'Tống biệt hành' - ai người Thâm Tâm tống biệt?

Vũ Bình Lục - Chủ Nhật, 27/07/2025 , 19:57 (GMT+7)

'Tống biệt hành' có thể xem là một bài thơ dự báo định mệnh. Đó là một bài thơ rất lạ, đến nay vẫn còn rất lạ, khiến người đời sauphảirơinướcmắt,nghĩngợimãichưathôi!...

Thâm Tâm và trích đoạn "Tống biệt hành". 

Thâm Tâm (1917-1950) nhà thơ - chiến sĩ để lại cho đời không nhiều lắm những sáng tác văn chương. Tuy nhiên, chỉ với “Chiều mưa Đường số 5” “Tống biệt hành”, tên tuổi ông cũng đã đủ khắc sâu vào lịch sử văn học nước nhà, như một nhà thơ nổi tiếng, và có giọng điệu riêng, đầy ấn tượng!

Bài thơ “Tống biệt hành”, của Thâm Tâm bắt đầu được tôn vinh từ khi có tư tưởng đổi mới (thập niên 80 của thế kỷ trước). Hơn thế, nó còn được đưa vào sách giáo khoa, được nghiên cứu, bình giải, như một bài thơ đặc sắc của thơ ca Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Tống biệt hành quả là một bài thơ có nội hàm phong phú. Đã từng xảy ra rất nhiều tranh biện sôi nổi từ nhiều năm qua về bài thơ này, cả về giá trị nội dung và nghệ thuật, cả những tranh biện nhất quán và chưa nhất quán. Điều ấy cho hay, “Tống biệt hành” là một bài thơ chứa nhiều uẩn súc trong hình ảnh, hình tượng thơ, trong cấu trúc thẩm mỹ và thậm chí là bối cảnh sáng tác…

Ngay như cái tên của bài thơ, gồm 3 từ Hán Việt. Có người hiểu “Hành” ở đây là một thể thơ (thể hành). Thực ra, tên bài thơ được hiểu theo nghĩa vô cùng đơn giản, đó là “Tiễn biệt người ra đi”

Thế nhưng, điều không đơn giản ở đây là: Ai tiễn ai? Đã từng có tài liệu nói rằng, bài thơ này Thâm Tâm viết cho một người bạn trong một lần tiễn bạn lên vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, không ít ‎ý kiến còn hồ nghi với giả thiết này. Và người viết bài này cũng trong tâm trạng băn khoăn đi tìm lời giải cho câu hỏi ấy.

“Ta” tiễn ai? Mà “Đưa người ta không đưa qua sông?… Có vẻ như tác giả bài thơ (ta), cùng với gia đình (mẹ, một chị, hai chị và em gái) tiễn một người nào đó ra đi, ví như một người thân thiết của tác giả:

  Đưa người ta không đưa qua sông

 Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

 Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

"Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?". Ảnh: Khương Bino.

Nói về bối cảnh tiễn đưa, rằng “ta” tiễn một người ra đi, chẳng qua sông sâu biển rộng gì, mà nghe rõ như có tiếng sóng đang vỗ trong lòng ào ạt. “Ta” hỏi chính mình, đồng thời khẳng định đó chính là cảm xúc của chính mình, cảm xúc về một cuộc chia ly, linh cảm hình như là rất khó, hoặc như chẳng có ngày trở lại. Thế nên, đó là một cảm xúc rất buồn: “Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”.  

Nhưng “người ấy” là ai? Sao “ta” “chỉ đưa người ấy”? Có phải chăng “ta” tiễn biệt chính “ta”, cho nên mới dứt khoát rõ ràng tâm trạng “một giã gia đình, một dửng dưng”. Khi mục tiêu đã xác định, chí đã quyết, thì “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Nói hộ lòng “người ấy” mà người đọc cảm như Thâm Tâm đang nói lên quyết tâm của chính mình. Lòng người ra đi bừng bừng nghĩa khí, bất giác thốt lên những lời ca tráng sỹ, như cố xua đi, gạt đi những cảm xúc có phần yếu đuối đang len lỏi. Vì trước đó, dường như đã từng có một cuộc “đấu tranh tư tưởng” diễn ra:

Ta biết người buồn chiều hôm trước,

Ta biết người buồn sáng hôm nay.

