Từ dấu mốc năm 1965 đầy gian khó đến tầm nhìn năm 2050 đầy khát vọng, hành trình 60 năm của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là câu chuyện về sự bền bỉ của tri thức, về sức mạnh của những con người tận tụy với lòng đất và trách nhiệm với tương lai.
Khởi nguồn từ Đoàn Địa chất 45
Ngày 15 tháng 5 năm 1965, Đoàn Nghiên cứu Địa chất 45 chính thức được thành lập, đặt nền móng cho một hành trình bền bỉ và đầy tự hào - cũng là khởi đầu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản ngày nay.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng) làm việc với chuyên gia VSEGEI, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) về tiềm năng urani Việt Nam. Ảnh: Lan Chi.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Viện đã khẳng định vị thế là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ địa chất - khoáng sản của đất nước. Từ những dòng dung nham cổ đại đến các tầng trầm tích hàng triệu năm, từ kiến tạo địa tầng đến sinh khoáng - các hướng nghiên cứu chuyên sâu của Viện đã góp phần làm sáng tỏ cấu trúc lòng đất Việt Nam.
Không chỉ thiết lập cơ sở lý thuyết cho việc tìm kiếm khoáng sản, Viện còn phát hiện hàng loạt khu vực triển vọng phục vụ thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả - đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Năng lực khoa học - công nghệ hiện đại
Là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản mang trong mình sứ mệnh nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực then chốt như địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, môi trường, địa chất công trình, di sản thiên nhiên, biển đảo, tai biến địa chất và địa chất đô thị hiện đại.

Các cán bộ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thăm phòng thí nghiệm trọng điểm của Khoa Địa chất, Đại học Vác Sa Va, Ba Lan. Ảnh: Mai Đan.
Viện hiện có 16 đơn vị trực thuộc với hơn 180 cán bộ, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 24 tiến sĩ, 92 thạc sĩ và hàng chục chuyên gia giàu kinh nghiệm. Song hành với đội ngũ trí thức là hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ - từ kính hiển vi điện tử JEOL 8900 đến hệ thống đo từ ENVIMAG và trạm địa chấn 48 kênh của Mỹ - góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Những dấu ấn khoa học chiến lược
Tính đến nay, Viện đã chủ trì và tham gia 15 chương trình khoa học - công nghệ, hoàn thành hơn 300 đề tài cấp bộ và cấp nhà nước. Tiêu biểu là dự án lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023.
Viện cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Khoa học và Công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020 - ghi nhận cho những đóng góp thực tiễn và học thuật xuất sắc.
Tiên phong trong bảo tồn di sản địa chất
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu và di sản thiên nhiên. Ba công viên địa chất được UNESCO công nhận đều có sự đồng hành của Viện: Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng và Đắk Nông.

Lãnh đạo và cán bộ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tham quan hệ thống chiết tách đất hiếm từ tro bay của nhiệt điện tại nhà máy nghiên cứu thí điểm của Kigam - Hàn quốc. Ảnh: Phú Quang.
Hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn đang được thẩm định, và Viện cũng đang phối hợp cùng ba tỉnh Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang lập hồ sơ đề cử Yên Tử là Di sản thiên nhiên thế giới.
Viện cũng là nơi khởi sinh nhiều công trình sinh khoáng học có giá trị nền tảng. Từ bản đồ sinh khoáng 1/1.000.000 của cố GS. Nghiêm Minh, đến bản đồ chi tiết Bắc Bộ do PGS.TSKH Dương Đức Kiêm chủ trì, đến hệ thống phân loại quặng nội sinh của GS. Nguyễn Văn Nhân, hay báo cáo phát hiện mỏ sắt Quý Sa của kỹ sư Nguyễn Kim Tự - tất cả là những mốc son trong sự nghiệp nghiên cứu khoáng sản quốc gia.
Hướng đi trong kỷ nguyên xanh và chuyển đổi số
Viện đang tích cực tham gia các lĩnh vực địa chất môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo. Nổi bật là nghiên cứu khả năng lưu giữ CO₂ trong các bể địa chất sâu ở Trũng Sông Hồng và An Châu, hay các dự án liên quan đến xử lý chất thải phóng xạ và phát triển công nghệ tuần hoàn carbon. Địa chất - từ khai thác tài nguyên - nay đang trở thành lớp khiên bảo vệ con người trong thời đại carbon hóa.
Viện đã chuyển mình mạnh mẽ trong hợp tác quốc tế: từ nghiên cứu sinh khoáng với Nga, Đức, Hàn Quốc, đến phát triển công viên địa chất với Bỉ, mô hình bơm nước không điện với Đức tại Hà Giang, hay hợp tác tái chế đất hiếm từ tro xỉ cùng Hàn Quốc và Mỹ.
Dấu mốc quan trọng gần đây là việc tái khởi động quan hệ chiến lược với Ba Lan và thành lập Trung tâm nghiên cứu Việt - Ba tại Viện.
Nhìn lại 60 năm phát triển, có thể khẳng định rằng những thành quả của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là kết tinh từ trí tuệ, mồ hôi và tâm huyết của biết bao thế hệ nhà khoa học, kỹ sư, người lao động. Chính nền tảng ấy đang tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ hôm nay - để tiếp tục đổi mới, hội nhập và vươn xa - thực hiện trọn vẹn sứ mệnh khoa học địa chất trong thời đại mới.