| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Đan Mạch: Phát triển năng lượng xanh và thúc đẩy thương mại

Thứ Tư 16/04/2025 , 14:28 (GMT+7)

Ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành tiếp bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư.

Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Việt Nam - Đan Mạch đã có mối quan hệ truyền thống và hợp tác lâu dài hơn 50 năm qua. Chính phủ Đan Mạch luôn dành những hỗ trợ về nhân lực và tài chính cho Việt Nam, trong đó phải kể đến những hỗ trợ mang ý nghĩa to lớn đối với ngành nông nghiệp - môi trường Việt Nam, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, an toàn thực phẩm.

Năm 2023, hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP). Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) chủ trì thành lập Nhóm Thường trực liên ngành triển khai Kế hoạch hành động chung nhằm điều phối hiệu quả các hoạt động liên ngành, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ GSP.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành tiếp Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư. Ảnh: Đoàn Phòng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành tiếp Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư. Ảnh: Đoàn Phòng.

Xác định tăng trưởng xanh và năng lượng tái tạo là trọng tâm chiến lược chung

Về tăng trưởng xanh, người dân và doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình rõ rệt nhằm bắt kịp xu hướng cũng như nhu cầu của thị trường. Trong lĩnh vực sản xuất lương thực, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đang được triển khai rộng rãi, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, Bộ NN-MT đang tích cực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi và trồng trọt.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhanh nhất thế giới. Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi - lĩnh vực mà Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ phía Đan Mạch nhằm xây dựng Kế hoạch Không gian biển toàn diện và phát triển điện gió ngoài khơi. Chuyên gia hai nước cùng chia sẻ kiến thức về đánh giá rủi ro địa kỹ thuật, cũng như các tác động vật lý, sinh thái của điện gió ngoài khơi trong không gian biển cũng như các vùng ven biển.

Tôi tin rằng, trong khuôn khổ thực hiện Đối tác chiến lược về phát triển xanh, hai nước sẽ có thêm nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành mong muốn Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Kế hoạch Không gian biển toàn diện và phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: Đoàn Phòng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành mong muốn Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Kế hoạch Không gian biển toàn diện và phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: Đoàn Phòng.

Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư, nhấn mạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm và năng lượng. “Tất cả lĩnh vực này thuộc khuôn khổ GSP và hai nước đang có chung mục tiêu để cùng nhau hợp tác và phát triển”, bà Lina Hansen khẳng định.

Bên cạnh các lĩnh vực trên, Đan Mạch đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác như: giáo dục nghề nghiệp, thống kê và y tế. Các lĩnh vực này sẽ được tích hợp và lồng ghép thêm yếu tố phát triển xanh. “Ví dụ, trong giáo dục, dạy nghề, chuyên gia Đan Mạch sẽ lồng ghép các kinh nghiệm về chuyển đổi xanh và hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực. Từ đó, đảm bảo tất cả ngành nghề đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn”, Thứ trưởng Lina Hansen dẫn chứng.

Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai bên trong khuôn khổ Chiến lược phát triển xanh, bà Hansen đề xuất thành lập một ủy ban liên ngành giữa các bộ liên quan của Việt Nam và Đan Mạch. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện để hai bên duy trì trao đổi thường xuyên, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, triển khai các sáng kiến chung.

Thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm giữa Việt Nam - Đan Mạch

Theo Thứ trưởng Lina Hansen, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp và lương thực thực phẩm tại hai nước. Đan Mạch hiện đang tiên phong phát triển công nghệ, sáng kiến và các giải pháp thích ứng nhằm nâng cao khả năng chống chịu cho nền kinh tế quốc gia.

Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư, khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch. Ảnh: Đoàn Phòng.

Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Đầu tư, khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch. Ảnh: Đoàn Phòng.

“Chính phủ Đan Mạch đang nghiên cứu và xây dựng một cơ chế mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và cách tiếp cận mới với Việt Nam để cùng giải “bài toán” này”, bà Lina chia sẻ.

Về hợp tác quốc tế, Đan Mạch là đối tác thân thiết của nhiều quốc gia và luôn chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng nhau phát triển bền vững. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Vì vậy, phía Đan Mạch mong muốn đẩy mạnh thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chế biến thực phẩm.

Lắng nghe ý kiến của bà Lina Hansen, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh tại mỗi nước để nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản hai chiều trong thời gian tới.

Xem thêm
Đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam: 'Lá chắn' trước lũ quét

SƠN LA Sau 3 năm thực hiện, dự án đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam chính thức khánh thành tại Sơn La, với mục tiêu giảm tốc độ dòng lũ và giữ lưu lượng bùn đá.