CÔNG TRÌNH CỦA SỰ KỲ VỌNG
Dẫn chúng tôi đi trên công trình hồ chứa nước Sông Ray ngổn ngang đất đá với hối hả máy xúc, máy ủi, xe ben, ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vui mừng cho biết, công trình là kỳ vọng to lớn của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhà. Bởi lẽ, khi hoàn thành nó sẽ làm ngọt hoá 9.157ha đất nông nghiệp đang “khô khát” thuộc các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc. Ngoài ra, hồ còn cung cấp 535.000m3 nước sạch phục vụ công nghiệp và sinh hoạt cho người dân. Không những thế, là tỉnh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM - Đồng Nai – BR-VT), tuy nhiên ngành công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thực sự phát huy tối đa hết tiềm năng sẵn có vì thiếu nước ngọt trầm trọng. Chính vì thế, nước ngọt lâu nay vẫn là vấn đề bức xúc không chỉ của nông dân mà của toàn tỉnh, nó cũng là tiền đề để tỉnh toan tính những bước đi tiếp theo trong thời gian tới.
Chứng kiến đợt chặn dòng Sông Ray, ông Trần Minh Sanh không giấu được niềm vui: “Mong mỏi cháy bỏng của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm nay đã thành hiện thực, thử hỏi làm sao chúng tôi không vui”. Hồ Sông Ray có vai trò lớn hơn khi mà toàn tỉnh có 2 con sông là sông Ray và sông Dinh, trong đó sông Dinh phần nhiều là nước lợ. Chính vì thế, khi đã chặn dòng nước ngọt mát của sông Ray thì nước lợ sẽ không thể hoà vào, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho một diện tích lớn hoa màu, cây trái. Không những thế, việc hoàn thành hồ chứa nước còn mở ra triển vọng mới cho các nhà đầu tư tiến hành những dự án về du lịch sinh thái, tạo điểm đến lý tưởng cho du khách.
NƯỚC NGỌT GIỮA VÙNG ĐẤT KHÔ
Có mặt từ rất sớm, nhiều bà con xã Hòa Hưng (Xuyên Mộc) hân hoan cho biết: Khi được tin địa phương sắp có những dòng kênh xanh chở đầy nước ngọt phù sa chúng tôi mừng lắm. Chị Nguyễn Thị Quỳnh phấn khởi: “Nhà tôi có 2ha đất nhưng vì thiếu nước tưới nên không làm hoa màu được, chỉ trồng cây công nghiệp. Bây giờ ngay rẫy nhà mình có dòng kênh ngang qua, tha hồ nước tưới thì muốn trồng gì chẳng được, mừng lắm chú ơi…”.
Cũng như chị Quỳnh, nhiều nông dân xã Xuân Sơn (Châu Đức) khi biết tin chặn dòng sông Ray bỏ cả việc đồng áng nô nức kéo đến công trường từ chiều hôm trước để...xí chỗ. Bác Lý Dung cho biết “Vườn rẫy nhà tui bao năm nay khốn khổ vì vào mùa khô cây lá trơ trụi, nắng nóng làm đất trắng ra không trồng trọt gì được. Bây giờ Nhà nước quan tâm xây hồ chứa nước cho bà con nông dân chúng tôi canh tác, ổn định cuộc sống thì còn gì mừng hơn”.
Vài đặc điểm của hồ chứa nước Sông Ray Công trình hồ chứa nước Sông Ray được khởi công ngày 18/12/2005 tại xã Hoà Hưng (huyện Xuyên Mộc) dự kiến sẽ khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010. Dự án do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 9 (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí lên tới 393.926.593.000 đồng. Công trình do Cty CP Tư vấn XDTL 2 tư vấn thiết kế, và Cty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi VN là đơn vị giám sát. |
Bóng chiều buông xuống, tiếng máy xúc máy ủi vẫn rền vang, những người công nhân vẫn hối hả trên công trường, chúng tôi chia tay Sông Ray trong tràn ngập niềm vui. Những nụ cười mãn nguyện của bà con nông dân khiến chúng tôi phấn chấn suốt chặng đường về. Người dân Bà Rịa – Vũng Tàu năm nay có quyền mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn khi đã có được “bầu nước ngọt” toả khắp.
Ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh: Dự án rất được người dân đồng thuận Điều tôi lo nhất khi xây dựng hồ Sông Ray là phải thu hồi gần 2.000ha đất nông nghiệp trong tỉnh, thậm chí liên quan đến cả tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, hiểu được vai trò, tầm quan trọng của công trình, người dân rất ủng hộ nên việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khá thuận lợi. Đáng biểu dương là nhiều hộ dân còn tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhờ đó tiến độ thi công đảm bảo. Qua hai năm thực hiện công tác bồi thường, GPMB, đến nay đã có 1.826 hộ dân được đền bù với kinh phí 459 tỷ, riêng năm 2007 đã giải ngân được 291,6 tỷ. |