Hàn Quốc bàn giao 'Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH' cho Thái Bình
Thứ Ba 29/04/2025 , 16:40 (GMT+7)
Hàn Quốc bàn giao cho Việt Nam dự án 'Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH' sau 5 năm triển khai thành công tại huyện Đông Hưng, Thái Bình.
Thái Bình tiếp nối chương trình cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH
Sau 5 năm triển khai, Chương trình Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và chính thức được bàn giao cho Việt Nam vào ngày 28/4 tại huyện Đông Hưng, Thái Bình. Được tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc qua Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Phát triển nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), chương trình đã được thực hiện từ năm 2020 tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cùng Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC).
Một trong những điểm nổi bật là mô hình canh tác lúa bền vững và giá trị cao đã thành công tại Thái Bình, cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng cốt lõi như Trung tâm đào tạo nông nghiệp, khu canh tác thí điểm, khu xử lý sau thu hoạch bao gồm hệ thống sấy khô, lưu trữ, xay sát và hệ thống nhà kính tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng. Chương trình cũng đã hoàn tất kế hoạch phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Hồng, góp phần đào tạo nông dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển chiến lược marketing để thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, tạo nền tảng nhân rộng mô hình trên toàn vùng.
Ông Lê Quang Duân - HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Hoa
“Sau 2 năm trực tiếp tham gia vào dự án, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức từ bên phía Hàn Quốc mang lại cho bản thân chúng tôi và 2 HTX Liên Hoa và các tỉnh lân cận. Đến giờ phút này dự án đã được giao lại cho HTX chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành, duy trì dự án để phát triển thành công tốt đẹp.”
Sau 5 năm triển khai, dự án đã tạo bước đột phá như: năng suất lúa tăng 10%, thất thoát sau thu hoạch giảm sâu, hình thành các mô hình sản xuất khép kín hiện đại. Thành công này góp phần ổn định nguồn cung, giảm thiểu rủi ro mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân. vùng lúa chiến lược Đồng bằng sông Hồng giữ vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia – là trọng tâm của dự án. Với kỳ vọng lớn, phía Hàn Quốc tin tưởng dự án sẽ nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và kiến tạo mô hình nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.
Ông BÙI HẢI NAM - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp
“Sản xuất kinh tế nông nghiệp hướng đến nền sản xuất có trách nhiệm hơn, hướng đến kinh tế xanh đây là định hướng của Bộ NNMT thì cũng đồng hành với những ưu tiên của chính phủ Hàn Quốc vì vậy trong tương lai tôi rất mong muốn 2 phía Chính phủ tăng cường hợp tác thêm trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng thêm nhiều dự án liên quan đến vấn đề tăng cường chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của VN, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường chế biến sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp của VN.”
Ông Moon Kyung Duck, Giám đốc Ban Phát triển nông nghiệp toàn cầu (Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc MAFRA)
“Sau khi đạt được những kết quả tích cực ở giai đoạn đầu của dự án, Bộ Nông Nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng hợp tác hơn nữa với Việt Nam dựa trên những thành quả của dự án này. Đặc biệt, với sự thành công của dự án, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc nhân rộng các dự án tương tự tại các khu vực khác, qua đó tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp hai nước.”
Thành công của dự án không chỉ góp phần nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng, mà còn mở ra triển vọng hợp tác dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện nay, hai bên đang tích cực thúc đẩy nhiều hình thức hợp tác đa dạng nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam theo hướng bền vững, tập trung vào ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo và phát triển năng lực cho nông dân.