| Hotline: 0983.970.780

Xuất siêu gần 4,4 tỷ USD: Nông lâm thủy sản củng cố vị thế trên thị trường thế giới

Chủ Nhật 13/04/2025 , 16:18 (GMT+7)

Quý II, toàn ngành đặt mục tiêu tăng tốc sản xuất, mở cửa các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Xuất siêu tương đối tốt

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I, nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chia sẻ, trong bối cảnh sáp nhập tổ chức và biến động nhân sự, ngành nông nghiệp và môi trường vẫn ghi nhận nhiều kết quả khả quan trong quý I/2025.

Tốc độ tăng giá trị gia tăng nông lâm thủy sản quý I/2025 đạt 3,74% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nông nghiệp tăng 3,53%; lâm nghiệp tăng 6,67%; và thủy sản tăng 3,98%.

Ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thị trường tiếp tục là ưu tiên lớn trong quý II/2025. Ảnh: Khương Trung.

Ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thị trường tiếp tục là ưu tiên lớn trong quý II/2025. Ảnh: Khương Trung.

Cả nước đã gieo cấy gần 2,95 triệu ha lúa đông xuân. Năng suất tăng cao tại ĐBSCL giúp sản lượng vụ này đạt 9,9 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ.

Hầu hết sản lượng các loại cây ăn trái đều tăng do cả diện tích cho sản phẩm và năng suất tăng. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cây công nghiệp cũng tăng, góp phần nâng cao giá trị của cây lâu năm trong toàn ngành nông nghiệp nói chung.

Sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực tăng trưởng khá trong quý I/2025, nổi bật như sầu riêng tăng tới 16,8%; chuối tăng 5,6%; xoài tăng 5,3%; bưởi tăng 2,5%; thanh long tăng 2,1%.

Chăn nuôi duy trì ổn định, đàn lợn và gia cầm phát triển tốt trong khi đàn trâu, bò giảm nhẹ do hiệu quả kinh tế không cao. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 2,15 triệu tấn, tăng 4,6%. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện quyết liệt, đến cuối tháng 3 chỉ còn 22 ổ dịch tả lợn châu Phi và 8 ổ dịch viêm da nổi cục tại một số địa phương chưa qua 21 ngày.

Trong lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng đạt gần 2 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 5,1%. Riêng cá tra và tôm - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng lần lượt 5,1% và 5,5%.

Ngành lâm nghiệp ghi nhận nhiều kết quả tích cực với hơn 49.000 ha rừng trồng mới, tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 4,3 triệu m³, tăng 16,6%; thu hơn 836 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; lâm sản 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; thủy sản 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; sản phẩm chăn nuôi 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; đầu vào sản xuất 549,5 triệu USD, tăng 19,6%. Theo ông Điệp, “trong quý I/2025, xuất siêu tương đối tốt, gần 4,4 tỷ USD”.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đến các châu lục và thị trường lớn đều tăng mạnh và rất mạnh. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 3,53 tỷ USD, tăng 15,7%; châu Âu 2,61 tỷ USD, tăng 37,8%; châu Phi 496 triệu USD, tăng 105,1%; châu Á 6,61 tỷ USD, tăng 2% và châu Đại Dương 197 triệu USD, tăng 0,8%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 20,2%, 17,3%, và 7,7%.

Về quản lý tài nguyên nước, Bộ đã theo dõi, giám sát trực tuyến vận hành các hồ chứa thủy điện lớn, đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; đã công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 761 đập, hồ chứa của 674 công trình thủy lợi…

Về lĩnh vực môi trường, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải; hiện nay đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quý I, ông Điệp cho hay, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, đó là: Sản lượng lúa tăng chủ yếu nhờ tăng về diện tích; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có tiềm ẩn nguy cơ khó lường; giá một số mặt hàng xuất khẩu giảm do một số nước tăng xuất khẩu làm nguồn cung cao; một số nước thắt chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, tăng tần suất kiểm tra hàng hóa nông sản nhập khẩu; Hoa Kỳ công bố áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu các nước, trong đó có Việt Nam…

Thị trường tiếp tục là ưu tiên lớn trong quý II

Bước sang quý II/2025, toàn ngành đặt mục tiêu tăng tốc sản xuất, bám sát kịch bản tăng trưởng toàn ngành.

Ông Điệp cho biết, trong trồng trọt, sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; nắm bắt tình hình sản lượng cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, đề xuất chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao; tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL”.

Trong chăn nuôi, nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, sẽ triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả.

Trong chăn nuôi, nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Ảnh: BAF.

Trong chăn nuôi, nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Ảnh: BAF.

Với lĩnh vực thủy sản, sẽ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và nuôi biển theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài…

Thị trường tiếp tục là ưu tiên lớn trong quý II. Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới…

Với công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; trực ban điều hành ứng phó với thiên tai 24/24h để chỉ đạo, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả.

Hướng dẫn tích trữ nước vào hệ thống công trình thủy lợi để dành tưới dưỡng; gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, chống thất thoát cho các diện tích đã cấp đủ nước.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp và môi trường; tuyên truyền phổ biến pháp luật mới về nông nghiệp và môi trường đến các bộ ngành, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan đảm bảo chính sách pháp luật mới được thực thi hiệu quả.

Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước…

Xem thêm
Danh sách dự kiến 34 tỉnh thành sau sáp nhập, hợp nhất theo Nghị quyết 60

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao về đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).