| Hotline: 0983.970.780

Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện EPR

Thứ Sáu 11/07/2025 , 10:51 (GMT+7)

Chiều 10/7, tại Đồng Nai, Cục Môi trường tổ chức Hội thảo 'Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)'.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Để cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến chính sách EPR, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 và Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/2/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tường Tú.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tường Tú.

Trong đó, cơ bản đã hoàn thiện hành lang pháp lý để thực thi quy định về EPR theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cũng theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, các văn bản này cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; đồng thời, bước đầu đưa các quy định EPR đi vào thực tiễn, thể hiện nỗ lực nhất quán của Chính phủ trong việc hiện thực hóa định hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Tuy vậy, trên thực tiễn triển khai cho thấy, EPR là một chính sách mới, có phạm vi điều chỉnh rộng và liên quan đến nhiều nhóm đối tượng như doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tái chế..., trong khi đó, việc tiếp cận và hiểu đúng, đầy đủ các quy định về EPR của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Hiện nay, các nội dung EPR đang được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP dẫn đến việc khó theo dõi, khó tra cứu và khó thực hiện một cách nhất quán.

Đại diện Lãnh đạo Cục Môi trường trao đổi với các đại biểu về mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện EPR. Ảnh: Tường Tú.

Đại diện Lãnh đạo Cục Môi trường trao đổi với các đại biểu về mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện EPR. Ảnh: Tường Tú.

“Để khắc phục các bất cập hiện hữu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu đổi mới trong bối cảnh thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện các định hướng về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động đề xuất xây dựng một Nghị định riêng quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu và được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo”, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho hay.

Tại Hội thảo, đại diện Phòng Quản lý Chất thải, Cục Môi trường đã hướng dẫn triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn theo Công văn số 1760/BNTMT-MT ngày 6/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại diện Văn phòng EPR đã hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP.

Quang cảnh Hội thảo 'Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)'. Ảnh: Tường Tú.

Quang cảnh Hội thảo “Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”. Ảnh: Tường Tú.

Đại diện Phòng Chính sách - Pháp chế, Cục Môi trường cũng đã giới thiệu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, có quy định cụ thể về đối tượng và lộ trình áp dụng; tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế; thải bỏ phương tiện giao thông; đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế; đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì… được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận và đề xuất các ý kiến có liên quan đến EPR.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết: Các ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu tại Hội thảo hôm nay sẽ là những đóng góp quý báu giúp Cục Môi trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Cục Môi trường cam kết sẽ lắng nghe, cầu thị để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý xác đáng của các đại biếu tham dự Hội thảo này.

Xem thêm

Bình luận mới nhất