Những ngày cuối tháng 4, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) người dân nô nức vào vụ hái chè Shan tuyết trên đỉnh núi để mưu sinh, phát triển kinh tế và gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo chỉ có ở vùng cao này.
Những ngày cuối tháng 4, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, Hà Giang, người dân nô nức vào vụ hái chè Shan tuyết trên đỉnh núi để mưu sinh, phát triển kinh tế và gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo chỉ có ở vùng cao.
Chè Shan tuyết sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện bán hoang dã. Đây là giống chè quý hiếm, mang đậm bản sắc vùng cao. Để hái được những búp chè xanh non, người dân phải dậy từ tờ mờ sáng leo lên những gốc chè cổ thụ cao đến cả chục mét, hái chè hoàn toàn thủ công, người hái phải có sức khỏe, kiên nhẫn và kinh nghiệm.
Anh Bàn Văn Điệp, Xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang
“Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có rất nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhà tôi đều thu hái bằng thủ công. Thu hái về soa suất bằng thủ công, chất lượng cây trà rất tốt. và có rất nhiều người yêu thích dòng trà nhà tôi”
Gia đình anh Điệp có 5ha chè, mỗi vụ có thể thu hái khoảng 1 tấn búp tươi. Sau khi sao chè thủ công, thành phẩm thu được khoảng 500kg chè khô. Với giá bán trung bình hiện nay, mỗi hộ có thể thu về hơn 100 triệu đồng/vụ. Bên cạnh việc gìn giữ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã học cách làm tem nhãn, bao bì đẹp mắt và tiếp cận bán hàng qua thương mại điện tử. Nhờ đó, chè Shan tuyết không chỉ bán ở địa phương mà còn vươn xa đến nhiều tỉnh thành, thậm chí ra nước ngoài.
Chị Bàn Thị Hom, Xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang
“Chúng tôi sống dưới chân núi Tây Côn Lĩnh có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi dân tộc Dao di hái thủ công, sau khi hái về thì sẽ sao thủ công bằng tay, sau khi sao thì sẽ ra thành phẩm lục trà Shan tuyết cổ thụ một tôm một lá và một tôm hai lá. Những cây trà đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân”
Ông Cấn Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang
“Việc phát triển kinh tế dựa vào cây chè ở nhiều hộ dân ở xã Phương tiến đã thoát nghèo. Một số hộ đã có kinh tế khấm khá. Nhiều hộ có điều kiện từng bước làm giàu từ cây chè”
Hà Giang có tổng diện tích trồng chè lên tới 20.300ha. Trong đó, chè Shan tuyết chiếm hơn 18.600 ha. Diện tích cho thu hoạch đạt gần 14.000ha, sản lượng hơn 55.000 tấn mỗi năm. Mùa hái chè Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh không chỉ là công việc mưu sinh, phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn là nét văn hóa truyền thống độc đáo, là sự kết tinh của thiên nhiên, con người và lịch sử vùng cao. Vùng chè Shan tuyết cổ thụ không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Hà Giang mà còn là minh chứng cho một vùng chè quý đang hồi sinh mạnh mẽ giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh.