Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, vừa nhận thông báo từ EU về việc sửa đổi Phụ lục III của Quy định (EC) số 853/2004, liên quan đến các quy tắc vệ sinh đối với sản phẩm cá ngừ đông lạnh.
Theo đó, phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu thiết kế, trang bị hệ thống giám sát liên tục theo thời gian thực và ghi lại nhiệt độ của nước muối trên tàu bằng các thiết bị đo nhiệt độ điện tử, đảm bảo nhiệt độ cấp đông đối với lõi sản phẩm đạt -18 độ C. Đồng thời, cho phép giám sát từ xa nhiệt độ nước muối theo thời gian thực.

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Minh Hiếu.
Nhà kinh doanh thực phẩm phải cung cấp quyền truy cập dữ liệu nhiệt độ của nước muối khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, phải xây dựng kế hoạch năng lực cấp đông của phương tiện vận chuyển.
Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu phải kiểm tra kế hoạch cấp đông và xác định công suất cấp đông của phương tiện vận chuyển.
EU cũng cho biết, cá ngừ nguyên con (thuộc giống Thunnus và Katsuwonus) có thể cấp đông liên tục trong nước muối ở nhiệt độ lõi -18 độ C và tuân thủ một số điều kiện như: thời gian cấp đông, làm sạch bằng nước biển, nồng độ muối trong nước, nhiệt độ ở vị trí đông lạnh sau cùng:
Nếu cá ngừ được cấp đông trực tiếp trong nước muối, tổng thời gian để đạt nhiệt độ lõi -18 độ C không được vượt quá 96 giờ sau khi cá ngừ đầu tiên được đặt vào bể nước muối và phải đạt nhiệt độ lõi dưới 0°C trong vòng 24 giờ;
Nếu quy trình làm mát bằng nước biển sạch được làm lạnh trước khi đặt cá vào nước muối, EU yêu cầu: Cá ngừ và nước biển sạch làm lạnh phải đạt 3 độ C trong vòng 6 giờ và 0 độ C trong vòng 16 giờ; Tổng quá trình làm mát trong nước biển sạch không được vượt quá 72 giờ kể từ khi cá ngừ đầu tiên được đặt vào bể nước biển sạch; Khi cá ngừ được đặt vào nước muối, tổng thời gian cấp đông từ 0 đến -18 độ C ở lõi không vượt quá 72 giờ.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ, EU từ lâu đã nổi tiếng là một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới về kiểm soát an toàn thực phẩm.
Với nhóm sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ đông lạnh, một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, việc tuân thủ hệ thống pháp lý của EU không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là minh chứng cho chất lượng, sự chuyên nghiệp và khả năng hội nhập của doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Nam tại phiên họp Ủy ban SPS/WTO mới đây ở Thụy Sĩ. Ảnh: SPS Vietnam.
Các quy định vệ sinh và an toàn thực phẩm của EU đối với cá ngừ đông lạnh được xây dựng trên nền tảng hai văn bản pháp lý quan trọng là Quy định (EC) số 852/2004 và (EC) 853/2004 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.
Cụ thể, Quy định (EC) 852/2004 đặt ra các nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm, áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất và chế biến, từ khâu khai thác nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng.
Cơ sở sản xuất phải áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), đồng thời đảm bảo vệ sinh trong tổ chức nhà xưởng, thiết bị, nguồn nước, nhân sự và toàn bộ quy trình vận hành.
Trong khi đó, Quy định (EC) 853/2004 đi sâu vào các yêu cầu cụ thể đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, trong đó có thủy sản. Đây cũng là quy định vừa được phía EU thông báo sửa đổi.
Với sản phẩm cá ngừ đông lạnh, quy định này yêu cầu cá phải được cấp đông ngay sau khi đánh bắt, với nhiệt độ tâm đạt -18 độ C hoặc thấp hơn, và tuyệt đối không được rã đông rồi cấp đông lại. Đồng thời, các tàu khai thác cá ngừ cũng như cơ sở sơ chế, chế biến và kho lạnh đều phải được thẩm định và cấp mã số EU. Đây là điều kiện cần để sản phẩm được phép nhập khẩu vào thị trường châu Âu.
Không dừng lại ở kiểm soát điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, EU còn đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí vi sinh và hóa chất trong sản phẩm.
Quy định (EC) 2073/2005 về tiêu chí vi sinh thực phẩm đã thiết lập giới hạn chặt chẽ đối với hàm lượng Histamine - một amin sinh học có thể phát sinh tự nhiên trong cá ngừ nếu bảo quản không đúng cách. Mỗi lô cá ngừ đông lạnh xuất khẩu vào EU đều phải kiểm tra và đảm bảo hàm lượng Histamine không vượt quá 100 ppm, nhằm ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kể từ tháng 10/2022, EU đã áp đặt mức giới hạn phụ gia đối với cá ngừ. 3 chất chống oxy hóa phổ biến là Axit ascorbic (E300), Natri ascorbate (E301) và Canxi ascorbate (E302) được phép sử dụng nhưng không vượt quá 300 mg/kg sản phẩm.
Gắn với tiêu chuẩn vệ sinh là yêu cầu ngày càng khắt khe về minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Quy định (EC) 1169/2011 bắt buộc tất cả sản phẩm thực phẩm bán ra thị trường phải ghi nhãn đầy đủ và chính xác.
Với cá ngừ đông lạnh, thông tin bắt buộc bao gồm: tên sản phẩm, tên khoa học, ngày đánh bắt, ngày cấp đông, xuất xứ, phương pháp bảo quản, mã số cơ sở và hướng dẫn sử dụng nếu cần. Mỗi lô hàng phải đi kèm hồ sơ chứng nhận, cũng như chứng từ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp.
Gần đây nhất, EU yêu cầu kể từ tháng 1/2026 sẽ chính thức áp dụng hệ thống điện tử CATCH. Đây là nền tảng quản lý và kiểm tra chứng nhận đánh bắt nhằm loại bỏ sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp hoặc không khai báo (IUU).
"Hệ thống pháp lý của EU vừa mang tính kỹ thuật cao, vừa phản ánh xu hướng quản trị minh bạch và trách nhiệm với môi trường. Việc đáp ứng toàn bộ các yêu cầu trên đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư không chỉ về công nghệ chế biến, trang thiết bị lạnh, mà còn cả hệ thống quản lý chất lượng, đào tạo nhân sự và mối liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng đầu vào", ông Ngô Xuân Nam đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, thay vì nhìn nhận đó là rào cản, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn cách tiếp cận tích cực, coi đây là cơ hội để nâng cấp hệ thống sản xuất theo chuẩn quốc tế, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.
"Muốn đi đường dài, không thể chỉ dựa vào giá cả và sản lượng. Chất lượng, an toàn và sự minh bạch mới là 3 trụ cột để giữ chân người tiêu dùng EU", ông Nam nhấn mạnh và đề nghị cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng liên quan góp ý, gửi ý kiến về Văn phòng SPS Việt Nam trước 20/5 để tổng hợp gửi EU.
Ngoài các quy định vệ sinh liên quan đến cá ngừ đông lạnh, EU còn thông báo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Phụ lục III Quy định (EC) số 853/2004 về cơ sở giết mổ động vật móng guốc và các sản phẩm chế biến sâu như gelatin, collagen...