Thiệt hại từ trong nhà…
Chiều muộn ngày 11/5, Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh thông tin, trong đêm 9/5 và đêm 10/5 tại một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh đã hứng chịu đợt mưa lớn kèm lốc, sét gây thiệt hại khá nặng về tài sản và sản xuất nông nghiệp.
“Dự báo, ngày 12-13/5 thời tiết tốt dần, có chút nắng. Tuy nhiên, các ngày 14-15 dự báo tiếp tục có mưa, lượng mưa không lớn như mấy ngày qua nhưng có nơi có mưa vừa, mưa to, làm các diện tích lúa bị đổ ngã tăng nguy cơ hư hỏng”, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh nói.

Cây cổ thụ đổ đè sập một phần nhà dân ở huyện Hương Sơn. Ảnh: Thanh Nga.
Huyện Hương Sơn là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất do đợt mưa 2 ngày qua. Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, giông lốc đã khiến 25 nhà dân bị tốc mái, trong đó một số ngôi nhà bị cây cổ thụ đè sập.
Tại xã Sơn Hồng, sét đánh chết 4 con hươu sao của một hộ dân. Tại xã Tân Mỹ Hà, một ngôi nhà của gia đình liệt sĩ cũng bị cây cổ thụ đè ngang làm sập mái. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa, hoa màu, trụ điện, cây lớn của bà con bị đổ ngã, ngập dưới nước.
“Huyện đã hỗ trợ người dân khắc phục, sửa chữa những ngôi nhà bị tốc mái. Đối với diện tích lúa và hoa màu bị đổ ngã, huyện đang tập trung hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật như khơi thông dòng chảy để tiêu úng vùng bị ngập; ra đồng dựng lúa để cây trồng tiếp tục phát triển, hạn chế tổn thất vào cuối vụ…”, ông Hưng cho hay.
Ra ngoài đồng
Vừa thăm đồng trở về nhà, ông Đào Văn Dung, trú tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn buồn bã cho biết, vụ xuân năm 2025 gia đình ông sản xuất gần 1 ha lúa, mưa lớn kèm gió to hai hôm nay đã khiến 5 sào bị đổ rạp. Giờ ông chỉ mong thời tiết những ngày tới sẽ ổn định trở lại để những diện tích còn lại không bị đổ ngã thêm. Còn số đã bị đổ, những ngày tới ông khơi thông dòng chảy để tiêu úng, đồng thời dựng, buộc lúa để hạn chế thiệt hại.

Hơn 1.700 ha lúa sắp cho thu hoạch bị đổ rạp. Ảnh: Thanh Nga.
Thống kê bước đầu, toàn huyện Hương Sơn có hơn 390 ha lúa xuân bị đổ ngã do mưa, giông lốc, tập trung chủ yếu ở các xã như: Sơn Bằng, Tân Mỹ Hà, Châu Bình, An Hòa Thịnh… Việc lúa bị đổ rạp vào thời điểm đang chín hoặc chín sáp ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ.
Tại thị xã Kỳ Anh, hơn 40 ha lúa bị đổ ngã cũng chủ yếu do ảnh hưởng của trận mưa tối 10/5. Khu vực bị đổ ngã nhiều nhất là xã Kỳ Ninh (hơn 10 ha); Kỳ Trinh (10 ha); Kỳ Nam (8 ha)… Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã cho biết, sau khi nắm bắt thông tin đã chỉ đạo các địa phương vận động bà con nông dân ra đồng chống đỡ lúa bị đổ để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, khuyến cáo người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch sớm những diện tích lúa đã chín.
Trong ngày 11/5, lãnh đạo Sở NN-MT Hà Tĩnh cùng các phòng ban chuyên môn đã đi kiểm tra thiệt hại tại các địa phương nhằm đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra kịp thời. Theo đó, Sở NN-MT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn người dân nhanh chóng khơi thông dòng chảy, các cống tiêu thoát để rút nước ra khỏi ruộng giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là đối với những diện tích lúa bị đổ, ngã.

Thiên tai xảy ra giai đoạn lúa gần chín gây thiệt hại khá lớn cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.
Những diện tích lúa đã bị đổ ngã, huy động bà con dựng/buộc, mỗi điểm 4 đến 5 khóm lúa để lúa tiếp tục tích lũy chất khô về hạt, hạn chế tỷ lệ lúa bị hỏng hoặc nảy mầm trên bông. Đối với những diện tích đã chín tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch nhanh gọn.
Riêng cây ngô, căn cứ diễn biến thời tiết và tiến độ chín của ngô để tiến hành thu hoạch và tận dụng thân lá làm thức ăn chăn nuôi; lựa chọn cây trồng phù hợp để xuống giống trong vụ hè thu.
“Toàn tỉnh có 1.780 ha lúa và 90 ha ngô bị đổ ngã do mưa lớn, giông lốc trong 2 ngày qua, tập trung nhiều ở huyện Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh. Thời điểm này lúa chủ yếu đang chín sáp, một số diện tích đã chín vàng nên việc bị đổ ngã không quá ảnh hưởng đến năng suất song sẽ tăng chi phí giai đoạn gặt. Với những diện tích bị ngập nước, không tiêu úng kịp lúa sẽ nảy mầm, gây thiệt hại", lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh thông tin.