Việc cập nhật này nhằm thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật) mà Thủ tướng ban hành cuối năm 2024.
Mục tiêu bao trùm của kế hoạch là giảm thiểu mức độ tổn thương và rủi ro từ biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua việc nâng cao khả năng chống chịu của con người, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, tỉnh cũng nhấn mạnh việc tích hợp các yếu tố thích ứng với BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa môi trường và tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai ba nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Quản lý tài nguyên, phát triển hạ tầng, nông nghiệp thông minh
Nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững là nhiệm vụ được Yên Bái đặt ra quan trọng hàng đầu. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột: Quản lý tài nguyên, phát triển nông nghiệp thông minh và hạ tầng bền vững.
Về tài nguyên, Yên Bái đặt ra các nhiệm vụ về điều tra, giám sát nguồn nước dưới đất nhằm kiểm soát khai thác, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến để tái tạo, bổ sung và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Song song đó, tỉnh khai thác hợp lý đất chưa sử dụng để phủ xanh đô thị, phát triển rừng, đồng thời cải tạo đất sản xuất nông nghiệp nhằm ngăn chặn suy thoái.

Yên Bái đã và đang triển khai nhiều dự án ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Ngà.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, như: Chuyển đổi cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và giảm phát thải. Tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng thích ứng với khí hậu, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế đến xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp và các công trình tiêu thoát nước. Các giải pháp chống ngập lụt, xây dựng hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sạch cũng được ưu tiên.
Về hạ tầng, Yên Bái tập trung vào quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở phân vùng rủi ro thiên tai và kịch bản BĐKH. Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng của các ngành gắn với triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, có khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu... Tại các vùng nông thôn, miền núi, tập trung tăng cường năng lực, cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch cho dân cư, đặc biệt là những vùng chịu tác động của bão, lũ, hạn hán
Hệ thống y tế được củng cố để phòng ngừa dịch bệnh mới do khí hậu gây ra, đặc biệt tại các vùng khó khăn. Tỉnh phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời đầu tư hệ thống cảnh báo sớm tác động khí hậu đến sức khỏe. Chú trọng đến an sinh xã hội và bình đẳng giới bằng việc hỗ trợ mô hình sinh kế bền vững, đào tạo nghề, cung cấp vốn, công nghệ và bảo hiểm rủi ro cho các nhóm yếu thế, nhất là ở vùng dễ bị tổn thương do BĐKH.
Giảm tổn thất từ dự báo sớm, đảm bảo an toàn cho người dân
Trong giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Yên Bái tập trung ứng dụng các công nghệ dự báo tiên tiến, hiện đại; ưu tiên phát triển công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo đa thiên tai, dự báo dựa trên tác động; triển khai các sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn truyền tải đa dạng trên nền tảng công nghệ số; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu và cung cấp thông tin phục vụ phòng chống thiên tai...
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các công trình phòng chống thiên tai được tập trung đầu tư, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông; hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ lụt, ngập úng trong đô thị; hồ chứa điều tiết ngập lụt...
Cùng với đó, Yên Bái bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân thông qua việc di dời khỏi vùng nguy hiểm, xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ phục hồi sau thiên tai. Cùng các cơ chế tài chính như: bảo hiểm rủi ro, quỹ dự phòng và chính sách an sinh xã hội được triển khai nhằm giảm thiểu thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Hồng đang được Yên Bái đầu tư. Ảnh: Thanh Ngà.
Hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực
Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi tính liên vùng, liên ngành, bởi thế trong hoàn thiện thể chế, chính sách, Yên Bái tập trung xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, phát triển chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro khí hậu và lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiêu chuẩn xây dựng và đô thị được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và xu hướng khí hậu tương lai.
Về lâu dài, cần nâng cao tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai, sự cố môi trường, bảo vệ môi trường trong các công trình xây dựng, đô thị; nghiên cứu, lựa chọn mô hình phát triển đô thị phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Đặc biệt, để các hành động được toàn diện cần lồng ghép yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch ngành, lĩnh vực.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn tài chính vô cùng lớn. Bởi vậy, chủ trương của Yên Bái là đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng các nguồn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, vốn ODA, vay ưu đãi để triển khai xây dựng các công trình, dự án thích ứng với BĐKH có đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tỉnh sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các dòng vốn đầu tư cho thích ứng với BĐKH; chủ động tiếp cận và huy động nguồn vốn hỗ trợ quốc tế, trung ương cho thích ứng với BĐKH;- Thu hút sự tham gia của khối tư nhân, các tổ chức xã hội trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động thích ứng với BĐKH...