km. “Đi nhặt rác cũng là đi bộ. Tôi vừa làm việc có ích, vừa đi tập thể dục để nâng cao sức khỏe”, cụ hài hước.
Rác thải thu gom được đưa về nơi tập kết ở cuối bãi biển rồi sẽ tiến hành phân loại. Rác hữu cơ dễ phân hủy được cụ tách riêng với bao bì ni lông. Mỗi loại cụ lại có cách xử lý riêng. Bao bì được cụ đốt ngay sau đó còn rác hữu cơ được chôn lấp ở nơi kín đáo.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Đã ở tuổi 72 nhưng cụ Mạo thật thà cho hay mới sống gần biển được 6 năm. Quê cụ ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cả đời tất bật làm lụng nuôi con, chẳng mấy lần cụ được đi chơi để ngắm biển cho thỏa thích.
Con cái đến tuổi trưởng thành, lập gia thành thân mỗi đứa mỗi nơi. Vợ chồng cụ lại vò võ tháng ngày ở quê nhà. Thương cha mẹ tuổi già, người con trai cả xin phép đón vợ chồng cụ vào sinh sống cùng. Từ đó, mỗi ngày cụ mới được thỏa thích ngắm biển, đi dạo trên bãi biển.
“Tôi ở đây từ năm 2010. Lúc đó bãi biển ở đây không được sạch như bây giờ. Rác thải khắp nơi. Bà con ngư dân ở đây theo thói quen cũng xả rác thẳng xuống biển. Tôi thấy vậy nên âm thầm đi nhặt rác mỗi sáng và chiều tối.
Bà con lúc đầu tưởng tôi bị dở người hay nhặt ve chai về bán phế liệu. Khi biết việc tôi làm, có người còn chê già mà làm việc không công. Tôi bỏ ngoài tai tất cả để làm việc mà mình tin là có ích.
Lâu dần, bà con thấy biển sạch nên cũng phụ tôi nhặt rác. Họ cũng không còn xả rác ra biển như trước nữa. Bây giờ, rác ở biển Nam Ô chủ yếu do sóng đánh từ ngoài khơi vào”, cụ Mạo chia sẻ.
Những năm tháng ít ỏi sống gần biển, làm việc vì biển, quãng thời gian mà cụ Mạo lo lắng nhất chính là thời điểm các tỉnh ven biển miền Trung dậy sóng vì tình trạng cá chết. Thời điểm đó, cụ như ngồi trên lửa vì không biết tại sao cá biển lại chết hàng loạt như vậy.
“Tôi xem thời sự trên tivi mỗi tối và lo lắng vô cùng. Ở biển Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung không có cá chết. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có xác cá trôi dạt vào đây do bị sóng đánh vào theo dòng hải lưu.
Cụ Mạo được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng Bằng khen
Tôi yêu biển, thích được ngắm bình minh hay hoàng hôn mỗi ngày. Đất nước mình nơi đâu cũng có biển với đầy tôm cá. Tôi chỉ mong những thế hệ con cháu sau này, vẫn được tắm mát dưới làn nước biển trong xanh, bãi biển vẫn sạch đẹp như hiện tại.
Tôi tiếc rằng mình ở biển khi đã già chứ nếu còn có đủ sức khỏe thì tôi tình nguyện dọn sạch cả bờ biển Đà Nẵng chứ không riêng ở Nam Ô”, cụ tâm sự.
Theo cụ Mạo, để giữ biển được sạch đẹp thì chính quyền phải phạt thật nặng các cơ sở gây ô nhiễm, những hành vi làm bẩn bãi biển.
“Tôi già rồi, việc tôi làm thật ra rất nhỏ bé. Nhưng thấy vui thì cứ làm thôi. Vợ tôi cũng như mấy đứa con đều ủng hộ việc làm của tôi. Mình tuổi già, còn làm gì có ích thì làm, cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà cũng như những người trẻ khác. Tôi vui vì giờ đây, mấy đứa trẻ ở Nam Ô cũng thường xuyên đi nhặt rác để giữ cho biển sạch”, cụ quan niệm.
Dù cụ Mạo coi việc mình làm là nhỏ bé và chỉ lấy niềm vui làm chính nhưng chính quyền TP Đà Nẵng luôn ghi nhận công lao của cụ. Căn nhà nhỏ vợ chồng cụ đang sinh sống treo đầy các loại bằng khen từ cấp tổ đến cấp phường, quận rồi thành phố.
"Chúng tôi gọi cụ Mạo là công nhân môi trường không lương. Cụ Mạo giờ đã già, bệnh tật nên khá yếu nhưng vẫn tâm huyết với việc làm sạch môi trường biển. Nhờ việc làm suốt 6 năm trời của cụ mà biển Nam Ô ngày một sạch đẹp.
UBND phường cũng đã có đơn vị làm nhiệm vụ thu gom rác hàng ngày trên bãi biển. Họ làm việc theo giờ giấc nên không thể làm sạch biển mọi lúc. May mà có cụ Mạo giúp sức", ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, nức nở khen cụ Mạo.