Buồn cũng đã mấy rồi, trăn trở vân vi cũng đã mấy rồi, chứ đâu phải đi vào chỗ hiểm nguy, vào chỗ có thể hy sinh mà bảo vui ngay cho được? Có lẽ người ra đi suy nghĩ lung lắm, phần thương mẹ già, em nhỏ, các chị gái chưa chồng; chiến tranh loạn lạc, trai tráng ra đi hết cả, “bây giờ mùa hạ sen nở nốt”, biết đâu rồi  “một chị hai chị cũng như sen”, nở rồi cũng sẽ tàn phai thôi? Nhưng lòng ly khách đã quyết ra đi vì nghĩa lớn. Thì dẫu mẹ già, một chị hai chị hay em thơ dại cũng không thể làm mai một được chí trai.

Cuộc tiễn đưa cũng đến hồi chia tay. Dòng suy tưởng chợt bị thảng thốt cắt chia đột ngột: "Người đi? nhỉ người đi thực!". Thì xin mẹ hãy coi con như một “chiếc lá bay”, chị hãy coi em như “là hạt bụi”, em hãy coi anh như “hơi rượu say”... Vì con đường phía trước của “người đi” đầy chông gai, có thể là cái chết - hay sự hy sinh.

Con đường phía trước của “người đi” đầy chông gai, có thể là cái chết - hay sự hy sinh. Tranh minh họa.

Nhìn lại tuyến nhân vật trong Tống biệt hành, cho thấy 2 nhân vật “ta” và “người” cùng xuất hiện trong 4 cảnh huống: “Đưa người ta không đưa qua sông”, “Đưa người ta chỉ đưa người ấy”, “Ta biết người buồn chiều hôm trước” “Ta biết người buồn sáng hôm nay”.

Duy nhất khổ thơ cuối cùng, cũng là cảnh huống cuối cùng, là không cùng xuất hiện. Phải chăng, “ta” với “người” chỉ là một, được tác giả phân thân để giấu đi cảm xúc của mình mà thực hiện chí lớn. Chỉ đến giây phút cuối dứt áo chia ly mới không kìm nén được lòng mình để sống thật với bản năng yêu thương không cần che giấu:

 Người đi? Ừ nhỉ người đi thực

 Mẹ thà coi như chiếc lá bay

 Chị thà coi như là hạt bụi

 Em thà coi như hơi rượu say.

“Tống biệt hành” của Thâm Tâm, như tôi thiển nghĩ, là một bài thơ được thể hiện như một kiểu tự tình, tự đối diện với chính mình, tự phân thân như một thủ pháp nghệ thuật cần thiết. Các hình ảnh, hình tượng thơ và cấu trúc hình thức, phải chăng, chỉ là cách biểu hiện độc đáo của tâm trạng, trong một bối cảnh đặc biệt nào đó của nhân vật trữ tình? Có thể là chính tác giả, cùng với những xúc cảm chân thành, khi quyết định bước chân vào trường tranh đấu đầy hiểm nguy, linh cảm sẽ có thể hy sinh. Một phần, cũng có thể tác giả trình bày như một ký thác tâm tư tình cảm của những người lính “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Cũng chẳng nên rạch ròi quá làm gì, bởi thơ là nghệ thuật tuyệt diệu của trí tưởng tượng, phập phồng thực ảo, huyền bí sâu xa. Người đọc cảm nhận ở “Tống biệt hành” của Thâm Tâm một tấm chân tình, một nỗi niềm trung thực, sáng trong, nhuốm màu bi tráng của một thời khốc liệt và oanh liệt của dân tộc đã qua.

Nhà thơ Thâm Tâm - chiến sĩ - Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình, chàng trai Xứ Đông tràn đầy nhiệt huyết đã ngã xuống khi tuổi đời đang sung sức. Vậy nên, “Tống biệt hành” có thể xem là một bài thơ dự báo định mệnh. Đó là một bài thơ rất lạ, đến nay vẫn còn rất lạ, khiến người đời sau phải rơi nước mắt, nghĩ ngợi mãi chưa thôi!...                     

Nhà thơ, nhà báo Thâm Tâm (hàng đầu, bên phải) cùng đồng đội những ngày làm Báo Vệ quốc quân ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Bảo tàng VHVN.

                                            

TỐNG BIỆT HÀNH

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Nắng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

 

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

 

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

 

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Trời chưa mùa thu tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

 

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say...

(Thâm Tâm)       

         

Vũ Bình Lục
Tin khác
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Dáng đứng Việt Nam được bồi đắp từ sự hy sinh của những thương binh liệt sĩ, còn mãi vang vọng trong những áng thơ kiêu hãnh và tự hào.

Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.