Thứ Bảy, 28/6/2025 12:57 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui nghề buôn bò

Thứ Tư 23/03/2016 , 09:05 (GMT+7)

Có thể nói, nghề buôn bò là nghề khá nhàn nhã. Sáng, ra quán cà phê ngồi đến 8 giờ, vừa nhấp cà phê, vừa liên lạc điện thoại với các “cò bò” để được họ “chỉ điểm” những chủ nuôi có nhu cầu bán bò...

Trong những năm qua, nông dân các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ phát triển mạnh nghề nuôi bò, bò nuôi ở đây chủ yếu cung cấp cho thị trường tiêu thụ các tỉnh miền Nam. Chuỗi hoạt động cung ứng đã sinh ra nghề buôn bò, một nghề nhẹ nhàng mà cho thu nhập cao.

Mua bằng mắt, bán bằng ký

Có thể nói, nghề buôn bò là nghề khá nhàn nhã. Sáng, ra quán cà phê ngồi đến 8 giờ, vừa nhấp cà phê, vừa liên lạc điện thoại với các “cò bò” để được họ “chỉ điểm” những chủ nuôi có nhu cầu bán bò. Xong cữ cà phê, lại dong xe máy đi đến các địa điểm đã được các “cò bò” chỉ điểm để mua bò.

“Một mình không thể bao quát hết nên phải nhờ cậy phần nhiều vào các “cò cò”. Họ quen biết nhiều các hộ nuôi bò, thường xuyên liên lạc với nhau nên biết khi nào thì ai cần bán bò, bán mấy con, họ mách cho mình đến mua. Nếu mua được, mỗi con bò mình bồi dưỡng cho họ 100.000đ, nếu mua được giá rẻ mình cho họ thêm để giữ làm mối hàng bền vững”, anh Nguyễn Minh Toàn (34 tuổi) ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), 1 người đã có 7 năm trong nghề buôn bò, cho biết.

Bò anh Toàn mua chủ yếu cung ứng cho các lò mổ ở Cam Ranh (Khánh Hòa) và các lò mổ ở tỉnh Đồng Nai. Hình thức mua bán với các lò mổ ở Cam Ranh của anh Toàn là “bao lò”. Quy định cứ 5 ngày anh Toàn phải cung ứng cho lò 1 xe hàng 7 con.

Gặp lúc khan bò, người bán bắt giá lên cũng phải mua để có hàng cung cấp cho nhà lò hoạt động. Những lúc nhiều bò, anh Toàn dồn lại đưa bò vào cung ứng cho các nhà lò ở Đồng Nai, mỗi chuyến vài ba chục con.

Anh Toàn chia sẻ: “Khi mua bò mình chỉ mua “bộ”, nghĩa là định cân lượng của con bò bằng mắt rồi trả giá mua, chứ không cho bò lên cân. Khi đưa vào các nhà lò, bò được mổ, ra thịt, sau đó họ trả tiền cho mình tính trên số lượng thịt cụ thể. Chi phí mổ bò nhà lo đảm đương, bù lại, nhà lò sẽ được hưởng thịt vụn, lòng, da, xương của con bò, họ chỉ tính cho mình tiền thịt.

Hiện các lò ở Cam Ranh trả cho mình 1 kg thịt thành phẩm là 198.000đ, các lò ở Đồng Nai trả 183.000đ. Các nhà lò ở Đồng Nai trả gía thấp hơn khá xa các nhà lò ở Cam Ranh, nhưng các nhà lò ở Đồng Nai ra thịt con bò sạch hơn, ít có thịt vụn, lượng thịt thành phẩm nhiều nên người buôn bò có lãi ngang với bán cho các nhà lò ở Cam Ranh”.

“Người buôn bò sợ nhất là quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Giai đoạn này thời tiết nắng nóng kéo dài, lũ bò bị khô thịt nên khi mổ thường bị mất ký, những chuyến hàng thường xuyên bị lỗ năng. Bắt đầu vào mùa mưa kéo dài đến Tết bò thường sanh ký nên lái buôn thường có lãi to”, anh Nguyễn Thanh Toàn, chia sẻ.

Theo anh Chín Hướng, cũng là người chuyên buôn bò đi Sài Gòn ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn (Bình Định), cho biết: “Mua bò “bộ” phải có đôi mắt thật tinh, định lượng con bò bằng mắt không bao giờ sai, khi mổ chỉ có sanh (tăng) ký chứ không bao giờ hụt ký. Có con mình chỉ định lượng có 150kg nhưng khi mổ ra sanh đến chục ký, những con ấy lãi to, đến 5 - 7 triệu/con”.

Buồn vui trong nghề

Nghề buôn bò khá nhàn nhã. Cả ngày ngồi xe máy đi rong mua, mua xong gom bò thuê người dắt về nhà. Khi bò đủ số lượng chuyến hàng thì cho lên xe đưa đi cung ứng cho các nhà lò. Hoạt động của nghề buôn bò nghe đơn giản là vậy nhưng cũng lắm buồn vui.

Lái buôn nào chịu khó đi mua bò ở những vùng sâu, vùng xa thường rất trúng mánh, bởi đồng bào dân tộc miền núi mua bán rất thoáng. Lái buôn chỉ cần nói lọt tai, người đồng bào nghe ưng cái bụng là giá nào cũng bán. Do vậy, những chuyến đi dạo muag ở những vùng miền núi của người buôn bò luôn thắng lớn.

“Những năm trước tôi thường theo ông anh lên huyện Sơn Hòa (Phú Yên) mua bò của đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đi vài ngày là mua được 10 con bò, ăn tiêu dọc đường xả láng, mỗi chuyến hàng anh em tôi mỗi người còn dư đến 2 chỉ vàng”, anh Nguyễn Thanh Toàn, nhớ lại.

Nỗi sợ lớn nhất của người buôn bò là gặp phải con bò nhút nhát. Những con bò nhát khi gặp người lạ thường “gồng” mình lên, hình dáng của nó bỗng to hơn bình thường, lái buôn nhìn vào thường bị nhầm khi định trọng lượng bò bằng mắt. Những con bò này đưa đến nhà lò, khi mổ ra thịt thường bị mất ký.

“Vừa rồi tôi mua được con bò giá 27 triệu, nhìn hình dáng con bò ai cũng bảo quá rẻ, con bò này phải lãi đến 5 - 7 triệu. Ai ngờ gặp phải con bò nhát, đứng trước tôi nó “phình” người ra, đến khi mua xong dắt về nó tóp người hẳn lại, thấy còn nhỏ xíu.

Đã vậy, trên đường dắt về nó còn bỏ chạy đến 6-7 cây số, mình chạy theo nó đuối hơi. Đến khi giữ được nó thì đánh mấy nó cũng không chịu đi nữa. Đành phải cột nó vào gốc cây bên lề đường, gọi điện bảo người nhà mang võng lên nằm canh nó cả đêm. Qua hôm sau đưa vào nhà lò, mổ ra bị mất thịt, con bò này tôi bị lỗ mất 300 ngàn đồng”, anh Toàn kể.

Xem thêm

Bình luận mới nhất