Bắt đường dây sản xuất, bán thuốc tân dược giả gần 200 tỷ đồng
Thứ Năm 17/04/2025 , 16:57 (GMT+7)
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu là gần 10 tấn, ước tính thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
Bắt đường dây sản xuất, bán thuốc tân dược giả gần 200 tỷ đồng
Lực lượng chức năng đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, huy động lực lượng phối hợp khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của các đối tượng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất như dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán. Cùng với đó là hàng nghìn các sản phẩm hàng hoá là thuốc chữa bệnh khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh, sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa…, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo (sinh năm 1985, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xương khớp. Hai đối tượng này đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, chúng đặt mua nguyên liệu là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả sau đó bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng. Đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, các đối tượng không làm giả các sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự đặt ra những tên thuốc, tên Công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Về thủ đoạn, . Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sỹ buôn bán thuốc cho công ty dược, các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các Công ty chính hãng “tuồn” ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.
Hoặc quảng cáo là hàng “xách tay” nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo để lấy lòng tin của người mua hàng.